Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Thêm những hình ảnh đau thương ở Bangladesh

Thảm kịch đổ sập tòa nhà 8 tầng Rana Plaza ở Savar, 30km (20 mile) bên ngoài thủ đô Dhaka (Bangladesh) xảy ra vào lúc 9 giờ sáng (giờ địa phương, tức 03:00 GMT) ngày 24-4-2013. Tòa nhà này là nơi đặt 5 xưởng may gia công hàng xuất khẩu cho các hệ thống bán lẻ quốc tế của Mỹ và châu Âu (như Tesco, Wal-Mart, JC Penney, Kohl’s, Carrefour, Sears,…), 1 trung tâm mua sắm và 1 ngân hàng.

Cho tới sáng 25-4-2013, con số thương vong vẫn chưa được công bố chính thức. Các hãng tin đưa ra những con số khác nhau theo những nguồn dẫn chứng của mình. Số người có mặt trong giờ làm việc từ 2.000 – 3.000 người. Các công ty New Wave Bottoms Limited, Phantom Apparels Ltd, Phantom Tack Ltd, Ethar Textile Ltd,… mỗi doanh nghiệp có xưởng may chiếm một tầng trong tòa nhà Rana Plaza.

Hãng tin Anh Reuters dẫn tin từ bộ phận thông tin người chết và mất tích cho biết có 96 người đã đưọc xác nhận là thiệt mạng và hơn 1.000 người bị thương.

Đài BBC Anh ở châu Á dẫn hai nguồn với 2 con số ít nhất 87 người chết và 127 người chết, hơn 1.000 người bị thương.

Trong khi hãng tin AFP (Pháp) dẫn lời A.B.M Masud Hossain, Phó cảnh sát trưởng hạt Dhaka, người chịu trách nhiệm nhận diện xác nạn nhân để trao cho người thân, cho biết có 127 người chết, hầu hết là nữ.

Hãng tin AP, dẫn lời Zahidur Rahman, người phát ngôn của bệnh viện trường cao đẳng y khoa Enam, cho biết hồi tối 24-4 rằng 87 người đã được xác nhận thiệt mạng. Chuẩn tướng Mohammed Siddiqul Alam Shikder nói đã cứu được 600 người từ đống đổ nát.

Với giá nhân công rẻ mạt, khoảng 37 – 38 USD/tháng (trên dưới 800.000 đồng), Bangladesh trở thành một nguồn gia công hàng may mặc hấp dẫn của các hệ thống bán lẻ nối tiếng nước ngoài. Nước Nam Á này hiện có ngành công nghiệp xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ 2 thế giới (sau Trung Quốc). Với tổng doanh số 20 tỷ USD, xuất khẩu hàng may mặc chiếm tới  80% trong tổng kim ngạch xuất khẩu 24 tỷ USD của Bangladesh.

Nhiều xưởng may nằm trong những ngôi nhà xây dựng trái phép có điều kiên an toàn lao động rất tồi tệ. Từ năm 2006 tới nay, tai nạn, cháy, sập,… đã làm chết hơn 300 công nhân may mặc. Hồi tháng 11-2012 có 2 vụ cháy xưởng may chết người đã xảy ra tại khu vực Dhakar. Trong đó nổi cộm là vụ cháy xưởng may thời trang Tazreen Fashions Factory gia công cho hai hệ thống bán lẻ nổi tiếng của Mỹ là Wal-Mart và Sears đã làm 112 người chết và ít nhất 200 người bị thương.

Theo Charles Kernaghan, Viện Nhân quyền và Lao động Toàn cầu (IGLHR), mặc dù biết rõ điều kiện hoạt động tệ hại của các hãng xưởng ở Bangladesh, nhưng các công ty nước ngoài đều muốn sản xuất và gia công ở đây vì tiền lương lao động chỉ có 14 cent/giờ so với ít nhất 1 USD/giờ ở Trung Quốc. Ngay cả quản đốc xưởng cũng chỉ có mức lương 24 cent/giờ. Công ty may gia công New Wave Bottoms Limited ở tầng 2 của tòa nhà Rana Plaza may gia công cho 27 đối tác chính ở nước ngoài từ Anh, Đan Mạch, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Ireland, Canada và Mỹ.

Có lẽ vì nhạy cảm, một số công ty nước ngoài từng là đối tác của những công ty gia công có xưởng nằm trong tòa nhà bị sập ngày 24-4 vội vã thông báo hiện nay họ không còn đặt hàng nữa. Hồi tháng 3-2013 Liên đoàn Lao động Mỹ và Đại hội các tổ chức công nghiệp (AFL-CIO) đã gửi cho Đại diện Thương mại Mỹ một thỉnh nguyện thư đề nghị rút tên Bangladesh ra khỏi danh sách các nước đang phát triển đủ tư cách đem lại lợi ích. Lý do là chính quyền Bangladesh tiếp tục thất bại trong việc bảo đảm các quyền của người lao động được quốc tế công nhận.

Có tin nói rằng ngày hôm trước, nhà chức trách đã khuyến cáo không nên cho phép công nhân vào làm việc trong tòa nhà Rana Plaza sau khi phát hiện có vết nứt nguy hiểm. Nhưng chủ nhân của tòa nhà khẳng định nó vẫn an toàn và nói các xưởng cứ tiếp tục làm việc. 8 giờ sáng các công nhân vào xưởng và khoảng một giờ sau thì thảm họa đã được báo trước xảy ra.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 25-4-2013)

+ PHOTO: Ảnh về thảm kịch sập nhà xưởng ở Bangladesh do các hãng tin nước ngoài phát hành trên Internet. Thanks.