Thứ Năm ngày 02 tháng 1 năm 2025

Khi những người phụ nữ tham gia thánh chiến Jihad

CEN_TeenGirlsJihad_09.jpg

 

Chẳng phải là ngẫu nhiên khi nói tới những nguy cơ an ninh đang đe dọa thế giới, không ít đoàn đại biểu quốc tế tham dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) tại Hà Nội hồi hạ tuần tháng 3-2015 đã bày tỏ sự quan ngại về chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo với đỉnh điểm là việc xách động phong trào thánh chiến Hồi giáo Jihad đang lan rộng. Điều càng thêm nguy hiểm là đang có ngày càng nhiều công dân từ thế giới phát triển bị lôi cuốn vào phong trào thánh chiến này.

Hãng tin Anh Reuters (2-4-2015) cho biết số lượng phụ nữ từ khắp thế giới bỏ đất nước tới Trung Đông tham gia lực lượng tự xưng “Nhà nước Hồi giáo” (IS) và những tổ chức Hồi giáo cực đoan khác đang tiếp tục gia tăng. Và gần đây, vai trò của những phụ nữ nước ngoài này đã thay đổi, không còn chỉ là những cô dâu cho những chiến binh thánh chiến mà đã trực tiếp trở thành những nữ chiến binh thánh chiến tham gia chiến đấu trên các chiến trường.

Có lẽ đây là một phản ứng mà IS mong muốn để đối đầu với những tay súng phụ nữ gan góc trong lực lượng YPG (Các đơn vị bảo vệ nhân dân) của người Kurd.

Theo các chuyên gia quân sự, những phụ nữ nước ngoài gia nhập IS hiện nay đã tham chiến trong các đơn vị hậu cần, tình báo, cũng như tại những bệnh viện do IS kiểm soát.

Đại tá Rafat Salim Raykoni, chỉ huy một đơn vị tình báo quân sự của lực lượng vũ trang người Kurd Iraq đang trực tiếp chiến đấu chống quân IS, cho biết gần đây đã thấy những tay súng nữ của IS xuất hiện quanh thị trấn Sinjar, một chiến tuyến ở miền bắc Iraq. Tuy chưa có nhiều, nhưng sự xuất hiện của những nữ chiến binh Jihad đó là một sự khác thường.

Nhiều viên chỉ huy quân đội cao cấp tại các khu vực khác ở Iraq và Syria cũng đã báo cáo về sự tham chiến của những tay súng nữ trong hàng ngũ IS. Pareen Sevgeen, chỉ huy đơn vị nữ dân quân người Kurd YJA Star chiến đấu ở phía bắc Sinjar, cho biết chị đã nghe trong hệ thống thông tin liên lạc của bọn IS có tiếng một phụ nữ đang ra lệnh cho các tay súng nam. Sevgeen nói rằng theo những nguồn tin riêng, người nữ chỉ huy IS đó đến từ Ấn Độ.

Tướng Wahid Koveli, Tư lệnh Sư đoàn Đặc biệt số 1 đang tham chiến tại chiến trường quanh thị trấn Teleskuf (miền bắc Iraq), cho biết ông đã nghe tiếng những nữ chiến binh IS trên làn sóng điện ít nhất là 2 lần.

Jayne Huckerby, Giám đốc Bệnh viện Nhân quyền Quốc tế thuộc Đại học Duke (bang North Carolina, Mỹ), cho rằng không có gì phải ngạc nhiên về việc phụ nữ xuất hiện trong các đơn vị IS trên chiến trường khi có hàng ngàn người nước ngoài đang kéo tới đầu quân cho IS để được trực tiếp cầm súng. Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu về Quá khích hóa và Bạo lực chính trị (ICSR) có trụ sở tại Luân Đôn (Anh) ước tính có ít nhất 20.000 người nước ngoài đã tham gia cuộc xung đột hiện nay ở Syria và Iraq, trong đó có khoảng 4.000 là công dân phương Tây. Có khoảng 80% số tay súng phương Tây này gia nhập IS. Trong khi đó, Viện Đối thoại Chiến lược (ISD) ước tính có khoảng 550 phụ nữ nước ngoài tham gia IS.

Hồi tháng 2-2015, 3 nữ sinh Anh đã băng qua Thổ Nhĩ Kỳ tới Syria để gia nhập IS. Gia đình và nhà chức trách Anh đã nỗ lực kêu gọi họ quay về nhà. Trong tháng 3-2015, trong số 9 sinh viên y khoa Anh tới gia nhập IS, có 4 là nữ. Tất cả đều đi du lịch sang Thổ Nhĩ Kỳ rồi sau đó mất tích. Bộ Nội vụ Anh nói rằng số công dân Anh này khi nghe lời gia đình trở về sẽ không bị truy tố theo luật chống khủng bố nếu như họ có thể chứng minh rằng mình chưa từng chiến đấu cho IS.

Theo giới chuyên môn, trong khi phụ nữ châu Á có khuynh hướng tham gia thánh chiến Jihad một cách gián tiếp như làm vợ những tay súng, phụ nữ phương Tây gia nhập IS với mong muốn trở thành những nữ chiến binh như Jihad Jane. Có tin nói rằng IS cũng đã thành lập Binh đoàn Al-Khansaa gồm toàn nữ chiến binh. Tổ chức tư vấn Quỹ Quilliam (Anh) giải thích rằng phụ nữ Hồi giáo được phép từ bỏ công việc nội trợ để trở thành chiến binh Jihad “nếu như kẻ thù đang tấn công nước họ mà đàn ông không có đủ để bảo vệ đất nước, và các thủ lĩnh Hồi giáo ban hành một phán quyết fatwa cho điều đó”.

Một số người nhận định rằng việc phải cho phép phụ nữ cầm súng cho thấy lực lượng IS hoặc không đủ đàn ông, hoặc quyết chiến tới cùng.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 3-4-2015)

+ Ảnh: Ngày càng có thêm nhiều phụ nữ nước ngoài tham gia Jihad. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks.)

+ Có thể đọc bản in trên báo CA TP ngày 3-4-2015