Thứ Tư ngày 15 tháng 1 năm 2025

Nhật ký ghi vội: Chủ nhật 3-3-2013


1.

Tối qua đi ngang qua Nhà Thiếu nhi quận 5, tôi thấy các em thiếu nhi đang trình diễn một hoạt cảnh về truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt. Bất giác như là một phản xạ, từ trong lòng tôi vang thành 4 câu thơ như một lời hịch truyền:

Giặc từ phương Bắc tràn sang cướp phá

Ta phải làm gì chẳng lẽ đứng ngơ

Hồn thiêng sông núi ngàn năm đứng dậy

Đuổi tan giặc cướp giữ vẹn cõi bờ

 

Như hơn 90 triệu con dân Việt khác đang ở trong và ngoài nước, tôi nặng lòng yêu đất nước Việt Nam của mình. Với hình dáng và vị trí địa chính trị quá “đắc” trải dài như con rồng với bờ biển cặp theo suốt chiều dài đất nước, Việt Nam như cái bao lơn nhìn ra Thái Bình Dương, là nơi đầu sóng ngọn gió bảo vệ cho các nước lục địa Đông Nam Á. Với đặc điểm địa lý, chính trị và lịch sử, Việt Nam là một cửa ngõ cho khu vực Đông Nam Á và là cầu nối thông thương giữa thế giới bên ngoài với khu vực Đông Âu. Và cũng bởi những cái “đắc” đó mà suốt lịch sử của mình, Việt Nam luôn bị “dòm ngó” và “lăm le”.

Có một chân lý toàn cầu: Các chính thể và các nhà cầm quyền trên thế gian này không bao giờ là thứ bất biến, chỉ có dân tộc và tổ quốc mới có thể bền vững. Nhưng ngay cả đất nước cũng có thể không còn tồn tại nếu người dân của nó để cho nó bị mất đi bởi các thế lực ngoại xâm. Để có thể giữ được đất nước Việt Nam cho chúng ta ngày nay, các thế hệ cha ông đã phải đánh đổi bằng vô vàn máu xương trải qua nhiều ngàn năm dựng nước và giữ nước.

Thời kỳ mở mang bờ cõi của thế giới đã thuộc về lịch sử xa lắc xa lơ. Thời đại này là thời của hội nhập và giao hòa song song với bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

 

 

 

Nguồn minh họa: Internet. Thanks.

2.

Một ông thầy của tôi vừa từ Úc về thăm nhà kể rằng một trong những cái cố tật của người Việt mình sinh sống ở Úc là sĩ diện hảo. Bữa rồi thầy tới chơi nhà ông anh và tình cờ gặp một người đàn ông Việt đang làm công việc “clean” (lau dọn) nhà cửa. Ông kia thấy thầy cũng là người Việt đâm ra ngượng và dặn thầy chớ kể cho ai khác biết kẻo ông ấy bị họ chê cười.

Trong khi người Úc chẳng hề phân biệt nghề sang hay hèn, miễn là nghề hợp pháp. Cái mà người ta quan tâm là lương thấp hay cao, các benefit tốt hay xấu.

Ở Úc, người ta cũng chẳng hề để ý tới cách ăn mặc của người khác, miễn là đúng mực. Ngoài giờ làm việc, một giáo sư tiến sĩ vẫn tỉnh bơ mặc quần short mang dép đi ngoài phố.

Thầy ơi, cứ gì ở xứ người. Cái bệnh sĩ diện hảo là một căn bệnh gia truyền của người Việt mình ngay cả ở Việt Nam. Nhà ăn cơm với khô quẹt đó nhưng vẫn phải có cái bề ngoài tươm tất, thậm chí chấp nhận vay nợ cho cái khoản “tân trang mặt tiền” cả nhà cửa lẫn con người. Hồi còn làm ở dưới Tân An, tôi biết ở huyện Đức Hòa có cả xóm ăn cháo nhưng vẫn đua nhau cất nhà ngói. Khi sống ở nước ngoài, cái bệnh sĩ diện hảo này càng có môi trường để nặng thêm.

Không ít Việt kiều khi về nước “nổ” rằng mình là giám đốc này, là manager nọ, bét nhè cũng là supervisor (quản đốc), trong khi thực tế họ chỉ là người làm thuê, thậm chí đang hưởng welfare, trợ cấp thất nghiệp. Phần đông là do cái bệnh sĩ diện hảo, di dân qua Mỹ mà mần cu li thì xấu hổ tổ tiên quá. Nhưng cũng có những người nói mình lâm vào thế kẹt. Về nước gặp người thân, bạn bè mà khai thiệt mình là Việt kiều nghèo rớt mùng tơi thì dễ không chỉ bị coi thường mà còn bị trách móc là “nó bần tiện quá, giấu thân phận vì sợ người thân xin tiền”. Vậy thì ai “nổ”, ta cũng “nổ”, đâu chết thằng Tây nào! Tiền welfare 600-700 USD một tháng quy ra tiền Việt cũng đủ để mà “chảnh chọe” chút chút cho thiên hạ biết… Việt kiều là ai!

