Thứ Năm ngày 02 tháng 1 năm 2025

Ngày đặc biệt của những người đặc biệt làm nghề đặc biệt

PHP RỦ RỈ RÙ RÌ:

Xin bạch hóa ngay và luôn: đó là Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2) của những người hành nghề trong ngành y. Và cũng xin được nói rõ rằng ngày thầy thuốc là một trong những dịp để nhắc nhở mọi người thể hiện sự tôn kính và lòng biết ơn tới tất cả những ai đang làm công việc cứu chữa (chữa trị các thể loại bệnh tật và cứu sống) mọi sinh linh. Nó không chỉ dành riêng cho bác sĩ vì việc cứu chữa là một công trình tập thể của 500 anh em có quan hệ trực tiếp và gián tiếp với ngành y. Bác sĩ là thầy thuốc, nhưng thầy thuốc không phải chỉ có bác sĩ. Tôi cũng xin phép được nhấn mạnh tới sứ mệnh cứu chữa mọi sinh linh – không phải chỉ có con người. Đừng để các thầy thuốc thú y phải chạnh lòng, nghĩ mình bị loại khỏi đồng bọn, nhất là trong ngày đặc biệt này.

Nghề thầy thuốc là một nghề đặc biệt. Theo thiển ý của tôi, người thầy thuốc được xếp hạng đặc biệt sánh ngang với nhà tu hành. Một người cứu chữa thể xác, một người cứu chữa linh hồn. Mà có lẽ, chỉ có nghề thầy thuốc mới có thời gian học và sự khổ luyện lâu dài và gian khổ giống như các tu sĩ. Một người Công giáo muốn trở thành linh mục thì sau khi xong trung học phải vào Đại chủng viện học 6 tới 8 năm và đi giúp xứ một thời gian nữa nếu có cơ duyên được ơn Kêu gọi và Chúa chọn thì mới có thể được thụ phong linh mục. Sau đó là một quá trình tu hành trọn đời. Một người muốn trở thành bác sĩ sau khi tốt nghiệp trung học phải học thêm ít nhất 6 năm ở một trường đại học y (hay khoa y của một trường đại học) rồi mới có thể thi lấy bằng bác sĩ. Sau đó cũng là một quá trình học tập suốt đời nếu muốn hành nghề nghiêm túc.

Nghề y là một nghề đặc biệt nên cần phải chọn những người đặc biệt – có tố chất và học giỏi. Có thể nói chung, tuyển sinh ngành y khó sánh với tuyển phi công. Học ngành y lâu nhất (ít nhất là 6 năm), tốn kém nhất (ở Mỹ, bác sĩ ra trường chưa kịp hành nghề đã được đưa vào danh sách những người tốt nghiệp mắc nợ ngân hàng nặng nhất), học gian khổ nhất.

Ở Việt Nam, sau 6 năm đại học lấy được bằng bác sĩ rồi, người ta có thể hành nghề nếu như có cơ sở y tế tiếp nhận.

Còn ở Mỹ, phải cần học khoảng 12 năm, người ta mới có thể hành nghề bác sĩ.

Giờ nói chuyện ở Mỹ hén. Nếu muốn trở thành một bác sĩ, nhiệm vụ đầu tiên của bạn là kiếm cho mình một bằng cử nhân. Các trường y tuyển chọn các ứng viên có nền tảng giáo dục rộng, đặc biệt là một nền tảng vững chắc về khoa học tự nhiên và các kinh nghiệm về chăm sóc sức khỏe. Tất cả các ứng viên vào trường y cần phải hoàn tất chương trình học về sinh học, vật lý, hóa học và toán học. Để có kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe, trong thời gian học đại học, sinh viên phải tham gia các hoạt động tình nguyện tại các bệnh viện, dưỡng đường hay các cơ sở chăm sóc sức khỏe. Đây được coi là một cách tốt để bản thân từng sinh viên thử thách coi mình có chắc chắc là muốn và có tố chất trở thành bác sĩ hay không trước khi vào học chính thức tại một trường y.

