Thứ Hai ngày 30 tháng 12 năm 2024

Hai cuốn sách về công nghệ của bạn tôi Thẩm Hồng Thụy

Sáng ngày 20 Tết Nhâm Dần (22-1-2022), A Phủ nhận được 2 cuốn sách mới xuất bản của anh bạn đồng nghiệp lâu năm Thẩm Hồng Thụy – một nhà báo viết về công nghệ kỳ cựu của báo Lao Động. Với bất cứ người viết báo nào, xuất bản được một cuốn sách tập hợp những bài báo ưng ý của mình luôn là một hạnh phúc nghề nghiệp. Bạn tôi Dual-book nên Dual, Double niềm vui.

Hai cuốn sách đó là “Kẻ hủy diệt trong Thế giới phẳng” và “Kỳ lân công nghệ – giấc mơ, hiện thực và sự tan biến”. Cả 2 cuốn sách đều có 332 trang ruột và do nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM ấn hành.          

Thẩm Hồng Thụy không phải là một chuyên gia công nghệ mà là một nhà báo viết về công nghệ, chính xác hơn là viết về mảng công nghệ. Vì thế, anh nhìn dòng chảy thời sự công nghệ với ánh mắt và tâm thế của một nhà báo. Nhờ đó, anh có thể thấy được những “linh kiện”, những “tính năng” mà những chuyên gia công nghệ không thể thấy được, để rồi chuyển hóa chúng thành nguồn database thông tin cho bạn đọc nói chung – dù có yêu thích công nghệ hay chì là bạn đọc bình thường. Và cũng nhờ có cái nhìn đó, anh đã giúp cho các nhà công nghệ hiểu được sản phẩm của mình đi vào đời thường ra sao.

A Phủ đã rất hân hạnh được bạn mình tin tưởng giao cho viết lời giới thiệu cho cả 2 cuốn sách này. Và A Phủ xin phép chép lại ở đây phục vụ các bạn.

Như một người ghi chép và review dòng chảy công nghệ…

Đây là tuyển tập các bài báo về công nghệ của một cây bút chuyên về công nghệ. Nhưng chúng không phải những bài báo công nghệ mang tính học thuật, chuyên môn mà là viết về thời sự công nghệ, về công nghệ giữa dòng đời.

Vì là những bài báo, chúng có tính thời sự và chỉ có giá trị trong một thời điểm nhất định. Sau đó, chúng là những tư liệu. Nhưng những bài viết ở đây, hầu hết mang tính trà dư tửu hậu, mạn đàm, mượn một thông tin thời sự này để liên hệ và bàn rộng ra tới vấn đề khác, thậm chí tới cả tầm mức vấn nạn. Chúng có sức hấp dẫn phi thời gian khi tác giả đã đưa vào nguồn tư liệu phong phú, liên kết chuyện trong nước với thế giới chung quanh, và những suy nghĩ, kể cả thái độ và chính kiến của mình. Nói cách nào đó, các bài báo này là những vấn đề công nghệ mang tính thời sự được nhìn dưới “lăng kính Thẩm Hồng Thụy”.

Sở dĩ nói “lăng kính Thẩm Hồng Thụy” bởi anh là một nhà báo công nghệ đã định hình được phong cách của mình, được anh em trong giới nhìn nhận là một cây bút có số má, có thương hiệu. Thế mạnh của tác giả là có được một hiểu biết nhất định “đủ để xài” về công nghệ trên nền tảng của một kiến thức rộng khắp với sự nhạy bén và nhạy cảm của mình. Anh có một cái nhìn riêng và không lẫn vào đâu. Và bao trùm lên tất cả, anh luôn đứng về phía bạn đọc của mình nói chung và người tiêu dùng công nghệ nói riêng. Nói cách nào đó, với Thẩm Hồng Thụy, qua các bài viết này, trải nghiệm và quyền lợi của người dùng là ưu tiên số 1.

Sức hấp dẫn để đọc của những bài viết về công nghệ của Thẩm Hồng Thụy là sự đan xen, hòa quyện giữa chuyện đời thường và chuyện công nghệ. Như chuyện kỳ án về “hợp đồng tình ái” của một cô hoa hậu được dùng để so sánh với vụ người dùng di động ở Việt Nam bị một công ty kinh doanh dịch vụ di động Hồng Kông “trấn lột” hàng trăm tỷ đồng trong cái mối liên minh đầy dích dắc với nhà mạng, nhà cung cấp nội dung xứ Việt. Như kỳ án “con ruồi Number 1” được dùng để lẩy về những game di động của người Việt có thể hốt bạc toàn cầu.

