Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Cũng đã nghĩ tới mưu toan đổi đời thứ 5

TAIPEI DU KÝ 6-2015

150602-computex-taipei-168_resize

 

Trong một post trước, tôi có thiệt thà khai báo về 4 lần mình mưu toan đổi đời ở xứ Đài. Trong đó, mưu toan thứ nhất là phân vân không biết chọn đi theo lối nào ở sân bay quốc tế Taoyuan Taipei: Citizen hay Non-Citizen.

Chú em Nguyên Cát Bùi của tôi hiến kế “muộn” là nên thực hiện mưu toan thứ 5 là kiếm một em chân dài để thực hiện mưu toan thứ nhất.

Thôi thì lỡ rồi, khai luôn, tôi và bạn Phan Phước Quốc đâu phải đã không tính tới cái “mỹ nhưn kế” này (hỗng dám gọi là “nam nhưn kế” sợ bị cho là tự tin trên mức tình cảm). Thậm chí còn cẩn trọng tới mức “multiple” nữa kìa chớ hỗng phải chỉ “single” đâu.

150603-computex-taipei-079_resize

150603-computex-taipei-071_resize

150602-taipei-computex-ss6-049_resize

150602-taipei-computex-ss6-048_resize

Thiệt ra, đổi đời chỉ là một mặt của khối vuông Rubic. Hai anh em tôi Đài Du tự nhận lấy sứ mạng gỡ gạc lại cái uy tín của gần 50 triệu đàn ông Việt. Sứ mạng đè nặng trên vai. Mỗi lần tới cơ quan đại diện của Đài Loan tại Saigon làm visa, tôi vừa tự ái dồn dập, vừa xót xa đắng lòng khi chứng kiến cảnh ngày càng có thêm nhiều đồng giới của mình từ Đài Loan sang càn quét những cô gái trẻ xinh xắn ở các vùng quê xứ Việt mang về bển làm vợ mình. Cả hai bên đều muốn đổi đời, đàng trai thì không thể lấy nổi vợ ở xứ Đài mà có con nối dõi tông đường, còn đàng gái thì hy vọng xuất ngoại đặng đổi đời cho mình và gia đình. Tôi hiểu cả hai phía và cũng hiểu rằng những “sự cố đáng tiếc” trong những mối quan hệ như vậy chỉ là số ít. Đại đa số họ đều thỏa được mục tiêu của mình. Mà đàn ông Đài lấy vợ Việt được thì lẽ nào đàn ông Việt lại chịu kém ư? Đó là tôi mơ như vậy. Ở xứ nào thì giấc mơ cũng đều là món “complimentary” (tình thương mến thương) và “duty free” (miễn thuế).

Nhưng mà “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Anh em tôi giăng cả một giàn câu mà hỗng có con cá nào chịu ghé môi cắn vào.

Bởi vậy hai anh em đành gởi lại Taiwan lời hẹn tái ngộ hãy đợi đấy (wait-and-see). Rồi trên đường quảy hành trang “nhà ai nấy về”, tôi nghêu ngao bài hát sinh hoạt của hướng đạo sinh trước 1975: “Ta không chê của người. Ta không khen của ta. Nhưng dù sao đi nữa. Ta về ta tắm ao ta. Dù trong dù đục, ao nhà vẫn hơn.”

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Taipei 4-6, Saigon 9-6-2015)