Thứ Hai ngày 30 tháng 12 năm 2024

Vũ khí hóa học đã được sử dụng ở Syria?

 

Đài truyền hình quốc gia Syria đưa tin: ngày 19-3-2013, quân nổi dậy đã bắn một quả tên lửa có mang chất độc hóa học tại gần thành phố Aleppo (miền bắc Syria) giết chết 25 người và làm bị thương hàng chục người. Thông tin từ tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) thân quân nổi dậy cho biết: trong số những người chết có 16 binh lính chính phủ.

Nhưng cả hai bên: chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad và quân nổi dậy đều đang tố cáo lẫn nhau về vụ tấn công này.

Cho dù là do bên nào gây ra, nếu vụ việc này đã thật sự xảy ra, đây là lần đầu tiên vũ khí giết người hàng loạt này được sử dụng trong cuộc xung đột kéo dài 2 năm nay ở Syria.

Tổng thống Mỹ Barack Obama, người trước nay công khai chống lại việc can thiệp quân sự của Mỹ vào Syria, đã cảnh báo Tổng thống Assad rằng: bất cứ việc dùng vũ khí hóa học nào cũng sẽ là “đường ranh đỏ”.

Vụ sử dụng vũ khí hóa học khét tiếng nhất ở Trung Đông trong lịch sử gần đây xảy ra tại thành phố Halabja của người Kurd Iraq cách đây 25 năm. Người ta nói rằng Tổng thống Saddam Hussein đã ra lệnh tấn công bằng khí độc giết chết hơn 5.000 người. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, chất độc hóa học đã giết chết ngần ấy người chỉ trong vòng 20 phút và làm 10.000 người khác bị thương nặng.

Cho tới sáng 20-3-2013 vẫn chưa có nước phương Tây hay tổ chức quốc tế nào xác nhận về vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ngày 19-3 ở Syria. Nhưng Nga, một đồng minh của Damascus, đã cáo buộc quân nổi dậy gây ra cuộc tấn công đó. Mỹ cho biết họ chưa có bằng chứng nào cho thấy quân nổi dậy đã sử dụng vũ khí hóa học. Anh cho biết mình sẽ thay đổi các tính toán của nước này ở Syria nếu như quả thật đã xảy ra tấn công bằng vũ khí hóa học.

Người phát ngôn Liên hiệp quốc Martin Nesirky nói rằng LHQ chưa khẳng định gì về các báo cáo của các bên, nhưng ông nói thêm rằng bất cứ bên nào sử dụng các loại vũ khí như thế đều “vi phạm nghiêm trọng luật quốc tế”. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon cho biết LHQ đã quyết định mở một cuộc điều tra độc lập về vụ tấn công ở Aleppo.

Một phóng viên ảnh của hãng tin Anh Reuters đã tới thăm các nạn nhân tại bệnh viên Đại học Aleppo và bệnh viện al-Rajaa ở Aleppo và nhận thấy họ đang có vấn đề về hô hấp. Họ kể mình nghe có mùi clo (chlorine) sau khi xảy ra vụ tấn công và thấy người ta chết trên đường phố và trong nhà.

Cuộc nổi lên chống lại chế độ gia đình trị của Tổng thống Assad nổ ra cách đây tròn 2 năm đã nhanh chóng chuyển từ phản đối ôn hòa thành một cuộc nội chiến khốc liệt, mà tới nay đã có ít nhất 70.000 người chết. Trước nay vẫn có tin rằng chính quyền của Tổng thống Assad có trong tay một kho vũ khí hóa học. Kênh truyền hình thời sự CNN (Mỹ) ngày 22-3-2013 cho biết: giới chuyên gia quân sự tin rằng Syria có thể sở hữu một trong những kho vũ khí hóa học lớn nhất thế giới. Trong khi đó tới nay chưa có báo cáo nào cho thầy quân nổi dậy có vũ khí hóa học.

