Thứ Bảy ngày 23 tháng 11 năm 2024

Bói Kiều

 

Ai là người Việt mà không biết truyện Kiều. Thuở trước người bình dân thuộc truyện Kiều qua lối truyền khẩu trước cả khi tác phẩm bằng chữ quốc ngữ được xuất bản. Các nhân vật trong truyện linh động tới mức trở thành hiện thực sống với đời thường. Cả nước ta chẳng còn ai dám đặt tên con là Sở Khanh. Bà vợ nào bị gọi là Hoạn Thư thì tức lộn ruột. Đến như bậc thâm nho nghiêm túc Chu Mạnh Trinh cũng cảm ứng với nàng Kiều, khiến phải thốt lên, “Bộc bản đa tình, cảm thông đồng điệu.” (Ta vốn đa tình, cảm thương người cùng cảnh (Thanh Tâm tài nhân tập tự). Nguyễn Du là bậc kỳ tài, cụ dùng 3.254 câu thơ lục bát gói ghém hầu hết mọi cảnh ngộ của cuộc đời. Từ ông già lọm khọm khó tính đến cô thôn nữ ngây thơ, ai cũng tìm ra một vài câu hợp với hoàn cảnh của mình.

Nếu có những tác phẩm nghệ thuật gây ra mối cảm xúc trong tâm hồn độc giả cũng là điều dễ hiểu. Nhưng tin những nhân vật trong truyện có thật, mà mình có thể cầu nguyện với họ, là một chuyển hóa tâm linh. Đó là trường hợp khác thường của Truyện Kiều. Niềm tin này đã tác động tới lãnh vực bói toán và tạo nên phong tục bói Kiều.

Thúy Kiều và Kim Trọng. Tranh khắc gỗ của Nguyễn Tư Nghiêm.

Thuở trước, bói Kiều là một trong những tục lệ của ngày Tết. Người ta bói Kiều để xem vận hạn cả năm ra sao (niên vận). Đó là một nghi lễ nghiêm chỉnh có nhang đèn đi kèm. Sau này người ta coi bói Kiều như một thú chơi tao nhã với bạn bè và thân nhân trong dịp xum họp đầu năm. Dần dần bói Kiều trở nên phổ cập, bất cứ lúc nào gặp cảnh khó khăn, người ta cũng có thể bói Kiều để tìm tư vấn cho mình.

Nhưng bói Kiều là gì? Lời giải thích của học giả Phan Kế Bính (1875-1921) đã tóm tắt ý chính của nó: “Bói Kiều là mình có việc gì muốn được biết hay dở đường nào thì khấn với Thúy Kiều, Kim Trọng xin cho mấy câu dòng nào, gặp chỗ nào thì lấy mấy câu thứ mấy ở trang ấy mà đoán. Cách này là một cách bói chơi, nhưng cũng nhiều khi nhiều người cho là nghiệm” (Việt Nam Phong Tục, chương XXI).

Các học giả chưa thể xác định tục lệ bói Kiều đã có từ thời nào. Trong tác phẩm Lều Chõng của Ngô Tất Tố có miêu tả cảnh bói Kiều. Như vậy bói Kiều đã có từ thời mà các Nho sinh còn phải ì ạch vác lều chõng đi thi, tức giữa thế kỷ 19. Khi đó ấn bản chữ nôm Truyên Kiều đã phát hành. Sách quốc ngữ cũ nhất nói về bói Kiều là quyển Sách bói Tập Kiều kiến nghiệm, nhà xuất bản Vũ Thắng, Nam Định, ấn hành năm 1937. Không biết nhà xuất bản nghĩ thế nào mà không đề tên tác giả.

Có một điều quan trọng cần minh xác về thể thức bói Kiều. Câu thơ Kiều dùng để bói hoàn toàn độc lập với nội dung truyện Kiều. Nghĩa là ta chỉ căn cứ vào biểu tượng mà câu thơ nêu ra chứ không vướng mắc vào xuất xứ hay sự tích của nó. Chẳng hạn nếu bạn nhận được một quẻ trích lời nói của Sở Khanh, điều ấy không có nghĩa là xấu. Câu thơ đó không còn liên hệ gì đến Sở Khanh nữa. Nó chỉ là điềm dẫn tới một hướng đi nào đó mà thôi.

