Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Điện thoại 4G quốc dân – cơ hội cho người dùng và nhà mạng

Đại dịch COVID-19 suốt từ năm 2020 có làm chậm nhưng vẫn không thể ngăn cản được lộ trình công nghệ di động 5G bắt đầu được thương mại hóa rộng rãi trên toàn cầu sau 2 năm thử nghiệm và thí điểm. Tính tới tháng 8-2020, có gần 400 nhà mạng tại 129 nước và vùng lãnh thổ đã đầu tư vào di động 5G. Theo dự báo của Tập đoàn Ericsson (Thụy Điển), tới cuối năm 2025, Internet 5G sẽ bao phủ tới 65% thế giới. Cũng có nguồn dự báo đến năm 2025 thế giới sẽ có tới 1,8 tỷ kết nối 5G.

Sở dĩ nói tới 5G ở đây là vì khi thế giới chuyển sang công nghệ mạng 5G chính là cơ hội cho người dùng di động đại trà được tiếp cận với mạng 4G. Thậm chí, người ta có thể bỏ qua 3G mà nhảy thẳng lên 4G. Vì thực tế, với nhu cầu sử dụng di động thông thường, tốc độ 3G đã đủ và 4G thì cực kỳ tốt.

Việc phổ cập 4G đem lại nhiều lợi ích trong công cuộc chuyển đổi số khi mọi hoạt động đều có thể diễn ra trên nền Internet. Tốc độ 4G là đủ tốt cho các ứng dụng phổ cập, thậm chí cả dịch vụ khám chữa bệnh từ xa Telehealth.

Về mặt vĩ mô, việc phổ cập 4G chính là tiền đề để Việt Nam tiến tới tắt sóng 2G, dành tài nguyên băng tần cho 5G.

Hiện nay, mạng viễn thông Việt Nam đang cùng tồn tại đồng thời 3 công nghệ di động mặt đất là GSM (2G) triển khai từ năm 1990, IMT 2000 (3G) từ năm 2009 và LTE-A (4G) từ năm 2016. Tiếp theo sẽ là công nghệ 5G. Việc duy trì cùng một lúc quá nhiều công nghệ mạng di động riêng biệt như vậy không chỉ gây tốn kém cho doanh nghiệp khiến họ không thể tập trung nguồn lực để đầu tư nâng cao chất lượng và triển khai công nghệ mới, mà còn khiến cho tài nguyên tần số bị chia nhỏ và chiếm dụng.

Tại hội nghị tổng kết hoạt động năm 2019 hồi cuối tháng 12-2019, Bộ Thông tin – Truyền thông cho biết bộ đã trình Thủ tướng phương án tắt sóng 2G vào năm 2022. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh rằng tắt sóng 2G là thông điệp mạnh mẽ về việc muốn đi nhanh thì phải bỏ đi gánh nặng của quá khứ. Việc tắt sóng 2G và tiến hành chương trình hỗ trợ máy 4G cho người dân sẽ giúp đưa Việt Nam thành một trong số ít nước đạt 100% thiết bị là điện thoại thông minh, và sẵn sàng cho việc xây dựng công dân điện tử. Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 mà Thủ tướng đã phê duyệt cũng có mục tiêu là phổ cập mạng di động 4G/5G và điện thoại thông minh đến từng người dân Việt Nam. Đây được coi là cuộc cách mạng để thúc đẩy Chính phủ điện tử, kinh tế số, xã hội số…

(Nguồn: Internet. Thanks.)

Công nghệ 2G chỉ có thể cung cấp tác vụ gọi điện (hơn 1G ở chỗ tín hiệu được mã hóa kỹ thuật số cải thiện chất lượng cuộc gọi tốt hơn) và nhắn tin với tin nhắn văn bản, tin nhắn hình ảnh và MMS (tin nhắn đa phương tiện). Các thiết bị 2G (có nickname là “điện thoại cục gạch”) chỉ là điện thoại chức năng (feature phone) chứ không phải là điện thoại thông minh (smartphone). Và chỉ từ mạng 3G trở lên, nhờ công nghệ di động hỗ trợ dữ liệu, người dùng di động mới có thể truyền tải cả dữ liệu thoại và dữ liệu ngoài thoại (tải dữ liệu, gửi e-mail, tin nhắn nhanh, hình ảnh, âm thanh, video clip…); cũng như trải nghiệm các ứng dụng di động trên nền hệ điều hành như một chiếc máy tính di động.

