Chủ nhật ngày 22 tháng 12 năm 2024

Nhiếp ảnh trên smartphone ngày càng thêm lợi hại

camera-phone-nokia-1020

Ảnh: Internet. Thanks.

 

Từ vài năm nay, khi dự các cuộc họp báo hay sự kiện ở trong và ngoài nước, tôi nhìn thấy ngày càng có thêm nhiều người tham dự không còn phải lỉnh kỉnh và khệ nệ mang theo những bộ máy ảnh chuyên nghiệp DSLR nữa. Ngay cả máy ảnh du lịch compact cũng không. Tất cả tác vụ chụp ảnh và quay phim giờ đây được họ giao cho chiếc smartphone nhỏ nhưng có võ.

Tất nhiên xét về nghệ thuật nhiếp ảnh, máy ảnh chuyên nghiệp DSLR vẫn là thiên hạ vô đối. Nó bắt buộc phải có trong những sự kiện lớn và quan trọng, đặc biệt là để phục vụ cho nhu cầu in ấn chất lượng cao, cũng như trong các studio, chụp ảnh người mẫu. Người ta phát triển máy ảnh là để phục vụ cho nghệ thuật nhiếp ảnh.

Trong khi đó, camera chỉ là một thành phần và chụp ảnh chỉ là một chức năng của smartphone. Cho tới nay, các nhà thiết kế smartphone chỉ mới có thể ngày càng mon men lại gần chủng loại camera DSLR, cố gắng đưa càng nhiều càng tốt những tính năng của máy ảnh DSLR lên chiếc smartphone. Tuy nhiên bản thân của chiếc smartphone với những bó buộc về kích thước và tính năng không cho phép hệ thống camera của nó ngang bằng máy ảnh DSLR được.

Nhưng thực tế cho thấy, với các tác vụ chụp ảnh, quay phim phổ dụng, nhất là để phục vụ cho các thể loại truyền thông trên Internet, smartphone giờ đây đã dư sức đảm đương. Lợi thế siêu đẳng của smartphone khi chụp ảnh là gọn nhẹ, tiện dụng và có thể tải ngay lên Internet hay “bắn” về tòa soạn ngay sau khi ghi hình xong. Về cái khoản chụp ảnh tự sướng selfie thì smartphone vẫn phải được gọi là “sư tổ”.

Điều đã thấy rõ là chụp ảnh trên smartphone hiện đang là một trong những lĩnh vực chạy đua gay gắt giữa các hãng smartphone. Thậm chí nó còn trở thành một điểm nhấn cho họ tiếp thị sản phẩm mới. Chẳng như như Oppo từ đầu năm 2016 đã dùng logo mới với dòng chữ Camera Phone sau khi hồi tháng 9-2013 họ tạo được dấu ấn với chiếc N1 có camera xoay (rotating camera) đầu tiên trên thế giới. Asus thì có gia đình Zenfone với công nghệ nhiếp ảnh độc quyền PixelMaster kết hợp phần cứng, phần mềm và thiết kế quang học lại thành một hệ thống máy ảnh được giới thiệu là hoàn toàn mới. Vào tháng 2-2016, Samsung đưa ra bộ đôi smartphone flagship mới Galaxy S7 và S7 edge với camera Dual Pixel lần đầu tiên có trên smartphone được giới thiệu là tạo ra một tiêu chuẩn mới cho nhiếp ảnh trên smartphone, mà trang công nghệ The Verge đánh giá là “một trong những smartphone camera ấn tượng nhất”. Hai tháng sau, Huawei ra mắt dòng smartphone P9 với camera ống kính kép đồng phát triển với hãng máy ảnh Leica và được quảng bá là tái sáng tạo lại nghệ thuật nhiếp ảnh trên smartphone (reinvent smartphone photography).

Ngay cả cái tên gọi của hoạt động chụp ảnh trên smartphone cũng đã thay đổi. Trước đây, người ta đặt cho nó cái tên nhiếp ảnh di động (mobility photography) để chỉ một lĩnh vực mới trong nghệ thuật nhiếp ảnh được ghi hình bằng những thiết bị di động. Gần đây, tên gọi nhiếp ảnh trên smartphone (smartphone photography) ra đời để chỉ cụ thể hơn cái phương tiện chụp ảnh đó chính là chiếc smartphone. Bản thân hệ thống camera trên smartphone cũng được phát triển để từ một chức năng trở thành một thành phần hợp thành của chiếc smartphone. Hồi trước người ta quen gọi là “camera phone” (điện thoại có tính năng chụp ảnh). Bây giờ người ta gọi là “smartphone camera” (máy ảnh trên smartphone).

