Thứ Hai ngày 23 tháng 12 năm 2024

Một tai nạn máy bay hy hữu ở Bali: máy bay mắc cạn


Đối với tất cả 101 hành khách và phi hành đoàn 7 người trên chiếc Boeing 737-800 Next Generation của hãng hàng không giá rẻ Lion Air (Indonesia), đây là một cú thất đảm linh hồn nhưng vô cùng hạnh phúc vì trở về từ cõi chết. Đối với mọi người khác, đây là một vụ tai nạn máy bay thiệt hy hữu, nhất là trước hình ảnh cả một chiếc máy bay to đùng nằm nửa chìm, nửa nổi mắc cạn trên biển.

Chiều thứ Bảy 13-4-2013, trong khi đang hạ cánh xuống đảo du lịch Bali nổi tiếng của Indonesia, chiếc máy bay đã trượt khỏi đường băng lao xuống biển và nứt làm hai. May là vùng biển cạn và máy bay không bốc cháy, Có 45 hành khách bị thương, nhưng không có ai bị nặng. Trên máy bay có 3 người nước ngoài: 2 Singapore và 1 Pháp.

Người phát ngôn của hãng Lion Air nói trong cuộc họp báo rằng: máy bay đã bay huốt khỏi đường băng khoảng 50 mét (164 feet) rồi lao xuống biển. Vào thời điểm xảy ra tai nạn, trời có nhiều mây. Chưa có kết quả điều tra nên không rõ vì sao máy bay lại không đáp trúng đường băng.

Tất nhiên là các hành khách hoảng loạn sau cú chấn động và sợ bị chìm. Một nữ hành khách tên Dewi kể vời hãng tin Mỹ AP: “Máy bay đang ở vị trí hạ cánh thì đột nhiên tôi nhìn thấy nó đang lao về phía biển rồi cuối cùng rơi xuống nước. Tôi bỏ lại mọi hành lý của mình và tới cửa thoát hiểm. Tôi đã ra khỏi máy bay nhảy xuống biển và bơi đi trước khi nhân viên cứu hộ nhảy xuống giúp tôi.” Dewi bị những vết thương trên đầu.

Đây là chiếc Boeing 737-800 Next Generation mà hãng Lion Air mới tiếp nhận hồi tháng trước. Máy bay xuất phát từ Bandung, tỉnh lỵ của tỉnh Tây Java, và đã đáp xuống 2 thành phố khác trước khi xảy ra tai nạn.

Lion Air ra đời năm 2000 và hiện nắm khoảng 50% thị phần hàng không ở Indobesia, đất nước Đông Nam Á với hơn 17.500 hòn đảo lớn nhỏ có 240 triệu dân. Theo website của Aviation Safety Network (Hệ thống An toàn Hàng không – ASN), từ năm 2002 tới nay, Lion Air đã xảy ra 6 tai nạn máy bay, trong đó có 4 vụ với máy bay Boeing 737 và có 1 vụ khiến 25 người chết. Hiện nay hãng này đang bị châu Âu cấm bay tới các nước ở châu lục này do ngành công nghiệp hàng không Indonesia bị đánh giá là không đạt chuẩn an toàn. Năm 2012, một tai nạn của máy bay Sukhoi Superjet-100 của Nga khi đang bay thử trình diễn ở Indonesia đã lao xuống một núi lửa giết chết toàn bộ 45 người trên khoang.

Indonesia là một trong những nước có thị trường hàng không tăng vọt nhất ở châu Á. Nhưng nước này gặp khó khăn trong việc hình thành đội ngũ phi công, thợ máy, và nhân viên kiểm soát không lưu có chất lượng tốt. Việc cập nhật công nghệ sân bay để an toàn hơn cũng có vấn đề.

Hồi tháng 3-2013, hãng Lion Air đã ký hợp đồng trị giá 24 tỷ USD để mua 234 máy bay Airbus, đơn đặt hàng lớn nhất xưa nay mà hãng chế tạo máy bay châu Âu này có được. Năm ngoái, hãng cũng cho hãng Boeing của Mỹ một đơn đặt hàng lớn nhất lịch sử khi đặt mua tới 230 máy bay. Các máy bay này sẽ được chuyển giao dần từ năm 2014 tới 2026.

Sẵn nhân có vụ tai nạn máy bay hy hữu mà không ai tử vong này, ta tám đôi chút về an toàn hàng không. Xưa nay người ta vẫn nói rằng hàng không là phương tiện vận chuyển an toàn nhất. Có nhiều cách để hiểu như vậy.

Theo từ điển bách khoa Wikipedia, nhận định đó dựa theo con số thống kê về số người chết bình quân trên mỗi tỷ kilomet hành trình. Hàng không thấp nhất, chỉ có 0,05 người; cao nhất là xe gắn máy 108,9 người. Xe hơi 3,1 và xe lửa 0,6 người. Điều dễ hiểu vì chẳng có phương tiện nào đi xa và đi nhiều như máy bay. Nhưng nếu dựa theo số người chết bình quân trên mỗi tỷ chuyến hành trình thì máy bay đứng thứ 3 với 117 người chết, so với xe đạp thứ nhì 170 người và xe gắn máy đầu bảng 170 người. Xe hơi xếp thứ 6 với 40 người, xe lửa thứ 8 với 20 người.

Thế nhưng, theo Arnold Barnett, giáo sư về khoa học thống kê của Đại học M.I.T. (Mỹ), hàng không hiện là phương tiện giao thông an toàn nhất so với kể từ khi có máy bay phản lực cách đây gần nửa thế kỷ (từ năm 1945). Trong 5 năm qua, nguy cơ tai nạn máy bay ở Mỹ là 1 trên mỗi 45 triệu chuyến bay. Có nghĩa là một người có thể bay hàng ngày trong suốt 123.000 năm mới có nguy cơ gặp tai nạn. Nếu có tôi ở đó, tôi sẽ thắc mắc: trên máy bay có hàng trăm người, tôi chưa tới số nhưng lỡ phi công hay ai đó tới số thì sao?

Trên toàn cầu, năm 2012 là năm an toàn nhất về hàng không kể từ năm 1945, theo ASN chỉ xảy ra 23 vụ tai nạn chết người làm 475 người chết (so với 42 vụ và 1.147 người chết trong năm 2000). 10 hãng hàng không an toàn nhất trong năm 2012 lần lượt là Finnair (Phần Lan), Air New Zealand, Cathay Pacific (Hong Kong), Emirates (Dubai, United Arab Emirates), Etihad (United Arab Emirates), EVA Air (Taiwan), TAP Portugal (Bồ Đào Nha),  Hainan Airlines (China), Virgin Australia, và British Airways (Anh).

Bạn cứ tùy nghi mà so sánh để quyết định có bay hay không nhé. Trong một năm 2012 có 23 vụ tai nạn máy bay có người chết. Nhưng mỗi năm trên thế giới có hàng chục triệu chuyến bay hàng không. Năm 2010 có 9,5 triệu chuyến bay trên bầu trời châu Âu. Bình quân mỗi ngày ở châu Âu có 26.000 chuyến bay (kỷ lục là ngày 26-6-2009 với 31.434 chuyến bay). Còn chỉ riêng nước Mỹ thôi, bình quân mỗi ngày có 87.000 chuyến bay.

Trong khi bạn ngồi tính toán thiệt hơn, tôi đi ra sân bay đây nhé! See you soon on the… sky!

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 14-4-2013)

Hình ảnh vụ tai nạn máy bay hy hữu ngày 13-4-2013 tại Bali.

 

VIDEO CLIPS: