Thứ Hai ngày 23 tháng 12 năm 2024

TV cong rồi sẽ ra sao?

(AP Photo/ LG Electronics Inc.)

 

Sau cái chết tức tưởi của công nghệ TV 3D vào đầu năm 2017, số phận của TV màn hình cong (curved TV) càng trở nên hồi hộp hơn. Công nghệ cho dù có cao siêu tới mấy rồi cũng nhanh chóng chết yểu nếu như thực tế chỉ đơn thuần là công nghệ, không thật sự tiện dụng cho người dùng trong cuộc sống hàng ngày. Có thể nói rằng, cả hai công nghệ TV 3D và TV cong chỉ gây chú ý chủ yếu ở cái tính… lạ.

Chắc mọi người vẫn nhớ những lời nổ vang như rượu sâm banh lễ cưới của các nhà sản xuất khi công bố những sản xuất công nghệ mới như TV 3D, TV cong. Cứ nghe lời họ, các thể loại TV truyền thống sắp chết tới nơi và sẽ bị thay thế bởi những công nghệ mới lạ này. Có một bài học kinh nghiệm mà rút hoài vẫn không dứt là cần tỉnh táo, chớ nên mê muội nghe những lời quảng cáo có cánh của nhà sản xuất.

Và xin lưu ý, trong bài này, chúng tôi chỉ đề cập tới TV 3D và TV cong. Loại màn hình máy tính 3D và cong là chuyện khác, mang tính chuyên biệt hơn và đặc biệt là có ưu thế khi người dùng phải ngồi ngay trước màn hình với khoảng cách đủ thu tóm cả màn hình trong tầm mắt mình. TV 3D và TV cong giống nhau ở chỗ là chỉ cho trải nghiệm phê đúng chất nếu như tầm mắt người xem không bị “lạc trôi” ra khỏi các khung màn hình – nghĩa là phải ở trọn trong môi trường đó. Sẵn nói luôn, màn hình máy tính cong rất đáng giá khi chơi game và xem phim, nhưng nó sẽ không hợp cho các tác vụ đồ họa, video.

 

TV 3D hưởng dương 5 tuổi và phát súng ân huệ từ Sony và LG

 

TV 3D là loại TV có khả năng hiển thị hình ảnh có độ sâu tới mức có thể tái tạo hình ảnh xem nổi như trong không gian thật. Có 2 loại TV 3D: phải xem bằng kính 3D và tự hiển thị 3D.

Công nghệ 3D được phát minh từ tận năm 1838 ở Anh và tới năm 1928 thì chiếc TV 3D đầu tiên trên thế giới được giới thiệu tại Luân Đôn. Phim 3D có từ lâu, nhưng chiếc TV 3D được thương mại hóa như vừa qua chỉ có trên thị trường vào năm 2010, đầu tiên từ hãng Toshiba, chỉ ít lâu sau khi Hollywood tung ra bộ phim 3D bom tấn đầu tiên Avatar. Sau đó có một số hãng tham gia sản xuất TV 3D như TCL, Onida, LG, Samsung, Sony, Vizio, Sharp, và Philips.

Để rồi hồi tháng 3-2016, trang tin công nghệ CNET cho đăng tấm ảnh bia mộ TV 3D với dòng chữ “Được thích bởi một ít người, bị thù ghét bởi hầu hết người”. Tuổi thọ của nó được ghi là 2010-2015. CNET dẫn lời một đại diện Samsung, nhà sản xuất TV số 1 thế giới, khẳng định rằng các TV năm 2016 mà họ bán ở Mỹ không còn loại TV 3D nữa. Cũng CNET trong tháng 1-2017 cho biết hai nhà sản xuất TV 3D cuối cùng là LG – nhà sản xuất TV số 2 thế giới và Sony – từng là nhà sản xuất TV số 3 thế giới tuyên bố không sản xuất TV 3D nữa.

Công nghệ phim 3D chỉ thích hợp trong môi trường rạp chiếu phim và sau này phải kết hợp với những hiệu ứng khác để thành phim 4D, 5D. Số đầu phim 3D cũng rất hiếm và xem phim 3D rất mệt mắt, nhất là xem lâu. TV 3D chỉ lạ phút ban đầu nhưng sau đó nhanh chóng trở nên bất tiện khi thiếu nội dung, khi xem mỗi người phải mang kính 3D, và cái chính là xem không có lợi cho mắt – đặc biệt là những người mắt có vấn đề trục trặc. Hơn nữa, để có thể xem phim 3D có chút cảm giác 3D, người ta cần TV có màn hình từ 55 inch trở lên – giá chẳng dành cho nhiều người.

Một khi không có nhiều người mua thì TV 3D phải chết thôi.

 

Sau 3D là màn hình cong?

 

Chủ yếu có lẽ muốn tìm tòi cái lạ để tạo điểm nhấn thu hút khách hàng, một số hãng trong những năm gần đây tung ra loại TV có màn hình cong tạo ra một môi trường hiển thị hình cánh cung như trong không gian thực.

Khác với TV 3D phụ thuộc vào nội dung, công nghệ hiển thị và những phụ kiện, TV cong chỉ cần có cái màn hình cong.