Tự chụp ảnh mình là một nhu cầu chính đáng của người dùng từ rất lâu đời. Vì thế máy ảnh nào cũng phải có tính năng self-timer cho người dùng định thời gian để có thể tự chụp ảnh chính mình. Với sự hỗ trợ của các mạng truyền thông xã hội (như Facebook, Twitter, Instagram,…), nhu cầu tự chụp ảnh mình để chia sẻ trên mạng càng thêm nóng sốt. Thế mạnh không thiết bị nào có thể cạnh tranh nổi trong chụp ảnh tự sướng thuộc về smartphone. Máy ảnh chỉ có thể chụp ảnh selfie nếu như có màn hình xoay lật, nhưng bản thân đặc điểm của máy ảnh cũng không cho phép chụp ảnh selfie “lung linh ảo diệu” như smartphone. Bạn còn nhớ Samsung từng tung ra dòng máy ảnh compact Dual-Screen có thêm cái màn hình phía trước để chụp ảnh selfie. Và chính chất lượng chụp ảnh giờ đây đã trở thành một trong những tiêu chí để người tiêu dùng chọn mua smartphone, ngoài các tiêu chuẩn sóng mạnh, pin lâu, màn hình hiển thị đẹp.

Cuộc chạy đua về chụp ảnh trên smartphone đang ngày càng gay gắt và mang đậm chất công nghệ, mà “ngư ông đắc lợi” chính là người dùng. Đầu tiên là chạy đua về độ phân giải máy ảnh. Có lẽ nhà vô địch của các thời đại là chiếc Nokia Lumia 1020 ra đời tháng 7-2013 chạy hệ điều hành Microsoft Windows Phone 8 có máy ảnh với độ phân giải tới 41MP (khả dụng là 38MP). Từ đó tới nay, chỉ có một số ít smartphone có máy ảnh trên 20MP một chút (mới ra đời hồi tháng 2-2016 là chiếc Sony Xperia X có máy ảnh 23MP). Dần dần người ta chuẩn hóa là camera sau của smartphone high-end ở mức 15-16MP là vừa. Máy ảnh có độ phân giải càng lớn càng thêm hao pin và “ngốn” dung lượng bộ nhớ lưu trữ, chưa kể là dung lượng data khi truyền tải trên Internet. Máy ảnh phía trước dùng để chụp ảnh selfie cũng có chuẩn là 5MP, ngon lành hơn thì 8MP, hiếm hoi mới có mẫu hơn 10MP. Gần đây, các hãng chuyển sang tập trung chạy đua về công nghệ và tính năng chụp ảnh, cả phần cứng lẫn phần mềm. Kích thước cảm biến ảnh lớn hơn, khẩu độ rộng hơn, ống kính nhiều thành phần, ứng dụng tia laser vào lấy nét tự động và mới nhất là kích thước điểm ảnh lớn hơn. Một vài hãng còn trang bị CPU xử lý hình ảnh riêng cho smartphone chứ không phụ thuộc vào chip CPU nữa, như Sony tích hợp chip xử lý hình ảnh Bionz của mình vào dòng Xperia X. Cũng giống như các nhà sản xuất thiết bị game hợp tác với các game thủ, ngày càng có thêm nhiều hãng smartphone dựa trên chính các nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp để cùng phát triển hệ thống máy ảnh trên smartphone.

Nói chung là cuộc chạy đua phát triển hệ thống camera trên smartphone là nhằm mục tiêu giúp cho người dùng chụp ảnh sướng hơn, tiện hơn và đẹp hơn. Chắc chắn cuộc chạy đua này sẽ không có hồi kết và chức năng chụp ảnh vẫn còn là một trong những điểm nhấn chính trên smartphone.

Cho tới thời điểm này, hệ thống camera trên smartphone đã có thể thay thế, thậm chí qua mặt chủng loại camera compact (loại camera gọn nhẹ cho du lịch) và có thể thay thế ngon lành cho các camera chuyên nghiệp DSLR trong các nhiệm vụ phổ biến trong cuộc sống hàng ngày. Nói tóm lại là smartphone camera đã gây thiệt hại không hề nhẹ cho doanh thu của các nhà sản xuất máy ảnh và cả máy quay phim nữa.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

Có thể đọc bài in trên báo Pháp Luật TP.HCM Chủ nhật 10-7-2016 và trên báo Pháp Luật Online

160710-baibao-phapluattp-2_resize