Thứ Hai ngày 25 tháng 11 năm 2024

Định danh và xác thực điện tử đã quy về một đầu mối

Ngày 20-10-2022 là một cột mốc quan trọng trên hành trình của công dân số ở Việt Nam. Đó là ngày bắt đầu có hiệu lực thi hành của Nghị định số 59/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử ban hành ngày 5-9-2022.

Có 2 điều nổi bật:

Một là, kể từ nay, loại hình căn cước công dân (CCCD) điện tử chính thức được bắt đầu sử dụng song hành với phiên bản “cứng” là thẻ căn cước công dân gắn chíp. Trong đó, loại hình CCCD điện tử sẽ có ưu thế trong việc thực hiện các giao dịch và dịch vụ, thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và Internet.

Hai là, việc định danh điện tử và xác thực điện tử chính thức được tập trung về một đầu mối, bao gồm cả việc cấp phát, quản lý và vận hành, là Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) và hoạt động thông qua một ứng dụng duy nhất (thậm chí có thể gọi là siêu ứng dụng) là ứng dụng định danh điện tử quốc gia VNeID cũng của Bộ Công an. Điều 40 Chương 6 của Nghị định 59/2022 quy định: Tài khoản do Cổng Dịch vụ Công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh được sử dụng để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công trên môi trường điện tử đến ngày 1-7-2024.

Ứng dụng VNeID của Bộ Công an giờ chính thức là ứng dụng duy nhất để quản lý định danh điện tử. (Ảnh: Internet. Thanks.).

Ngoài ra, sự liên thông và tập trung đã được thực hiện khi khoản 1 Điều 7 Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 8-4-2020 về thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công trên môi trường điện tử đã được bổ sung và sửa đổi như sau: Tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ Công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh thông qua tài khoản định danh điện tử do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập được kết nối, tích hợp trên Cổng Dịch vụ Công quốc gia.

Hồi trung tuần tháng 10-2022, thông qua tài khoản Zalo của khu phố, người dân tại Quận 5 (TP.HCM) đã nhận được từ Công an Quận hướng dẫn chi tiết và trực quan về cách sử dụng thông tin công dân thay cho sổ hộ khẩu giấy (sẽ hết giá trị sử dụng từ ngày 1-1-2023). Có 7 cách để công dân tùy nghi sử dụng cho phù hợp với thực tế của mình, như: sử dụng thẻ CCCD gắn chíp; sử dụng thiết bị đọc mã QR in trên CCCD gắn chíp; tra cứu, khai thác thông tin cá nhân trực tuyến trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; sử dụng ứng dụng VNeID,…

Theo Nghị định 59/2022, từ ngày 20-10-2022, mỗi cá nhân hay tổ chức đều có danh tính điện tử. Đây là thông tin của một cá nhân hoặc một tổ chức trong hệ thống định danh và xác thực điện tử cho phép xác định duy nhất cá nhân hoặc tổ chức đó trên môi trường điện tử.

  • Danh tính điện tử cá nhân công dân Việt Nam bao gồm các thông tin cá nhân: số định danh; họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính và thông tin sinh trắc học (ảnh chân dung, vân tay).
  • Danh tính điện tử người nước ngoài gồm: số định danh của người nước ngoài; họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch; số, ký hiệu, ngày, tháng, năm, loại giấy tờ và nơi cấp hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế, thông tin sinh trắc học.
  • Danh tính điện tử của tổ chức gồm: mã định danh điện tử của tổ chức; tên tổ chức gồm viết tắt và tên tiếng nước ngoài; ngày, tháng, năm thành lập; địa chỉ trụ sở chính; họ và tên người đại diện theo pháp luật hoặc người đứng đầu tổ chức.

Mỗi danh tính điện tử được đăng ký một tài khoản định danh điện tử. Tài khoản này là tập hợp tên đăng nhập, mật khẩu hoặc hình thức xác thực khác được tạo lập bởi cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử (Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội).

Điều 11 của Nghị định 59/2022 quy định công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên; người nước ngoài từ đủ 14 tuổi trở lên nhập cảnh vào Việt Nam; cơ quan, tổ chức được thành lập hoặc đăng ký hoạt động tại Việt Nam, đều được cấp tài khoản định danh điện tử. Công dân Việt Nam, người nước ngoài đã nhập cảnh nhưng chưa đủ 14 tuổi thì được đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của cha, mẹ hoặc người giám hộ.