 

Có ba cách bói Kiều chính, tôi xin được tóm lược sau đây.

Bói Kiều theo kiểu dân dã

Sách căn dặn: người xin quẻ phải có lòng thành tập trung tâm trí vào điều mình xin. Điều này dĩ nhiên rồi. Sau đó chắp tay tụng câu:

“Lạy vua Từ Hải, lạy vãi Giác Duyên, lạy tiên Thúy Kiều, lạy Kim Trọng, Thúc Sinh…, con tên là… sinh ngày…tháng…năm…, hiện trú tại…. Con xin một quẻ về đường… (công danh, nhân duyên)…. cho….”.

Khấn xong ta nhắm mắt lại, hay mở mắt nhưng không có ý nhìn, lấy tay mở cuốn Truyện Kiều ra. Mắt vẫn nhắm lấy ngón tay đặt vào một điểm trên trang sách. Rồi mở mắt ra đọc đoạn thơ mà ngón tay mình đặt vào. Đó là đoạn thơ ứng với việc mình xin. Sau đó tùy theo ý của đoạn thơ mà suy ra lời giải.

Trước khi mở sách có 3 điều bạn cần biết:

1. Người nam lật sách bằng tay trái. Người nữ lật sách bằng tay phải (nam tả nữ hữu). Có chỗ cho rằng người xin bói cầm sách bằng 2 tay đưa ra trước mặt, rồi dùng 2 ngón cái lật sách bung ra. Sau đó nếu là nữ thì coi thơ ở trang bên phải, nếu là nam thì coi thơ ở trang bên trái.

2. Chọn câu thơ bằng cách hoặc lấy ngón tay trỏ đặt vào một điểm trên trang sách, hoặc lấy 4 câu đầu của trang sách đã chọn

3. Không được dùng trang đầu và trang cuối sách. Những đoạn thơ ở 2 trang đó chỉ nhằm giới thiệu tổng quát về luận đề của tuyện Kiều, nên không thể dùng để bói.

Bói Kiều theo sách bói toán

Trước hết xin nhớ, cách bói này cấm trẻ vị thành niên. Luật bắt buộc người xin quẻ phải trên 15 tuổi. Trẻ dưới 15 tuổi coi bói thì quẻ hết linh. Đây là cách bói rắc rối vì phải dựa vào cách tính theo bốc phệ như bát quái, thập can, ngũ hành, tam tài… Dụng cụ bói gồm có một cái dĩa với hai đồng xu (có nơi nói ba đồng xu) để gieo quẻ và phải có sách bói dịch để đối chiếu. Khi gieo quẻ bằng đồng xu phải tuân thủ quy ước “nam tả nữ hữu”. Nữ gieo đồng xu bằng tay phải, nam gieo xu bằng tay trái.

Khác với kiểu bói bình dân lật sách trực tiếp từ quyển Truyện Kiều. Trong cách bói này, người ta phải dùng quyển Bói Kiều làm căn bản. Bói Kiều là sách do các cụ làm luật bói soạn ra. Sách phân loại những cảnh ngộ của cuộc đời nàng Kiều thành 18 chủ đề. Số 18 là hợp số của thập căn (10 gốc) và bát quái (8 thể) mà thành (10+8=18). Bởi vì không phải bất cứ câu thơ nào trong truyện Kiều cũng có thể dùng cho bói toán, nên các cụ lọc ra 270 câu lục bát (54×5=270), tức 540 hàng, ứng với 18 chủ đề. Như vậy số thơ trong sách Bói Kiều chỉ có 1/7 văn bản truyện Kiều.

Theo ông Phạm Đan Quế, tác giả nhiều sách bói Kiều, 18 chủ đề phân loại như sau:

Bát quái

1. Càn – Niên vận: cả năm tốt hay xấu.

2. Khảm – Công danh: thăng bổ sớm hay muộn.

3. Cấn – Tài lộc: tiền của dồi dào hay hao hụt.

4. Chấn Âm tín: muốn hỏi tin tức một ai đó.

5. Tốn Tranh tụng: kiện tụng được hay thua.

6. Ly Bình an: vận nhà bĩ hay thái

7. Khôn Hôn nhân: vợ chồng tốt hay xấu

8. Đoài Thương mại: buôn bán lỗ hay lãi

Thập can

9. Giáp – Thiên di: đổi chỗ ở động hay êm

10. Ất Tật bệnh: Bệnh nặng hay nhẹ.

