Thứ Năm ngày 18 tháng 4 năm 2024

Một nốt vô thường…

 

 

Ngày mai, 19 tháng Chạp Đinh Dậu, mấy anh em tôi lại có dịp mỗi năm một lần sum họp tại nhà anh chị mình ở quê để tảo mộ cha mẹ. Đó là một event 2-in-1. Vừa chăm sóc phần mộ cha mẹ chuẩn bị đón Tết dân tộc, vừa sum họp anh em sau một năm trời tứ tán mưu sinh. Ở tuổi anh em chúng tôi, còn được gặp nhau, bên nhau lúc nào đều là hồng ân của Đấng Tối cao.

Và sáng nay, tôi đã lặng đi hồi lâu khi đọc một status của cô giáo Tran Le Hoa Tranh. Mặc dù cô chỉ để ở chế độ giới hạn trong bạn bè, nhưng tôi mạo muội xin cô cho được chia sẻ lại ở đây những tâm tư của cô. Có nhiều điều, nhiều chuyện, nhiều chiều kích về cõi nhân sinh, về lẽ làm người và cũng ăm ắp tính thời sự với câu chốt hạ cuối cùng.

Xin mời bạn tôi cùng đọc nhé. Cô Hoa Tranh viết:

 

“Hôm nay nhà mình và nhà cậu Ân đi thăm mộ ông bà nội ông bà ngoại mình trước Tết, sẵn ghé thắp nhang cho Sơn Ca luôn. Năm nào cũng vậy, trước Tết là nhà mình đi. Khu nghĩa trang Quảng Bình ở Gò Dưa rất rộng, là nơi bà nội mình nằm 31 năm rồi, sau đó là đến ông nội, bà ngoại, cốt ông ngoại cũng đưa về đó. Đường đi tiện vì gần, cũng đông vui vì có nhiều người quen nằm, chắc ông bà cũng cảm thấy ấm áp. Nhưng mà cái nghĩa trang này nhóm người trông coi thì rất tệ. Mình lên họ mới lo dọn dẹp, lo rửa mộ, quét dọn, nên nhìn không quy củ, mặc dù lúc nào cũng đưa tiền. Mộ xây mới thì không giám sát nên không hệ thống, có mộ lấn phần đất bên cạnh rất khó vào thắp nhang. Chết rồi người sống còn kèn cựa từng chút một thì chết cũng khó thanh thản nữa, vì cứ mỗi lần đứng thắp nhang thì người ta sẽ trách mộ bên cạnh. 
Tụi mình bàn nhau sau này bọn mình thì sẽ như thế nào?
Từ ba me mình trở xuống đều nhất trí là sẽ hỏa thiêu, sau đó làm gì thì làm. Lê thì nói mình mạng thủy, sẽ thả trôi xuống nước, mình nói mình mạng mộc, vậy rải làm phân bón cho cây? Me thì nói đem vào chùa Già Lam cho me. Mình cũng ủng hộ phương án này. Mình cũng thích vào chùa, hàng ngày nghe tụng kinh, nghe tiếng bước chân trần khẽ khàng đi lại, nghe mùi nhang trầm, nghe tiếng mõ,…Con mình ở đâu nó sẽ đem tro mình theo đến cái chùa gần đó, tiện cho nó thăm viếng, mà cũng là dịp để nó đến chùa, hưởng chút thanh tịnh của Phật pháp.
Chứ còn nói thật, trái đất ngày càng đông, mà chôn làm gì, không sinh thái, không môi trường tí nào cả. Người sống còn không có chỗ ở, dành chỗ cho người chết chi, không nên!
Mình dân thường còn hiểu được đạo lý đó, lẽ nào…”

(Hết trích).

Tôi không dám tin rằng bây giờ chỉ có dân thường mới còn hiểu được đạo lý cơ bản của con người. Bởi nếu đó là sự thật, tôi cũng đành làm như cô Hoa Tranh mà buông thõng…”lẽ nào…”

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks.