Thứ Bảy ngày 27 tháng 4 năm 2024

CHUYỆN KHÔNG DÀNH CHO CÁC LADY: món bánh Gayke xứ Đài

TAIPEI DU KÝ 6-2015:

150602-computex-taipei-shilin-nightmarket-043_resize

 

Trước hết, xin lỗi mọi người – đặc biệt là các bạn nữ. Xin coi đây là một chuyện lạ xứ người, thậm chí thuộc văn hóa của họ. Biết để mở rộng tầm nhìn. Cái vụ ai nghĩ gì trong đầu thì tôi xin miễn chịu trách nhiệm.

Khoái thì khoái thiệt, và dù là một kẻ giang hồ lãng tử, tôi vẫn không đủ dũng khí để mua món bánh đặc sản Đài Loan này về ăn thử. Có lẽ phần nào cũng vì nó hơi bị đắt: giá một hộp 2 cái bán ở chợ đêm Shilin của Taipei là 290 NT (216.000 VND, 1 NT ăn 745 VND), mặc dù bà chủ tuổi trung niên hết lời chèo kéo và chịu bán cho tôi với giá 500 NT hai hộp. Sau đó về khách sạn, search trên Internet tôi biết có những chỗ bán những kiểu bánh như vầy, tuy là những loại bánh khác, với giá 60 NT một trự, thậm chí rẻ hơn. Tiếc là phải hẹn lần sau.

Nhưng cái mà bánh gì lâm ly bí ẩn vậy? Xin thưa đó là bánh Gayke, có lẽ viết tắt từ “gay cake”. Đó là những loại bánh có hình dáng cái “vỏi vòi voi” của đờn ông. Ở Nhật Bản, người ta có thể nhìn thấy cảnh những cô gái hào hứng mút những cây cà-rem, cây kẹo có hình bộ phận sinh dục nam, đặc biệt trong lễ hội Thần Đạo Kanamara Matsuri tại thành phố Kawasaki. Ở Thailand, Indonesia,… tôi cũng thấy nhan nhản những món quà lưu niệm có hình “cái vòi xả nước thải” của phái nam được làm bằng nhựa, gỗ, đá,… Còn trong lần thứ 10 tới xứ Đài này, tôi khám phá ra một thiên đường “penis cake”.

Tối 2-6-2015, trong chuyến sang Taipei dự các sự kiện của hãng Intel tại Triển lãm Máy tính và CNTT châu Á COMPUTEX 2015, tôi và anh bạn Phan Phước Quốc (báo Dân Trí) rủ nhau đi chợ đêm Shilin (Shilin Night Market), một trong những chợ đêm lớn nhất và nổi tiếng nhất ở Đài Loan. Từ khách sạn Home Hotel trên đường SongRen Rd. bên cạnh Tháp Taipei 101, hai anh em rẽ phải đi bộ theo đường SongRen về phía đồn cảnh sát ở góc đường giáp SongQin Rd., rẽ trái băng qua đường SongRen để tới nhà ga tàu điện ngầm MRT Xiangshan. Đây là ga đầu tiên của tuyến metro Tamsui – Xinyi Lien, hay còn gọi là Tuyến Đỏ (Red Line). Giá vé từ đây tới Shilin là 35 NT. Nhờ có thẻ của COMPUTEX, chúng tôi được thả ga đi xe MRT khắp Taipei miễn phí trong 4 ngày. Hên cho chúng tôi là tuyến này chạy thẳng tới Shilin, không phải đổi tàu sang tuyến khác. Đi metro ở nước nào cũng vậy, ngán nhất là cái vụ chuyển tuyến, phải cuốc bộ mỏi giò, lên cao hay xuống sâu hai ba tầng nữa. Tính từ ga đầu Xiangshan, ga Shilin là ga thứ 15. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm đầy mô hôi và hơi thở của tôi, bạn chớ để bị rơi bẫy: đi chợ đêm Shilin là phải xuống ga MRT Shilin. Tốt nhất là nên xuống ở ga thứ 14 là MRT Jiantan. Khu chợ đêm Shilin nằm giữa hai ga MRT Jiantan (ở đầu chợ) và Shilin (cuối chợ). Xuống ga Shilin, bạn phải lòng vòng mỏi cẳng mới tới trung tâm chợ. Còn từ ga Jiantan, bạn chỉ cần rẽ trái là tới khu nhà lồng chợ Shilin hay rẽ phải là vào các đường phố chợ đêm.

