Thứ Bảy ngày 23 tháng 11 năm 2024

Chuyển đổi số ở đâu?

Cho đến tận tháng cuối cùng của năm 2022, khi đến khám bệnh lần đầu tiên hay bị mất sổ, hết sổ, tại nhiều bệnh viện lớn ngay tại TP.HCM, người bệnh vẫn còn phải trả khoảng 5.000 đồng để mua một cuốn sổ khám bệnh. Mỗi bệnh viện đều có sổ khám bệnh riêng, nên người mang nhiều bệnh có cả “bộ sưu tập” sổ khám bệnh.

(Nguồn ảnh: Internet. Thanks.)

Ngay trong thời cao điểm dịch COVID-19, Bộ Y tế đã có ứng dụng di động Sổ Sức khỏe Điện tử mà theo lẽ được sử dụng chung trong toàn bộ hệ thống y tế cả nước. Mà nếu chưa áp dụng sổ khám bệnh dùng chung thì ít ra mỗi bệnh viện nên có một sổ khám bệnh điện tử cho người bệnh.

Mỗi khi đến bệnh viện khám bệnh, người bệnh phải lấy số thứ tự, chờ bộ phận tiếp nhận gọi “tới số” để nộp sổ khám bệnh, thẻ bảo hiểm và căn cước công dân rồi khai muốn khám cái gì để được cho số phòng khám. Phải chi mỗi bệnh nhân ngay lần đầu đã được cấp một số bệnh nhân, hay số ID, để bệnh viện quản lý, sau này chỉ cần cung cấp số ID đó là xong.

Trong khi đó, có những cơ sở y tế, nhiều nhất là các cơ sở tư, người bệnh chỉ cần đọc số điện thoại hay số CCCD là tức khắc có đủ hồ sơ bệnh sử. Thậm chí không cần tới nơi lấy số mà ở nhà gọi điện thoại hay dùng ứng dụng di động là có thể đặt hẹn khám theo giờ giấc mình mong muốn.

Kế thừa quá trình tin học hóa, số hóa, công cuộc chuyển đổi số rõ ràng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả cơ sở khám chữa bệnh lẫn người bệnh.

Có những bệnh viện giúp người bệnh sau khi làm các xét nghiệm không cần phải chầu chực chờ lấy kết quả như trước mà tất cả kết quả đã được chuyển qua mạng tới tận bác sĩ chỉ định, thậm chí gửi cả một bản điện tử cho người bệnh biết và lưu giữ.

Có những bệnh viện, người bệnh được cấp thuốc bảo hiểm y tế không cần phải nộp toa thuốc giấy cho nhà thuốc nữa. Toa thuốc đã từ nơi khám bệnh chuyển qua mạng tới nhà thuốc để nơi đó chuẩn bị sẵn mà người bệnh chỉ việc chờ gọi tên và ký nhận thuốc.

Không thể đổ thừa là chính phủ không quan tâm tới chuyện chuyển đổi số trong ngành y tế. Chỉ đơn cử gần đây thôi, Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được ký ban hành ngày 3-6-2022 đã xác định ngành y tế/chăm sóc sức khỏe là một trong những ngành được ưu tiên chuyển đổi số hàng đầu. Sau đó, ngày 22-12-2020, Bộ trưởng Y tế đã có Quyết định 5316/QĐ-BYT “Phê duyệt chương trình chuyển đổi số y tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó nêu rõ việc chú trọng triển khai các sáng kiến để cung cấp một trải nghiệm mới hoàn toàn khác trong lĩnh vực y tế, thông qua đó mang lại giá trị cho người dân, doanh nghiệp và xã hội. 

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, để hỗ trợ cho việc chuyển đổi số, từ năm 2017 đến nay Bộ Y tế đã và đang từng bước xây dựng và hình thành hành lang pháp lý làm cơ sở cho việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế. Bộ Y tế cũng đang từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho việc lưu trữ, quản lý, khai thác dữ liệu tập trung, bảo đảm cho hệ thống dịch vụ công trực tuyến, thống kê y tế điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử,… Cụ thể, 100% thủ tục hành chính của Bộ Y tế đã được cung cấp trực tuyến mức độ 4 – mức cao nhất. Bộ Y tế cũng đã công khai ngân hàng dữ liệu ngành dược, thúc đẩy số hóa ngành dược để phục vụ quản lý được tốt hơn. 

Vậy thì tiến trình chuyển đổi số của ngàny y tế thực tế đang bị ngắc ngứ ở đâu mà cho tới nay, người bệnh vẫn chưa thật sự được phục vụ và hưởng lợi mà vẫn còn phải khổ cực như xưa?

Bản in trên báo Người Lao Động thứ Bảy 3-12-2022 và trên báo NLĐ Online.

ANH PHÚC