Ứng dụng VNeID tích hợp nhiều loại giấy tờ của công dân. (Ảnh: Cổng TTĐT Bộ Công an).

Theo Bộ Công an, CCCD điện tử có tính bảo mật cao, tích hợp nhiều thông tin của công dân, nên có thể xuất trình thông qua ứng dụng VNeID thay thế nhiều loại giấy tờ để thực hiện các thủ tục. Cụ thể, CCCD điện tử tích hợp giấy phép lái xe, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, giấy tờ thuế, trình độ học vấn, quá trình công tác, giấy tờ hộ khẩu, người phụ thuộc, hộ chiếu,… Đặc biệt, người nước ngoài đang ở Việt Nam cũng có thể đăng ký và dùng định danh điện tử của Việt Nam qua ứng dụng VNeID để xuất trình thay thế hộ chiếu hoặc giấy tờ đi lại quốc tế.

CCCD điện tử có 2 mức độ. Ở mức độ 1 (đăng ký online trên ứng dụng VNeID), công dân có thể sử dụng một số tính năng cơ bản của CCCD điện tử như phòng, chống dịch (khai báo y tế, thông tin tiêm chủng…) và giải quyết dịch vụ công trực tuyến như thông báo lưu trú, đăng ký thường trú, tạm trú, khai báo tạm vắng…

Còn với mức độ 2 (thực hiện trực tiếp tại cơ quan công an, nơi cấp CCCD), công dân có thể sử dụng tất cả các chức năng tiện ích mà ứng dụng VNeID cung cấp như đăng ký tích hợp hiển thị các loại giấy tờ (giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế…); thực hiện các giao dịch tài chính như thanh toán hóa đơn điện, nước, đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, chuyển tiền…

Bộ Công an cũng lưu ý: trong quá trình sử dụng, chủ CCCD điện tử phải bảo mật tài khoản định danh điện tử của mình, không cung cấp mật khẩu cho người khác. Nếu mất kiểm soát tài khoản định danh của mình hoặc phát hiện có người sử dụng trái phép danh tính điện tử của mình thì cần báo ngay cho công an theo số điện thoại 1900 0368 để được hỗ trợ.

Tất nhiên, để loại hình CCCD điện tử đi vào sử dụng thật sự và đem lại nhiều lợi ích cho cả công dân lẫn các cơ quan, tổ chức, đặc biệt là các cơ quan có chức năng quản lý và cung cấp dịch vụ (bao gồm cả dịch vụ hành chính công), các địa phương sẽ phải tăng tốc sớm hoàn thành việc cấp CCCD gắn chíp và định danh điện tử cho công dân trên địa bàn của mình. Với CCCD điện tử đã bao gồm các thông tin nhân thân, kể cả thông tin hộ khẩu và nhiều loại giấy tờ khác, từ nay người dân sẽ thuận tiện và dễ dàng hơn trong việc thực hiện các thủ tục hành chính công và tiến hành các giao dịch nhân sự. Cái lợi trước mắt là các cơ quan tiếp nhận không tốn thời gian xác minh và người dân đi đâu cũng chỉ cần mang theo thiết bị di động có chứa ứng dụng CCCD điện tử chứ không còn phải cặp theo hàng xấp giấy tờ nữa.

Nhiều người mà chúng tôi tiếp xúc tỏ ra băn khoăn về cách thức cài đặt ứng dụng VNeID và cách đăng ký định danh điện tử. Họ than rằng các quy trình và thao tác còn nhiều rối rắm, nhiêu khê, khó hiểu, tốn nhiều công sức. Vì thế, ngay từ bây giờ, các cơ quan chức năng phải có những biện pháp để hỗ trợ người dân thực hiện các thao tác này.

Và cũng tất nhiên, người dân mong rằng các cơ quan công an sẽ đi đầu trong việc ứng dụng định danh và xác thực điện tử của công dân; tiếp đó là các cơ quan nhà nước. Chắc chắn không tránh khỏi những sự cố, bất cập ban đầu; chỉ cần phát hiện cái gì là khắc phục tức khắc để không làm ảnh hưởng tới cả bộ máy đang tăng tốc vào thời số hóa.

Bản in trên báo Người Lao Động thứ Bảy 22-10-2022 và trên báo NLĐ Online.

Tham khảo:

ANH PHÚC