Thứ Bảy ngày 23 tháng 11 năm 2024

Nhật ký ghi vội: Saigon Chủ nhật 24-2-2013

 

1.

Sáng nay tôi ghé tiệm bánh góc Nguyễn Duy Dương – Ngô Gia Tự (Q.10) mua chiếc bánh giò nóng hôi hổi về cúng mẹ. Đây là một trong những món ăn quê hương mà mẹ tôi rất thích khi sinh thời. Mỗi Chủ nhật tôi mua cúng bà một cái. Có lần bẵng đi mấy tuần bị con trai “bỏ đói”, mẹ tôi hiện về với đứa cháu dâu mà bà yêu than rằng: “Bà ngoại thèm bánh giò quá bé Anh ơi!” Báo hại hai vợ chồng đứa cháu ngoại hộc tốc chạy tìm mua bánh giò mang tới bàn thờ ở nhà tôi cúng bà. Nghĩ cũng là lạ, hai đứa chưa từng mua bánh giò lần nào, chớ hề biết nơi bán, vậy mà cứ chạy xe lại ngay chóc tiệm bán bánh giò ngon. Vậy là không chỉ có bà ngoại mà cả hai vợ chồng đứa cháu cũng có dịp ăn bánh giò.

Mỗi lần mua bành giò cho mẹ, tôi lại rưng rưng và mắc cỡ trong lòng. Hồi mẹ còn sống, tôi quá mê say công việc mà chăm sóc cho bà theo kiểu gặp chăng hay chớ, bữa đực bữa cái. Năm thì muời họa tôi mới mua bánh giò cho bà. Thương con vất vả ngược xuôi “cày bừa” và vốn có cái tính không hề muốn làm phiền ai, bà chẳng một lời trách móc – mà ngược lại còn yêu con hơn do nghĩ nó xao lãng chăm sóc mẹ chỉ bởi nó quá bận bịu. Mẹ đi xa rồi, tôi mới giật mình hiểu ra mình đã quá vô tâm. coi thường, lãng phí hồng ân mà Thượng đế ban cho mình là để có mẹ sống cùng tôi tới 86 năm trời. Con người nó vốn dĩ thiển cận là như vậy. Chỉ khi nào để mất đi cái gì đó thì mới nhận ra đó là một bảo vật vô giá của đời mình.

Giàng ơi, bây giờ mà có đước cái “Time machine” để quay lại cách đây 4 năm thôi, tôi sẽ “cưng” mẹ nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa! Tôi không tào lao bá láp tung hê tất cả mọi thứ để luôn ở bên mẹ – mà biết tỏng là mẹ chẳng đời nào muốn vậy – mà tôi chỉ cần sắp xếp lại mọi thứ để có nhiều thời gian ở bên mẹ và chăm sóc mẹ tốt hơn! Vậy thì các bạn nào còn hạnh phúc hơn tôi khi vẫn còn có cha, có mẹ ở bên mình hãy làm giùm tôi những điều mà tôi không còn có thể làm được với mẹ mình.

Mẹ mất rồi tôi mới nhận ra người phụ nữ mà tôi yêu nhất thế gian này chính là mẹ mình. Người ta thường hay ngộ nhận rằng tất cả những gì mình có được trong cuộc sống là do công sức của mình cộng với sự may mắn trời ban. Nhưng đó chỉ là bề nổi, là khúc ngọn. Thử hỏi nếu không có mẹ mang nặng đẻ đau 9 tháng 10 ngày rồi vất vả mấy chục năm trường nuôi dạy mình, thì làm sao có mình để mà thành ông này bà nọ.

Tôi đặt bàn thờ mẹ ngay chỗ bà nằm những năm cuối đời và trút hơi thở cuối cùng để có cái cảm giác bà vẫn còn đó. Ngoài tấm ảnh thờ chính thức hình cha mẹ chụp chung thời còn trẻ, tôi đặt thêm tấm ảnh nhỏ chụp bà trước lúc ra đi chừng 2-3 năm. Cái ảnh kia trông bà trẻ đẹp thật, nhưng nó không cho tôi cái cảm giác mẹ mình. Chỉ có tấm ảnh chụp gần nhất là khiến tôi như thấy mẹ trước mặt với ánh mắt, nụ cười rất thật. Từ ngày bà ra đi cách đây hơn 3 năm tới giờ, tôi cố gắng không bao giờ để bàn thờ của bà lạnh lẽo. Tôi vẫn cố gắng thường xuyên lại bên bàn thờ để thăm bà. Những khi quá nhớ bà, thèm một cái ôm của bà như ngày sinh thời, tôi ôm ghì lấy chiếc bàn thờ mà như thể cảm nhận được cái ấm áp và mùi da thịt của mẹ.

Thiệt tình tôi không có ý truyền cái nỗi buồn không còn mẹ sang người khác đâu. Tôi chỉ mong rằng mọi người hãy lấy tôi làm tấm gương nhãn tiền để đừng phạm sai lầm không sửa chữa được như tôi mà thôi. Đừng bao giờ đợi tới khi mẹ ra đi rồi mới hốt hoảng lo trả hiếu!

 

2.

Cũng chuyện mua bánh giò cúng mẹ. Tơi đưa tờ giấy 10.000 đồng, bà chủ thối lại 1.000 đồng. Tưởng bà thối lộn, tính nhắc, nhưng sực nhớ mình “đang sống với người Việt Nam ở Việt Nam”, tôi ngó lên tấm bảng giá thì thấy giá bánh giò đã được sửa số 8 thành số 9.