Đặc điểm chính của TV cong là giúp người xem có cảm giác như đang hòa vào (immersion experience) trong những gì đang chiếu và tương tự như trải nghiệm đang ở trong một rạp chiếu phim đại vĩ tuyến. Ưu điểm được quảng cáo của TV cong là cho góc nhìn rộng, giúp người xem dù ngồi ở vị trí nào trước màn hình cũng có thể xem hình ảnh như nhau. Và hình ảnh hiển thị trên màn hình cong có chiều sâu hơn bình thường. Hai yếu tố góc rộng và độ sâu giúp hình ảnh rõ nét hơn.

TV màn hình cong thương mại đầu tiên ra mắt vào đầu năm 2013 tại Triển lãm CES ở Mỹ từ cả hai nhà sản xuất TV Hàn Quốc Samsung và LG. Từ năm 2014, loại TV này bắt đầu rộ lên trên thị trường. Nhưng cho tới nay cũng chỉ có một số ít nhà sản xuất tham gia.

Trước hết là quy trình sản xuất màn hình cong khó hơn màn hình phẳng và vì thế có giá thành đắt hơn. Khi mới ra đời, TV cong có giá cực đắt so với TV phẳng. Hồi mới có mặt trên thị trường Việt Nam tháng 4-2014, một chiếc TV UHD cong 55 inch của Samsung giá 79,9 triệu đồng; nay còn từ 24 triệu đồng tới 55 triệu đồng (tùy model). Sau nay, giá cả được các hãng điều chỉnh để không còn quá chênh lệch, dù hiện nay vẫn còn cách biệt đáng cân nhắc. Chẳng hạn, Smart TV 43 inch UHD 4K của Samsung hiện bán ở Việt Nam khoảng 13 triệu đồng (màn hình phẳng) và 15,5 triệu đồng (màn hình cong). Thậm chí vào đầu tháng 3-2017, với 10 triệu đồng, bạn có thể tậu một chiếc TV FHD màn hình cong 48 inch phiên bản 2016 của hãng TCL.

Cách đây ít tháng, tôi cũng tậu một chiếc TV 48 inch màn hình cong về trải nghiệm. Phải công nhận là những tính năng mà các nhà sản xuất nói về TV cong cũng có những cái đúng. Cảm giác lạ, tầm nhìn rộng hơn, hình ảnh sắc nét hơn, thật hơn.

Nhưng TV cong có những nhược điểm mà TV phẳng không có. Khi nằm xem TV cong, nghĩa là tầm mắt ở bên dưới nhìn lên, bạn sẽ thấy khung hình cong kỳ dị và khó chịu. Góc nhìn rộng thật, nhưng nếu ngồi lệch khoảng 30 độ, bạn sẽ thấy hình ảnh trên TV mất tự nhiên. Màn hình cong phản chiếu ánh sáng chung quanh nhiều hơn và khó chịu hơn. Bạn sẽ thu được những tấm ảnh cong cong, méo méo nếu như dùng máy ảnh chụp lại những gì hiển thị trên màn hình. TV cong có thể từ một con thiên nga trên kệ biến thành một con quạ khó coi nếu gắn lên tường.

Chỉ có những người ngồi trong khoảng không gian màu xanh trong hình này mới có thể xem TV cong đúng chất của nó.

Do TV là để coi trong môi trường rộng. Vì thế, muốn TV màn hình cong có thể phát huy được tối đa những ưu điểm và tính năng của nó, bạn cần phải sắm một chiếc TV cong có màn hình từ 65 inch trở lên. Hàng 50 inch thì còn tàm tạm gọi là “cong mềm mại”, chứ hàng 40 inch mà cong thì chớ nên tin vào quảng cáo. Tất nhiên, đây là nói về kích thước lý thuyết, chứ tùy theo không gian rộng hẹp mà cần TV lớn nhỏ khác nhau.

Từ sau Triển lãm Điện tử tiêu dùng CES 2017, ngày càng có nhiều dự báo về một cái chết đã được báo trước của TV màn hình cong vì bên cạnh những ưu điểm, nó cũng lộ rõ những gót chân Achilles. Trang công nghệ CNET (23-2-2017) chạy tít rằng “TV cong chưa chết là nhờ Samsung”. Hiện nay, có lẽ chỉ còn Samsung vẫn “máu” với TV cong. Trang CNET trích lời giải thích của Tim Alessi, Giám đốc Phát triển sản phẩm mới của LG, nói tại CES 2017: “Trong khi những chiếc TV OLED đầu tiên (của LG) là màn hình cong, những phiên bản màn hình phẳng đã trở nên được ưa chuộng hơn, đặc biệt là với những videophile (người mê phim). Vì sự hấp dẫn của màn hình cong đơn thuần mang tính thẩm mỹ chứ không cải thiện chất lượng hình ảnh, chúng tôi chọn tập trung vào màn hình phẳng cho TV OLED của mình.”

TV cong sẽ là một tùy chọn cho một đối tượng hẹp những người có nhu cầu và điều kiện chứ không phải để thay thế TV phẳng.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks.

+ Có thể đọc bài in trên báo Pháp Luật TP.HCM Chủ nhật 5-3-2017 và trên báo Pháp Luật TP Online