Những comment của bạn đọc bên dưới từng bài cho thấy tính tương tác và sự đồng cảm giữa tác giả và người đọc của mình. Đọc qua những phản hồi này, ta ắt thấy người đọc đã nhận ra trong những bài viết tác giả đã thay lời muốn nói giùm mình. Đó chính là một hạnh phúc của người cầm bút – à quên – gõ bàn phím thời 4.0.

Như đã nói ở trên, đây là những bài báo công nghệ mang tính thời sự. Vì thế, khi sắp xếp vào trong một tuyển tập, chúng như một loại biên niên sử về đời sống công nghệ trong nước và trên thế giới, sẽ giúp cho người đọc trở về với dòng công nghệ mà mình từng đi qua hay muốn tìm hiểu. Chúng là những tư liệu giúp người đọc nhớ lại vào thời điểm đó từng xảy ra những sự việc như vậy. Có những cái hiện thời là kết quả từ những hạt nhân trong quá khứ được Thẩm Hồng Thụy ghi chép lại.

Có lẽ đọc những bài viết về công nghệ, cho dù là công nghệ giữa đời thường và đời thường chung quanh công nghệ, không phải chuyện dễ. Công nghệ bản chất vốn khô khan và không biết liếc mắt đưa tình với ai hết. Nhưng chẳng hề chi, bạn cứ việc thong thả mà đọc những bài viết này. Bạn có thể chọn chủ đề nào mà mình quan tâm hay lật giở mà tìm đọc những bài mà mình quan tâm. Có lẽ nên chia sẻ với bạn rằng, bài nào được chọn trong tuyền tập này cũng đều có những cái thần sắc của nó. Ít ra thì sau khi đọc tới cái dấu chấm hết của một bài, bạn cũng đã nạp cho mình một ít kiến thức chẳng bổ bề dọc cũng bổ bề ngang và làm vốn liếng để dành. Câu chuyện, vấn đề của bài viết có thể không còn tính thời sự mà là tính lịch sử, nhưng các kiến thức mà tác giả truyền tải trong từng bài có giá trị phi thời gian.

Tôi không chỉ viết về công nghệ mà còn là một nhà báo viết về các vấn đề quốc tế, thậm chí có độ dài thời gian còn gấp đôi viết về công nghệ. Vì thế chuyện lùng sục và tra cứu tài liệu trên Internet và báo chí quốc tế là “nghề của chàng”. Và tôi đã phải phục lăn ra về khả năng tìm tòi và thu thập, chọn lọc tài liệu trong và ngoài nước của tác giả Thẩm Hồng Thụy. Bạn không võ đoán, cho dù không thể tránh khỏi những lúc có chủ quan, cảm tính – nhưng ơn giời, đó không phải là những hạt sạn mà là những hột tiêu rắc vào cho nó thêm hương vị.

Không phải chỉ có những người đọc bình thường hay yêu công nghệ, quan tâm tới công nghệ mới thấy thích thú khi đọc những bài viết của tác giả Thẩm Hồng Thụy được tuyển chọn in thành sách như thế này. Ngay cả các nhà kinh doanh, các doanh nghiệp công nghệ cũng có thể tìm thấy ở đây những bài học kinh nghiệm, những case study cụ thể và bổ ích cho công việc của mình.

Tôi chia sẻ với Thẩm Hồng Thụy rằng: “Với bề dày những gì bạn đã viết, tôi có thể gọi bạn là một người ghi chép công nghệ.” Tôi không gọi Thẩm Hồng Thụy là một “người chép sử công nghệ” vì sử gia chỉ có thể ghi nhận lại những gì đã xảy ra một cách khách quan mà không được đưa cái tôi của mình vào. Còn Thẩm Hồng Thụy ghi chép thời sự công nghệ với cái nhìn và cảm xúc riêng của mình. Anh xông vào một sự kiện công nghệ đang hot để thấu hiểu nó từ bên trong rồi thoát ra đứng nhìn nó từ bên ngoài 360 độ rồi ngồi trước bàn phím gõ những dòng nhận định về nó từ cái nhìn rất riêng của mình.

PHẠM HỒNG PHƯỚC