Thứ Hai ngày 25 tháng 11 năm 2024

Chuyện trái táo Apple ở Việt Nam

 

Hình ảnh những cửa hàng bán điện thoại ở Việt Nam đang hì hục tháo gỡ những tấm biển bao lâu nay ăn theo trái táo Apple xuất hiện trên mạng Internet trong mấy ngày qua cho ta thấy điều gì? Đó là muốn kinh doanh đàng hoàng, người ta phải biết tuân thủ các luật định và chớ nên đùa với những “ông lớn”.

Chuyện rộ lên trong thời gian gần đây khi Công ty Võ Trần, đại diện pháp lý về sở hữu trí tuệ (SHTT) ở Việt Nam của công ty công nghệ Apple (Mỹ) gửi tới những cửa hàng kinh doanh điện thoại ở Việt Nam thư thông báo và khuyến cáo về việc “sử dụng nhãn hiệu trái táo, Apple, iPhone hoặc nhãn hiệu khác của Công ty Apple Inc. mà không được phép của chủ sở hữu – xâm phạm quyền SHTT”. Những bức thư này được ghi gửi đích danh từng cửa hàng và có kèm theo chứng cứ, trong đó có ảnh chụp hành vi bị Apple cho là xâm phạm SHTT của mình.

Ảnh trên báo Phụ Nữ TP Online.

 

Sau khi nói rõ về quyền lợi của Apple và giải thích về Luật SHTT, đại diện Apple đi ngay vào vấn đề là mặc dù không phải là cửa hàng ủy quyền của Apple, nhưng cửa hàng đã dùng logo, nhãn hiệu của Apple trên biển hiệu của mình, và có những lúc còn kinh doanh những sản phẩm của Apple mà không phải hàng chính hãng. Phía Apple yêu cầu trong vòng 7 ngày sau khi nhận thư thông báo này, cửa hàng phải chấm dứt sử dụng logo và các nhãn hiệu của Apple trên biển hiệu, quảng cáo và các giấy tờ giao dịch, cũng như chấm dứt việc kinh doanh các sản phẩm Apple ngoài luồng.

Theo như Công ty Võ Trần cho biết, các nhãn hiệu của Apple đã được đăng ký bảo hộ quyền SHTT ở Việt Nam. Vậy thì, một khi Apple đã được Nhà nước Việt Nam bảo hộ các thương hiệu và các yếu tố liên quan tới SHTT, họ có quyền cấm và kiện những ai xâm phạm. Các hành vi xâm phạm SHTT và thương hiệu đã được nêu rõ trong Luật SHTT 2005 cũng như trong hàng loạt bộ luật khác như Bộ Luật Dân sự, Bộ Luật Hình sự, Luật Xuất bản, Luật Quảng cáo, Luật Cạnh tranh, Luật Thương mại, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Công nghệ cao,… Nghĩa là thiên la địa võng, chạy trời không khỏi bão. Nói chung là khi chủ sở hữu không biết hay làm ngơ để đôi bên cùng có lợi thì người ta có thể vô tư làm theo ý mình. Còn khi đụng chuyện rồi, ngó đâu cũng có thể dính luật.

Trong bài này, chúng tôi không đề cập tới chuyện mua bán hàng Apple trên thị trường Việt Nam mà hai luồng chính hãng và xách tay đang cùng “đồng hành dị mộng”.

Apple có nhiều lý lẽ để quyết liệt dọn dẹp thị trường hàng Apple ở Việt Nam cho nó “hè thông, chợ thoáng”. Ngoài chuyện quyền lợi chính đáng của nhà sản xuất ra, hành động của Apple đem lại lợi ích cho các đại lý ủy quyền chính thức của họ ở Việt Nam. Nó cũng bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, trước hết giúp họ không bị hoa mắt, rối trí trước một rừng biển hiệu có logo trái táo và những nhãn hiệu của Apple, chẳng biết đâu là cửa hàng chính hãng, đâu là ăn theo. Người tiêu dùng cũng an tâm khi bỏ ra những khoản tiền lớn (hàng Apple nào có rẻ) bảo đảm có thể mua được hãng thật, hàng chính hãng – nhất là khi trên thị trường, hãng Apple nhái, giả mạo đông như quân Nguyên. Thậm chí cho dù là hàng do chính Apple sản xuất và được mua từ chính các cửa hàng Apple ở nước ngoài, nhưng vì chính sách bán hàng của Apple và những con đường đưa vào Việt Nam, những sản phẩm đó có thể bị biến thành hàng bất hợp pháp. Mà lâu nay, dân chơi Apple ai cũng biết hãng này có những đặc thù riêng nên xử rất nghiệt ngã đối với hàng hóa mà họ cho là bất hợp pháp. Apple mà khóa một cái là những chiếc iPhone cả đống tiền lập tức biến thành những “cục gạch hình iPhone” trong một nốt nhạc.

Tất nhiên, các sản phẩm Apple bán trong cửa hàng ủy quyền bao giờ cũng có giá “chát” hơn mua ở bên ngoài. Chỉ mong rằng, một khi Apple đã giúp làm trong sạch thị trường (chuyện giữ được bao lâu lại là chuyện khác), các cửa hàng chính hãng chớ có giở chiêu trò lợi dụng tình thế và tính độc quyền để o ép người tiêu dùng, đặc biệt là các iFan.

Có người thắc mắc, không dùng logo trái táo và các thương hiệu sản phẩm của Apple mà chỉ ghi là “Apple” thì có vi phạm không? Có lẽ Apple chỉ có thể bảo hộ logo trái táo chứ cái tên Apple trong tiếng Anh có nghĩa là “trái táo” là một danh từ chung.

Do chính sách của mình và có những đặc thù riêng, Apple muốn kiểm soát gắt gao việc sử dụng các logo và thương hiệu sản phẩm của mình. Thực tế, họ có thể làm được khi muốn. Trong khi đó, ngoại trừ việc mạo danh cửa hàng chính hãng ra, có lẽ các hãng khác thiếu điều phải trả tiền cho thiên hạ giúp quảng cáo các logo, thương hiệu sản phẩm của mình.

Trong câu chuyện biển hiệu xâm phạm quyền SHTT của Apple, điều mà có lẽ các hãng khác lo ngại là ở chỗ nó có thể đánh động, nhắc nhở các cơ quan chức năng tới hành vi bị pháp luật hiện hành gọi là “quảng cáo trá hình”. Theo luật định, việc đưa logo của những hàng hóa kinh doanh lên biển hiệu là vi phạm pháp luật. Điều 66 trong Nghị định 158/2013 của Chính phủ quy định phạt 10 tới 15 triệu đồng cho hành vi quảng cáo hàng hóa lẫn với biển hiệu.

Bởi vậy mới nói, chuyện trái táo Apple có thể làm nghẹn họng cho cả làng công nghệ ở Việt Nam.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Có thể đọc bài đọc bài in trên báo Phụ Nữ TP.HCM và báo Phụ Nữ Online