Hey, tôi bày cái chiêu này nghen: bạn nào lỡ bị lay-off hay thất nghiệp (hên xui, hỗng có trù ẻo à nghen) mà muốn sĩ diện, ai hỏi cứ nói là mình mắc bận việc riêng nên xin nghỉ dài hạn không lương. Có nhiều cách nói để diễn tả một sự việc thực tế kia mà. Bụng tôi trống rỗng sôi ùng ục, mắt hoa lên thấy muôn vàn tinh tú vậy mà miệng cứ leo lẻo: Tôi hỗng có đói, nhưng chỉ thích ăn một cái gì đó!

Qua Mỹ mới thấy người Việt mình bên đó cực lắm. Đành rằng hệ thống an sinh xã hội cả của chính phủ lẫn các hội đoàn từ thiện chẳng để ai phải rách rưới hay đói khát cả, nhưng cũng phải cày bừa mới có mà ăn. Chỉ có một số rất ít người Việt di dân (phân biệt với người Việt du học rồi ở lại làm việc hay người gốc Việt sinh ra ở Mỹ) làm chủ, còn thì đại đa số là làm công ăn lương. Họ nói mình “đi cày” hỗng có khoa trương đâu. Hàng ngày đi làm xa cả trăm cây số, lái xe 1-2 giờ là “chuyện thường ngày ở… Mỹ”. Sáng sớm đùm hộp cơm trưa theo ra khỏi nhà tới 7-8 giờ tối mới lết về lại tới nhà. Ai phải chu cấp người nhà ở Việt Nam hay nuôi con học đại học thì phải cày thêm job thứ hai, thậm chí thứ ba. Hai ngày cuối tuần thì mệt phờ râu, nếu không đi làm thêm chỗ khác thì cũng phải ở nhà dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ, đi chợ chuẩn bị cho cả tuần sau. Hầu hết người Việt ở Mỹ cả đời chỉ loanh quanh trong tiểu bang, thậm chí trong mấy thành phố lân cận.

Cái chuyện ăn uống mới là đau khổ triền miên. Các món Mỹ rẻ và ít mất thời gian chế biến, nhưng ăn không quen. Còn các món Việt thì vừa èo uột, hiếm hoi, vừa cực đắt (đặc sản nhập khẩu mà). Để giữ sức khỏe, nhiều nhà người Việt thường ăn cơm gạo lức, mình qua thăm thấy mà ngán ngược. Những món ăn bên nhà chỉ dành cho dân nghèo đồng quê ăn lại được coi là đặc sản ở Mỹ. Lâu lâu thấy họ kiếm được ít rau xanh luộc chấm nước mắm dầm trứng luộc hay tàu hũ chiên rồi ăn hào hứng như bên nhà ăn yến tiệc, mà bắt thương. Tôi có ông thầy sống ở Colorado hồi bên nhà ghiền nước dừa tươi, qua Mỹ đành nhịn thèm. Một trái ổi giá cũng từ 3 USD. Bữa ở San Francisco, nóng ruột quá, tôi ra siêu thị mua 2 trái chuối già gần 2 USD, mà ăn giống như chuối… bột. Ăn tô cháo lòng bán rong thôi cũng mất tiêu 6 USD. Còn đi ăn phở tô tầm trung cũng 7-8 USD, mà tiệm nấu theo taste Mỹ cho người Mỹ ăn nên ta phải vừa ăn vừa cố tưởng tượng đó là phở.

Tôi ở Saigon kể mấy chuyện này để bà con Việt kiều khỏi phải mang tiếng là làm bộ kể khổ!    

Ăn hủ tíu ở Chợ Việt Eden (bang Virginia, miền đông Hoa Kỳ) mà vừa ăn, vừa phải tưởng tượng cho ra hương vị hủ tíu Việt.

 

3.

Để yêu được một người đã khó, xa người mình yêu càng khó hơn, mà quên người mình đã yêu thì trầy vi tróc vẩy chưa chắc thành công.

Đừng tìm trong sách mất công, bà nhập tôi nói đó mà!

Vậy chẳng lẽ không nên yêu?

Ai lại xúi dại như vậy. Làm người sống mà không có một tình yêu nào đó thì sống chi cho chật đất. Đừng tưởng các vị tu hành không biết yêu, họ yêu mãnh liệt hơn bất cứ ai, vì nếu không, làm sao họ có thể hy sinh, hiến dâng cả đời mình cho tín ngưỡng của mình. Các tu sĩ yêu đấng Tối cao của mình nên mới đi tu, và họ yêu tha nhân, chúng sinh nên mới có thể phục vụ và tìm đường cứu rỗi cho tha nhân, chúng sinh.

Tin tôi đi, chẳng ai sống mà thiếu tình yêu đâu. Họ không yêu ai khác thì cũng yêu chính mình và yêu cuộc đời.

Theo tôi, để vẫn yêu phà phà, yêu tới bến mà không phải khổ vì yêu thì giải pháp duy nhất là cố gắng giữ thiệt kỹ, đừng để mất người mình yêu. Còn chuyện xa nhau, chẳng ai yêu mà muốn vậy đâu, nhưng đó là do hoàn cảnh chẳng đặng đừng và cũng chỉ trong giai đoạn mà thôi. Hai người yêu nhau phải xa nhau thì cứ tin vào nhau như tin sấm trạng Trình và có ý thức giữ uy tín nhà may Tèo với nhau để cùng an tâm công tác!

Nguồn minh họa: Internet. Thanks.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 3-3-2013)