Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Ngón tay cái trong thời smartphone

using-smartphone_resize

 

Nếu như cái ngón tay trỏ là “đệ nhất dương chỉ” của thời máy tính, cái ngón tay cái là “vô đối dương chỉ” của thời smartphone. Có thể nói, đây là “thời của những ngón cái”. Hãy nhìn những ngón tay cái nhoay nhoáy như múa trên bàn phím ảo của smartphone kìa. Nhưng có lẽ ít người biết rằng việc soạn tin nhắn, cuộn xem các trang web, kiểm tra email trên smartphone có thể làm thay đổi các tương tác của bộ não và ngón cái con người. Đó là kết quả của cuộc nghiên cứu vừa công bố của các chuyên gia từ Đại học Zurich, ETH Zurich và Đại học Fribourg (Thụy Sĩ).

Trong công trình nghiên cứu do Tiến sĩ Arko Ghosh thuộc Đại học Zurich và ETH Zurich đứng đầu này, các nhà nghiên cứu đã dùng kỹ thuật điện não đồ (electroencephalography, EEG) để đo đạc các hoạt động của vỏ não (cortical brain) ở 37 người thuận tay phải (right-handed), trong đó có 26 người dùng các smartphone màn hình cảm ứng và 11 người dùng điện thoại di động không cảm ứng. Có 62 điện cực được gắn vào trong một chiếc mũ EEG mà đối tượng đội để ghi nhận cách bộ não xử lý tín hiệu chạm từ các ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa của người đó. Sau đó các hoạt động não được so sánh với các lệnh cá nhân được ghi bởi các bản ghi chép của điện thoại (phone log) từng người đã xài.

Từ những kết quả ghi nhận trong vòng 10 ngày, các nhà nghiên cứu nhận ra có sự thay đổi trong cách tương tác của các ngón tay cái và bộ não đối với việc sử dụng smartphone. Nói chung là kỹ năng bàn phím ảo ngày càng siêu hơn. Và hoạt động của bộ não tăng cao khi cả ba ngón tay cùng được sử dụng trên màn hình cảm ứng.

Theo Tiến sĩ Ghosh, những chuyển động lặp đi lặp lại trên màn hình cảm ứng có thể làm thay đổi quá trình xử lý xúc giác từ bàn tay với sự cập nhật hàng ngày trong bộ não về hoạt động của các đầu ngón tay. Ông tin rằng việc xử lý xúc giác trong vỏ não con người đang được tiếp tục định hình bởi công nghệ số cá nhân.

Các nhà nghiên cứu Thụy Sĩ đã nhận ra sự khác biệt ở bộ não giữa những người dùng smartphone màn hình cảm ứng và những người dùng điện thoại di động màn hình thường. Do cách tương tác của các đầu ngón tay khác nhau giữa hai loại màn hình này, bộ não cũng có những cách xử lý thông tin từ các ngón tay khác nhau. Và hoạt động này cứ diễn ra hàng ngày sẽ làm cho các cách hoạt động của ngón tay cái và bộ não thay đổi.

Trong quá trình tiến hóa của loài người, bộ phận nào được sử dụng nhiều hơn sẽ phát triển nhiều hơn. Hỗng lẽ nhân loại đang bước vào kỷ nguyên ngón cái với những ngón tay cái phát triển hơn hẳn những ngón tay khác? Sao cũng được, cầu mong những ngón cái không bị biến dạng như người ngoài hành tinh.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 13-4-2015)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

+ Có thể đọc bản in trên tạp chí e-CHIP M số 494