Sau khi có bằng cử nhân theo yêu cầu, bạn phải vượt qua kỳ thi tuyển vào trường y gọi là Medical College Admissions Test (MCAT). Các môn thi gồm sinh học, hóa học chung, hóa học hữu cơ và vật lý. Các kỳ thi này được thiết kế để thử thách khả năng ứng viên trong việc giải quyết các vấn đề, vấn đáp và viết. Các kỳ thi MCAT được tổ chức 3 lần trong một năm để ứng viên rộng đường binh.

Các chương trình học của trường y thường kéo dài 4 năm. Hai năm đầu, sinh viên học trong lớp và phòng thí nghiệm. Hai năm cuối, họ thực tập, trực tiếp làm việc với các bệnh nhân dưới sự giám sát và tư vấn của các bác sĩ lành nghề.

Sau khi tốt nghiệp trường y, bác sĩ phải trải qua thời gian học nội trú (Residency Program) vừa học, vừa làm trong các bệnh viện với thời gian từ 3 tới 7 năm tùy theo ngành chuyên môn. Tới lúc này, chỉ tính thời gian học của một “chuẩn bác sĩ” đã là 4 năm cử nhân + 4 năm trường y + 3 tới 7 năm nội trú.

Vượt qua được các kỳ thi để hoàn thành chương trình bác sĩ nội trú rồi, bạn cần phải trải qua một kỳ thi gồm 3 bước để được xét cấp giấy phép hành nghề y, gọi là thi U.S. Medical Licensing Examination (USMLE) cho bác sĩ đa khoa và chuyên khoa (MD) hay thi Comprehensive Osteopathic Medical Licensing Examination (COMLEX-USA) cho bác sĩ chỉnh hình (DO).

Qua được cửa ải này, người tốt nghiệp trường y mới được phép chính thức hành nghề bác sĩ. Ngặt một nỗi, giấy phép hành nghề bác sĩ chỉ có thời hạn, giống như hầu hết các loại giấy phép ở Mỹ. Để được gia hạn giấy phép, bác sĩ phải theo học một khóa giáo dục liên tục (continuing education) ít nhất là 50 giờ trước khi trải qua kỳ thi gia hạn giấy phép. Mỗi tiểu bang có những yêu cầu khác nhau về giấy phép, vì thế, người có giấy phép của bang này không có nghĩa là được phép hành nghề ở bang khác.

Thấy chưa, để làm được một bác sĩ thì chẳng phải là chuyện vừa, và càng không phải là chuyện đùa. Khi nào có dịp, tôi sẽ xin phép được tám thêm về chuyện ngành y – cái nghề bác sĩ cùng với nghề phi công là 2 nghề “my dream” mà tôi giờ “thôi hẹn kiếp sau”.

Bác sĩ là một nghề đặc biệt đòi hỏi người hành nghề phải có thực tài và thực tâm. Tâm và tài phải là hai chân của một bác sĩ để giúp họ trụ được. Tâm trong ngành y được cụ thể hóa là y đức. Ở hầu hết các nước trên thế giới, các bác sĩ trước khi ra trường phải đọc Lời thề Hippocrates được coi là quy ước đạo đức nền tảng và thiêng liêng của những người đã chọn cho mình sứ mạng cứu người. Công đức của người hành nghề y được tính dựa trên số mạng sống mà họ cứu chữa được. Và như một quy luật, người hành nghề y giỏi và có tâm thì luôn có nhiều cơ hội để có thu nhập cao. Những người thầy thuốc chân chính quan tâm đầu tiên là cứu chữa người bệnh chớ không phải toan tính chuyện làm giàu trên từng bệnh nhân bị hóa thành nạn nhân của họ.

Tôi nghĩ rằng, sở dĩ ngày nay ngành y tế có nhiều điều tiếng, không phải do bản chất của ngành y mà chủ yếu là bởi cái nền tảng văn hóa – giáo dục của những người hành nghề y. Điều may mắn cho tất cả là số đông những người hành nghề y của chúng ta vẫn là những THẦY THUỐC (viết Hoa) – những người hành nghề y đáng quý trọng mà hôm nay chúng ta tôn vinh và biết ơn.

Kính chúc các thầy thuốc luôn nhiều sức khỏe, may mắn, an lành, thành công, vui vẻ và hạnh phúc.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks.