Thứ Bảy ngày 23 tháng 11 năm 2024

Một chặp chợp mắt, gây bão toàn cầu…

A member of Vietnamese delegation naps during the General Debate of the 73rd session of the General Assembly at the United Nations in New York September 25, 2018. (Photo by Don EMMERT / AFP) (Photo credit should read DON EMMERT/AFP/Getty Images)

Nếu cứ theo chú thích của nhiều tờ báo, trang tin nước ngoài, kể cả những tờ báo lớn và nổi tiếng, “thành viên thuộc đoàn đại biểu Việt Nam” này chợp mắt (nap) trong khi (during) phiên thảo luận chung (general debate) của Khóa họp thứ 73 Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đang diễn ra.

Do chưa thể xác minh được, nhiều người suy đoán đây là ngủ trong giờ giải lao.

Có một số bạn nói rằng cái người (hình như là nữ) ngồi núp phía sau lưng ghế là một phiên dịch đang sử dụng điện thoại. Với balô trên lưng bạn đó, tôi lại nghĩ đó là một phóng viên nhiếp ảnh thì đúng hơn.

Cũng nhiều người cho rằng vị đại biểu kia bị ảnh hưởng bởi chứng jetlag, thay đổi giờ sinh học đột ngột. Ở thành phố New York trong thời gian giờ mùa hè (Daylight Saving Time) này, giờ cách Việt Nam 13 tiếng đồng hồ. Có nghĩa nếu ở New York là 15g thì ở Việt Nam đang là 2 giờ sáng ngày hôm sau. Nếu quả thật, vị kia mới từ Việt Nam sang lại phải đi họp ngay theo kiểu ngày người đêm ta thì thiệt là… ríu mắt.

Ai chưa từng trải qua jetlag nghiệt ngã cách nhau 10-13 tiếng thì khó hiểu được người ta khổ sở ra sao. Tất nhiên cũng có những người có sức chịu đựng tốt, nhưng đó chỉ là số ít. Bản thân tôi cũng từng nhiều phen khốn khổ khi vừa từ Việt Nam bay qua Mỹ ngày hôm trước là bữa sau vào họp ngay. Mà cái tiếng Anh trong thuyết trình nó nghe như một lời ru ngủ thần diệu.

Chỉ có điều, có nguồn tin nói người ngủ giữa phiên họp tại Đại hội đồng đó là một tham tán của phái đoàn Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc. Cũng có nguồn nói rõ hơn rằng anh ấy đã ở New York gần hết một nhiệm kỳ. Vậy thì cái lý do jetlag không tồn tại, kể cả kém thuyết phục trong trường hợp anh ấy mới về Việt Nam làm gì đó rồi trở sang Mỹ.

Tấm ảnh này ghi là được chụp vào ngày 25-9-2018. Hôm đó đang diễn ra cuộc thảo luận chung và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phát biểu trong buổi sáng. Mãi tới 9 giờ tối 26-9, chuyên cơ chở Thủ tướng và đoàn đại biểu Việt Nam mới hạ cánh xuống sân bay John F. Kennedy ở New York. Như vậy, nhân vật này không nằm trong đoàn đi cùng Thủ tướng từ Việt Nam qua.



Tôi không có ý bênh vực và chê bai gì người đàn ông kia đâu. Chủ yếu do tôi không có các dữ liệu chính xác và đầy đủ. Nếu bị truy, tôi chỉ có thể thều thào mà nhận xét rằng: Cái dáng ngủ ngồi của anh đồng bào tôi trông thiệt là khổ sở. Thấy là muốn khóc. Nó kém thần thái so với 1001 kiểu ngủ gục trong hội họp của nhiều vị nước khác.

Và cái đinh đóng anh chàng lên tường chính là tấm biển tên đoàn mang chữ “Viet Nam” quá nổi bật. Nhiều người đã trách, thậm chí lên án, truyền thông nước ngoài chơi xấu với Việt Nam. Thực tế như vầy, đối với cộng đồng quốc tế, Việt Nam là một trong những nước hiếm hoi là nước cộng sản. Và “thực tế không như là mơ” giống như không ít người ở Việt Nam tự sướng ảo tung chảo đâu, chẳng phải ai cũng dành cảm tình với Việt Nam đâu. Việt Nam luôn bị soi, chuyện với người là nhỏ như con thỏ cũng dễ bị đẩy thành khủng long với Việt Nam. Định mệnh. Nên phải luôn cẩn trọng, giữ ý tứ hơn người ta. Nhất là khi có trọng trách đại diện tổ chức hay kinh hồn hơn là đại diện đất nước. Khổ lắm cơ!

PHẠM HỒNG PHƯỚC

+ Ảnh: Internet. Thanks.

 

“Nap” trong tiếng Anh có nghỉ là một giấc ngủ ngắn (short sleep), đặc biệt là vào ban ngày. Ngủ như vậy trong giờ giải lao (break time) đúng là “chợp mắt”. “Nap” chỉ có nghĩa là ngủ trưa (afternoon nap) nếu chợp mắt vào lúc nghỉ trưa. Còn nếu ngủ như vậy trong lúc (during) đang làm việc thì gọi là “ngủ gục” hay “ngủ gật”.