11. Bính – Khoa đồ: thi đỗ hay hỏng.

12. Đinh Tử tức: đường con cái ra sao.

13. Mậu – Xuất hành: ra đi may hay rủi.

14. Kỷ – Truy tầm: tìm kiếm thấy hay mất.

15. Canh – Ưu tư: lo sự lành hay dữ.

16. Tân – Thám yết: đi thăm có được không.

17. Nhâm – Kỹ nghệ: nghề nghiệp lợi hay hại.

18. Quý Tâm sự: tình riêng có toại hay không.

Muốn coi bói, trước hết phải cho biết muốn coi về đường gì, chẳng hạn đường công danh. Sau đó người xin bói cầm hai đồng tiền xu thảy vào dĩa để tìm vị thế trong tam tài. Nếu 2 đồng xu ngửa hết là dương, tức thiên. Nếu cả hai sấp hết là âm, tức địa. Nếu một sấp một ngửa là vừa âm vừa dương, tức nhâm. Sau đó tính toán dựa theo sự kết hợp trong ngũ hành: kim mộc thủy hỏa thổ để tìm ra số mục của quẻ ứng với câu thơ.

Thí dụ: xin một quẻ về đường công danh. Công danh ứng với “khảm”, tức số 2 trên bảng bát quái. Tìm số 2 trên bảng ngũ hành thấy ứng với “mộc”. Sau đó gieo 2 đồng xu. Ví dụ cả 2 xu đều sấp, tức “địa”. Như vậy ta có: khảm mộc địa. Dựa trên 3 cửa trên để dò trên bảng lý số để biết quẻ số mấy. Được số của quẻ rồi ta phải trao cho vị giải quẻ, rồi tùy vào cuộc vấn đáp với vị này ta sẽ có lời giải.  Như vậy chỉ những vị giải quẻ chuyên môn mới đủ kiến thức làm việc này.

Cứ nghĩ đến cảnh cụ đồ vuốt râu ngồi bên đống sách chữ Nho, trước mặt là bát nhang khói lên vu vơ, là đã thấy không khí huyền bí của thần linh rồi. Khỏi nói, ai cũng nhận ra cách bói nghiêm túc này ắt do các cụ nhà Nho giỏi ngành bốc phệ lập ra.

Bói Kiều theo giáo lý Phật giáo

Ngày nay phong tục bói Kiều được vài nơi làm sống lại. Trong số đó tôi thấy có cộng đồng Phật giáo Làng Mai ở bên Pháp. Theo tôn chỉ “chết là thể xác, còn là tinh anh”, họ định nghĩa bói Kiều là tham khảo ý kiến, qua tâm linh, cụ Nguyễn Du, sư Giác Duyên, và đạo cô Tam Hợp để nhờ họ chuyển hóa hoàn cảnh của mình. Đây là sáng kiến dựa vào niềm tin dân gian để đưa ra một hỗ trợ tinh thần trong đời sống. Một hướng đi có tính cách giáo dục và bảo tồn văn hóa dân tộc.

Bói Kiều trong chùa Phật giáo Làng Mai ở Pháp Tết Canh Dần.

Cách thức bói Kiều Phật giáo có thể coi như thể trung gian giữa cách bói bình dân và cách bói theo sách. Nhà chùa soạn trước 210 quẻ, mỗi quẻ chỉ có 1 câu thơ lục bát trích từ truyện Kiều. Sau đây là một quẻ điển hình:

Thông minh vốn sẵn tính trời (29)

Nhẹ nhàng nghiệp trước, đền bồi duyên sau (2690)

Những quẻ này được bỏ vào một cái chuông.  Người xin quẻ trước hết phải có lòng thành đến xá tượng Phật ba lạy rồi khấn như sau:

Cầu thi thánh Nguyễn Du

Cầu đạo cô Tam Hợp

Cầu Sư Trưởng Giác Duyên

Cầu giáng tiên Thúy Kiều

Tôi tên là………………………..