Đó là một tập quán từ xưa tới nay của người Việt mình. Dịp Tết thì tăng giá hàng hóa và dịch vụ lên với lý do “giá Tết”. Qua Tết thì “vô tư” coi nó như giá thường ngày, hay có giảm thì cũng chỉ một phần số đã tăng.

Bi kịch cuộc đời là ở chỗ, sau mỗi cái Tết, con người xuống cấp (thể xác già cũ hơn), hầu bao xẹp lép (thậm chí nhiều khi bị bội chi mang nợ), trong khi giá cả đủ thứ lại tăng theo một công thức “năm mới, tầm cao mới”.

Nhưng nói đi thì cũng cho nói lại. Bà con mình nên đấm ngực mà rằng “lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”. Ai biểu hồi Tết đi chúc mấy nhà kinh doanh, buôn bán “năm mới buôn may bán đắt, nhất bổn vạn lợi” mà chi.

 

3.

Trong một chương trình giao lưu nghệ thuật trên VTV dịp Tết Quý Tị 2013, nhạc sĩ Đức Huy khoe rằng ông vừa được bà xã sinh cho một đứa con. Tôi tủm tỉm với ý nghĩ: Phải chăng đó là một tác phẩm hợp soạn của ông và mẹ đứa bé trong một đêm “Đường xa ướt mưa”? Này nhé, trong bài hát đó, Đức Huy rành rành “dụ khị” rằng: “Sao em không ở lại đây đêm nay? Vì đường xa ướt mưa. Đừng bắt anh đưa em về. Anh xin em đừng về vì đường quá xa xôi. Xin mưa triền miên mãi không lắng đọng. Cho đôi tình nhân đuối trong giấc mộng. Trong câu ngủ quên trốn câu giã từ. Vì đường xa ướt mưa.” Quả là một lời chào mời “thiên thời, địa lợi” chỉ cần “nhân hòa” là đủ. Hên thì tạ ơn ông Trời đã cho mưa đúng nơi, đúng lúc. Xui thì đổ thừa “vì đường xa ướt mưa”.

Chúc mừng nhạc sĩ Đức Huy, “Và con tim đã vui trở lại”. Ở tuổi 65 (ông sinh tháng 6-1947), ông vẫn còn có được cái hạnh phúc “ru con” trong khi bao bạn bè đồng trang lứa chỉ được “ru cháu”. Chỉ thắc mắc là ông có hát ru con bằng những câu hò điệu lý, những câu ca dao truyền thống Việt như hơn nửa thế kỷ trước mẹ ông đã ru ông, hay là ông lại bật máy hát những album “Tình khúc Đức Huy”? Thiện tai, thiện tai à nghen. Chớ để mới chào đời, đứa bé đã phải tiếp xúc với cái nghiệp “yêu” vốn đầy những cung bậc khi thăng hoa tột cùng, lúc đau đớn cùng cực, đầy những hỉ nộ ái ố. Liệu trên đời này thực tế có được bao “Người tình trăm năm” để tôi có thể “Yêu em dài lâu”? Hên xui!

4.

Có gì liên hệ giữa bánh mì và tình yêu? Bánh mì là vật chất, còn tình yêu là tinh thần. Người ta có thể ăn nửa ổ bánh mình, nhưng không thể có tình yêu nửa vời (đã yêu là phải dốc hết 100% “tâm hồn và thể xác”, yêu cuồng nhiệt như thể mai hết còn được yêu, yêu nồng nàn như có thể yêu nhau cả thế kỷ). Bánh mì cần phải giữ luôn nóng thì ăn mới ngon, tình yêu phải được giữ luôn ấm áp thì mới lâu bền. Bánh mì không ăn hoài cũng chán, cần phải nhét thêm cheese, jambon, thịt nguội,… chí ít là chà bông, cá mòi thì mới ngon và ăn hoài hỗng ngán. Tình yêu đơn thuần ba bảy hai mưoi mốt ngày cũng trở thành nhạt nhẽo, boring, cần phải thêm nhiều hương vị, phụ gia thì mới có thể yêu mê mải từ ngày này qua tháng nọ, từ năm này sang thập kỷ khác. Và điều mấu chốt quyết định tất cả là bánh mì phải biết hy sinh vì tình yêu. Không có bánh mì bỏ bụng, đói rã người thì yêu được chết liền!

Nhưng ngược lại, tình yêu không thể hy sinh cho ổ bánh mì được. Bởi lẽ, nếu chịu hy sinh tình yêu để có được ổ bánh mì hay yêu chỉ để có được bánh mì thì chắc hẳn trên đời ngày chẳng có cái tệ nào hơn cái tệ này. Biết là nghiệt ngã như vậy, nhưng cũng đành chịu. Về bản chất, tình yêu muốn tồn tại luôn bắt buộc phải có sự hy sinh, dù cách này hay cách khác, dù người nọ hoặc người kia. Hên xui!

Vậy thì còn cái cặp phạm trù cơm và phở thì sao? Xin lỗi, ở đây tôi đang nói chuyện bánh mì mà! Ai ăn mì gói trường kỳ thì có thể tham khảo – vì bánh mì và mì gói dù sao cũng có bà con nhà họ “mì”!

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 24-2-2013)

 

BÀI HÁT YÊU THÍCH

Đường xa ướt mưa. Sáng tác: Đức Huy. Ca sĩ: Khánh Hà.

(Ca khúc này tìm thấy trên Internet. Xin cảm ơn tác giả, ca sĩ và những người đang giữ bản quyền, xin vui lòng cho chúng tôi được thưởng thức tác phẩm tuyệt vời này.)