Thứ Bảy ngày 21 tháng 12 năm 2024

Biển Đông: Giàn khoan Haiyang Shiyou 982 và tàu thăm dò Haiyang Dizhi 8

CẬP NHẬT BIẾN ĐỘNG BIỂN ĐÔNG

Đây là 2 bài báo về Biển Đông vừa được đăng trên tờ báo Hong Kong South China Morning Post (SCMP).

Ngày 25-9-2019, bài “Bắc Kinh triển khai giàn khoan nước sâu mới ở Biển Đông” (Beijing deploys new deepwater drilling rig in South China Sea) trến báo SCMP cho biết: Giàn khoan nước sâu Hải Dương Thạch Du 982 (Haiyang Shiyou 982, Ocean Oil 982) của Trung Quốc đã xúc tiến hoạt động tại Biển Đông kể từ ngày thứ bảy tuần qua (tức 21-9-2019). Thông tin này được dẫn nguồn từ truyền thông Nhà nước Trung Quốc (theo Trường An Kiếm – Chang An Jian, một tài khoản mạng xã hội của Ủy ban Chính Pháp Trung ương Trung Quốc, Central Political and Legal Affairs Commission).

Cụ thể, giàn khoan Hải Dương Thạch Du 982 được triển khai hoạt động tại vùng nước sâu đến 3.000 mét. Đây là giàn khoan dầu lớn nhất và hiện đại nhất thuộc loại này của Trung Quốc và độ sâu nhất mà giàn có thể khoan là 5.000 mét.

Tin không nói rõ giàn khoan Hải Dương Thạch Du 982 được hạ đặt ở tọa độ cụ thể nào. Bắc Kinh cho tăng cường hoạt động thăm dò tài nguyên kể từ năm 2016 nhằm giảm bớt lệ thuộc vào nguồn cung ứng dầu thô từ nước ngoài. Báo SCMP nhắc lại là Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền với hơn 80% diện tích Biển Đông, nơi đươc cho là có trữ lượng tới 5.300 tỉ mét khối khí tự nhiên và 11 tỉ thùng dầu.

Thực tế, thông tin về giàn khoan Hải Dương Thạch Du 982 vào Biển Đông hiện giờ chỉ đề biết thôi. Biển Đông (tên quốc tế là South China Sea) rộng khoảng 3,5 triệu km vuông, bao gồm lãnh hải của các nước trong khu vực, trong đó có Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia, Singapore, Vietnam và lãnh thổ Taiwan. Năm 2012, Trung Quốc triển khai giàn khoan nước sâu đầu tiên của họ là Hải Dương Thạch Du 981 (Haiyang Shiyou 981) ở Biển Đông. Và năm 2014, Bắc Kinh cho di chuyển giàn khoan này tới gần Quần đảo Trường Sa rồi sau đó phải rời đi sau khi bị Việt Nam mạnh mẽ tuyên bố giàn khoan này vi phạm lãnh hải của mình.

Trước đó, ngày 23-9-2019, báo SCMP đăng bài “Chinese survey ship leaves Vanguard Bank in South China Sea and heads to artificial island outpost” (Tàu thăm dò Trung Quốc rời Bãi Tư Chính ở Biển Đông và hướng về căn cứ đảo nhân tạo). Theo đó, dựa vào dữ liệu của website MarineTraffic chuyên theo dõi các hoạt động hàng hải trên toàn thế giới thông qua tín hiệu định vị vệ tinh AIS, tàu thăm dò Hải Dương Địa chất 8 (Haiyang Dizhi 8) đã rời khỏi khu vực Bãi Tư Chính (Vanguard Bank) ngày 22-9-2019 để về đậu tại Bãi Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) – một căn cứ do Trung Quốc xây dựng trên một rạn san hô thuộc cụm Nam Yết của quần đảo Trường Sa mà Việt Nam luôn khẳng định chủ quyền. Bắc Kinh không cho biết lý do tàu thăm dò Hải Dương Địa chất 8 rời đi, nhưng hai lần trước tàu này cũng đã trở lại căn cứ đó để tiếp thêm nhiên liệu rồi quay trở lại. Lần quay lại căn cứu này ngày 2-9 trùng với Quốc khánh Việt Nam, phải chăng lần này để để nghỉ mừng Quốc khánh Trung Quốc 1-10, nghe nói nghỉ lớn tới 10 ngày nhân kỷ niệm 70 năm thành lập.  

Ảnh từ MarineTraffic do Dự án Đại Sự Ký Biển Đông công bố cho thấy nhóm tàu Haiyang Dizhi 8 đậu tại căn cứ Đá Chữ Thập sáng 23-9-2019 sau khi rời Bãi Tư Chính sáng 22-9-2019.

Cho tới nay, tàu thăm dò Hải Dương Địa chất 8 với sự hộ tống của đội tàu hải cảnh Trung Quốc vũ trang hùng hậu đã 3 lần xâm phạm khu vực Bãi Tư Chính nằm hoàn toàn trong vùng kinh tế đặc quyền (EEZ) của Việt Nam (theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 – UNCLOS 1982). Nó bắt đầu xâm phạm khu vực này ngày 3-7-2019 tới ngày 7-8-2019 rút về Bãi Đá Chữ Thập. Đợt thứ 2 trở lại từ ngày 13-8 tới ngày 2-9-2019. Và đợt 3 từ ngày 7-9 tới ngày 22-9-2019.

Nữ tác giả Laura Zhou của báo SCMP nhận định: Vụ việc tàu thăm dò Haiyang Dizhi 8 hoạt động ở khu vực Bãi Tư Chính từ đầu tháng 7-2019 đã làm bùng nổ căng thẳng giữa 2 nước tệ hại nhất trong vòng 5 năm qua.

P.H.P.