Sở dĩ cho tới nay Việt Nam vẫn phải đeo đẳng 2G vì số người chỉ có nhu cầu sử dụng điện thoại để nghe gọi vẫn còn nhiều. Nhưng thực tế, hầu như tuyệt đại đa số người vẫn dùng 2G chủ yếu là vì cước phí và giá thiết bị 2G cực rẻ, phù hợp với quảng đại công chúng. Chứ nếu có điều kiện, có lẽ ai cũng sẵn sàng lên đời 3G, 4G.

Việc phổ cập 4G, cũng như 3G trước đây, cần phải giải quyết 2 yêu cầu cốt tử: giá cước và thiết bị người dùng.

Giá cước là chuyện của các nhà mạng tính toán sao cho có được các gói cước 4G phù hợp nhất. Dù sao, sau một số năm hoạt động (dài nhất có lẽ cũng 4 năm), cơ sở hạ tầng 4G cũng đã được khấu hao khá nhiều. Trong nền kinh tế thị trường không có chuyện cho không ai, nhưng chỉ cần nhà mạng tính toán để có mức lợi nhuận vừa phải là người dùng di động đã có lợi rồi.

Về thiết bị, trong khi phải lao vào cuộc chạy đua thiết bị 5G, các nhà sản xuất giờ đây có thể nới tay hơn cho thiết bị 4G. Công nghệ sản xuất thiết bị 4G giờ đã phổ cập và các linh kiện đã có giá thấp hơn nhiều.

Với năng lực hiện nay, Việt Nam có thể chủ động về thiết bị 4G. Hiện có những doanh nghiệp Việt Nam đã làm chủ công nghệ và sản xuất được smartphone như Vingroup, Bkav, VNPT Technology,… đặc biệt là Vingroup với thương hiệu Vsmart. Bên cạnh đó, nếu như Việt Nam có chủ trương cụ thể, các thương hiệu điện thoại nước ngoài cũng có thể tham gia. Mới đây nhất, ngày 16-11-2020, HMD Global đã ra mắt thị trường Việt Nam 3 mẫu điên thoại phổ thông 4G mới là Nokia 8000 4G, Nokia 6300 4G và Nokia 215 4G với giá từ 749.000 đồng.

(Nguồn: Internet. Thanks.)

Việc nhà mạng phối hợp với nhà sản xuất điện thoại để có những thiết bị 4G kèm gói cước giá rẻ là một giải pháp đúng đắn và khả thi. Ngay từ hồi tháng 2-2020, nhà mạng Viettel đã cho biết họ sẽ phối hợp cùng các nhà cung cấp Việt Nam phân phối loạt smartphone 4G giá dưới 1,5 triệu đồng/máy và điện thoại chức năng 4G có giá khoảng 400.000 đồng/máy. Và tình hình còn tốt hơn nữa khi ngày 12-11, Viettel cho biết sẽ hợp tác với VinSmart bán smartphone 4G Vsmart Bee Lite theo hình thức trợ giá chỉ còn 600.000 đồng (thay vì 1.490.000 đồng như giá bình thường). Hi vọng các nhà mạng khác như MobiFone, VinaPhone, Vietnamobile,…  cũng nhanh chóng có những giải pháp tương tự.

Trên tầm quản lý Nhà nước, việc phổ cập 4G cần phải có lộ trình và cả chính sách hỗ trợ. Nó cũng tương tự như khi tắt sóng truyền hình analog, Nhà nước phải hỗ trợ người dân chuyển sang truyền hình kỹ thuật số. Và đây là một nhiệm vụ có thể xã hội hóa giữa nhà nước và các doanh nghiệp (nhà mạng và nhà sản xuất thiết bị). Tất nhiên, các doanh nghiệp cũng sẽ có lợi khi người dùng di động chuyển sang các công nghệ tiên tiến hơn. Trong một buổi làm việc gần đây với Bộ TT-TT và các bộ ngành liên quan, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đề nghị phương án hỗ trợ và giảm giá smartphone 4G để phổ cập cho người dân. Phương án này có sự tham gia của các nhà mạng, doanh nghiệp sản xuất điện thoại, doanh nghiệp phát triển ứng dụng di động Việt Nam.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

Phiên bản bài này in trên báo Người Lao Động Chủ nhật 22-11-2020 và trên báo NLĐ Online.