Thiệt ra, do Quốc lần đầu tới Đài Loan, tôi muốn đưa bạn tới chợ đêm Shilin giới thiệu những loại trái cây tươi có kích thước lớn gấp 2, gấp 3 bình thường (ổi, mận, cam, xoài, thơm,… ) và ăn rất ngon (Đài Loan nổi tiếng về trái cây); cũng như gian hàng bán kẹo đậu phộng rang tại chỗ của thương hiệu Juelin Nuts ngon bá chấy bọ chét. Bạn cũng háo hức muốn hửi qua cái mùi đặc trưng của món đặc sản Đài Loan – Hương Cảng là “tàu hũ thúi” (stinky tofu hay smelly tofu). Chỉ cần gần tới khu bán tàu hủ thúi là “hương đồng gió nội” ngạt ngào bay xa tới trấn áp cái khứu giác của khách lạ. Mùi nồng nặc khó chịu đối với ai không quen. Nhưng với người quen ăn thì tàu hũ thúi là món ăn phát ghiền, bắt ngây. Tôi từng nhiều lần đứng ngắm những cô gái trẻ xinh xắn hào hứng đưa vào chiếc miệng xinh xinh miếng tàu hũ thúi để rồi tôi lan man tưởng tượng… Ừ, thì cũng như sầu riêng, bún mắm của xứ mình thôi mà. Nghe nói tàu hũ thúi sau khi được chế biến ra theo cách bình thường sẽ được đem ngâm 1 tới 2 ngày trong một dung dịch nước ướp chế biến bằng sữa, rau củ, thịt hay tôm khô cùng một số dược thảo cho lên mùi. Cũng như sầu riêng, mùi tàu hũ thúi càng bay xa, càng khoái khẩu.

Trở lại cái vụ bánh gayke. Trên đường ra khỏi nhà lồng chợ đêm Shilin, ở bên gian phải (nếu đứng từ cửa trước ngó vào), tôi phát hiện có một gian hàng bán món bánh có hình thù “cấm người lớn dưới 18 tuổi” này. Một loại bánh nhưng có nhiều hương vị cho khách chọn: trái mâm xôi (raspberry), trái việt quất (blueberry), bưởi (pomelo), dưa xanh (honeymelon),…

Bánh gayke của Đài Loan rất đa dạng. Có khi là bánh ngọt phủ kem, bánh quế,… hay bánh mì bên trong có một cây xúc xích,…. Cho dù bằng vật liệu gì thì hình dạng của bánh gayke cũng phải là một “cái vòi liền ông” đủ bộ (súng và đạn).

taipei-gayke-00

Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

Một lần nữa, tôi xin lỗi mọi người – đặc biệt là các bạn nữ khi giới thiệu về một đặc sản đường xa này. Với nền văn hóa của một số dân tộc trên thế giới, cũng ở ngay tại Việt Nam, hình dạng những “con chim, con sò” có những trường hợp được sử dụng không phải với ý nghĩa dâm ô. Thậm chí có khi còn mang tính tín ngưỡng. Giống như tục thờ sinh thực khí (bộ phận sinh dục nam và nữ) trong tín ngưỡng phồn thực của một số dân tộc ở Việt Nam thời xưa. Vì thế, tôi coi bánh Gayke như một nét văn hóa độc đáo của người xứ Đài. Ít nhất thì người ta cũng dám thể hiện cái mà mình thiệt lòng thích.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Taipei 4-6-2015)

GIAN HÀNG BÁN BÁNH GAYKE TẠI CHỢ ĐÊM SHILIN (TAIPEI)

150602-computex-taipei-shilin-nightmarket-034_resize

150602-computex-taipei-shilin-nightmarket-035_resize

150602-computex-taipei-shilin-nightmarket-036_resize

150602-computex-taipei-shilin-nightmarket-037_resize

150602-computex-taipei-shilin-nightmarket-038_resize

150602-computex-taipei-shilin-nightmarket-039_resize

150602-computex-taipei-shilin-nightmarket-040_resize

150602-computex-taipei-shilin-nightmarket-041_resize

150602-computex-taipei-shilin-nightmarket-042_resize