Trong cuộc họp báo, Bộ trưởng Thông tin Omran al-Zoabi khẳng định rằng quân nổi dậy đã từ quận Nairab của thành phố Aleppo mà họ đang kiểm soát một phần bắn một quả tên lửa hóa học vào thị trấn Khan al-Assal. “Chất hóa học chứa trong tên lửa đó khiến người ta bất tỉnh rồi co giật và chết.” Bộ trưởng Zoabi còn nói thêm: Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar, hai nước ủng hộ quân nổi dậy, cũng phải chịu “trách nhiệm pháp lý, đạo đức và chính trị” về vụ tấn công bằng hóa chất này. Ông này nhấn mạnh” Nếu chúng tôi có vũ khí hoa học, thì vì các lý do đạo đức, nhân đạo và chính trị, chúng tôi sẽ không bao giờ sử dụng nó.”

Qassim Saadeddine, một chỉ huy cao cấp của quân nổi dậy và cũng là người phát ngôn của Hội đồng Quân sự Cấp cao ở Aleppo, đã bác bỏ thông tin này và tố cáo chính lực lượng trung thành với Tổng thống Assad đã gây ra vụ tấn công đó. Ông ta nói với hãng tin Reuters rằng phe nổi dậy tin rằng một quả tên lửa Scud chứa chất độc hóa học đã được quân chính phủ bắn đi. Ahmed al-Ahmed, một tay súng của quân nổi dậy, nói với báo chí nước ngoài rằng lúc đó anh có mặt tại một căn cứ quân sự do quân nổi dậy kiểm soát gần thị trấn Khan al-Assal, chỉ cách nơi tên lửa nổ chừng 2km và đã nhìn thấy khói màu hồng bốc lên. Tên lửa này đã được bắn đi ngay sau khi một chiếc phản lực cơ chiến đấu của quân đội Syria ném bom một mục tiêu do quân nổi dậy chiếm giữ ở ngoại ô thị trấn.

Hy vọng vụ chất độc hóa học này chỉ là một tai nạn do tên lửa trúng phải một nơi chứa hóa chất chứ không phải là vũ khí hóa học. Bởi nếu bất cứ bên nào ở Syria mà sử dụng loại vũ khí giết người hàng loạt này, cuộc nội chiến ở đây sẽ chuyển sang một tình thế mới phức tạp và nguy hiểm hơn.

Hiện nay, chiến sự đang diễn ra khắp nơi tại thủ đô Damascus. Quân nổi dậy đang ngày càng gia tăng áp lực tại trung tâm thành phố, nơi tập trung các cơ quan nhà nước. Ngày 18-3, họ nói đã bắn đạn cối vào dinh tổng thống. Hôm 21-3, một vụ đánh bom tự sát đã xảy ra tại một thánh đường Hồi giáo tại thủ đô Damascus giết chết ít nhất 49 người, trong đó có Sheik Mohammad Said Ramadan al-Buti, 84 tuổi, một giáo sĩ cao cấp thân chính phủ, và cháu trai của ông. Tổng thống Assad đã thể sẽ trả đũa vụ thảm sát mà ông nói là do bọn khủng bố chống chính quyền gây ra này.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 22-3-2013)

Một người lính Syria bị thương trong vụ tấn công được cho là bằng vũ khí hóa học tại Aleppo ngày 19-3-2013.

Một phụ nữ và một bé gái bị ngộ độc trong vụ tấn công được nói là bằng chất độc hóa học tại Aleppo ngày 19-3-2013 đang được điều trị tại bệnh viện.

Giáo sĩ Sheik Mohammad Said Ramadan al-Buti bị giết chết trong đánh bom ngày 21-3-2013 tại Damascus.

Bàn của Giáo sĩ Sheik Mohammad Said Ramadan al-Buti ngồi trong thánh đường Hồi giáo sau vụ đánh bom ngày 21-3-2013 tại Damascus.

Thánh đường Hồi giáo tại Damascus bị đánh bom ngày 21-3-2013.

VIDEO CLIPS:

Syria state TV purports to show victims of ‘chemical attack’

Syria: Breaking News Chemical Weapons attack in Northern Aleppo