Xin tham vấn thi thánh, đạo cô, sư trưởng

và giáng tiên về vấn đề………………………

Sau đó thò tay vào chuông bốc ra một quẻ. Quẻ này được trao cho vị đoán quẻ. Vị này phải là một tu sĩ có kiến thức chuyên biệt về truyện Kiều, kiến thức Phật pháp, và kiến thức về tâm lý.

Theo tinh thần của giáo lý Phật, trong câu lục bát một câu là quả và câu kia là nhân. Quả là cảnh ngộ ứng với tâm trạng hiện tại của người xin quẻ. Nhân là lời khuyên của các bậc anh linh để ứng phó với quả. Lời khuyên này thường được vị đoán quẻ dẫn qua một bài thuyết pháp nho nhỏ. Thế là ta vừa được coi bói vừa được nghe thuyết pháp.

Giai thoại bói Kiều

Giai thoại về bói Kiều có rất nhiều, nhưng vì giới hạn của bài viết, nên tôi chỉ đan cử một chuyện.

Năm 1944 quân Nhật ở Việt Nam sợ các ông Trần Trọng Kim, Dương Bá Trạc, Trần Văn Ân, Đặng Văn Ký có thể bị Pháp bắt nên họ chuyển các ông qua Singapore. Tại đây đời sống quá kham khổ nên sau một thời gian các ông muốn trở về nước. Ông Dương Bá Trạc nói: “Tôi thường không tin bói toán, nhưng tôi nghiệm thấy bói Kiều hay lắm. Khi xưa tôi đi thi Hương, bói một quẻ biết là đỗ, mà rồi đỗ thiệt. Sau bị đầy ra Côn Lôn, lại một hôm bói một quẻ, đoán là sắp được về, mấy ngày sau quả là được về thật.” Ông Trần Trọng Kim nói: “Vậy bây giờ ông thử bói một quẻ xem.” Sáng hôm sau ông Dương Bá Trạc nói: “Chúng ta sắp được về. Tôi bói Kiều được hai câu này:

Việc nhà đã tạm thong dong
Tịnh kỳ giục giã đã mong độ về

Theo ý đó chúng ta sắp được về.”

Ít lâu sau các ông đều được về nước. Riêng ông Dương Bá Trạc, chẳng may bị bệnh nặng, nên đã qua đời ở Singapore. (Ðặng Minh Phương. Trích trong hồi ký của Trần Trọng Kim, Phạm Khắc Hòe, và nhật ký của Lê Văn Hiến.)

Với bất cứ lý do nào và theo kiểu cách nào, bói Kiều đã trở thành nét đặc thù văn hóa của dân Việt. Nó là một hình thức an ủi tâm lý cho đại chúng thuộc đủ mọi thành phần giai cấp trong xã hội. Quả là kỳ diệu một cuốn tiểu thuyết tình cảm thuần túy văn chương lại có thể thấm vào nếp sống con người một cách đa dạng như vậy. Chúc quí vị, những ai thích bói Kiều, sẽ rút được một quẻ tốt. Đối với quí vị chẳng tin bói toán, nhân dịp đầu năm, cũng nên lật một trang sách Truyện Kiều, để cảm thấy gần gũi với tâm tình dân tộc. Học giả Phạm Quỳnh đã có lần nói: “Truyện Kiều còn tiếng Việt còn. Tiếng Việt còn nước Việt còn.” Đúng là một câu nói để đời.

 

ĐỖ NGỌC TRANG

(Cựu Giáo sư Việt Văn Trung học Kiến Tường, Elk Grove, California 8-3-2013)

——————

Hình minh hoa: Internet

Sách tham khảo:

– Đặng Cao Ruyên. 2010. Truyện Kiều Nghệ Thuật và Lan Tỏa. Tổ hợp xuất bản miền Đông Hoa Kỳ.

– Đặng Minh Phương. 2007. Lý Thú Về Bói Kiều. Nguồn internet.

– Lãng Nhân. 1979. Chơi Chữ. Cơ sở xuất bản Zieleks.

– website langmai.org. Ngày Xuân Bói Kiều

VIDEO CLIP


Một buổi bói Kiều Tết Nhâm Thìn 2012.