Thứ Ba ngày 26 tháng 11 năm 2024

Hận thù giữa các phái Hồi giáo làm cả Trung Đông bất ổn

 

Xưa nay người ta vẫn biết tới mối hận thù truyền kiếp giữa 2 phái của Hồi giáo là Sunni và Shiite. Những vụ bạo lực khủng bố đẫm máu ăn miếng trả miếng giữa hai phái này liên tục xảy ra từ Iraq cho tới Pakistan.

Với 1,8 tỷ tín đồ, Hồi giáo chiếm khoảng 26% số dân toàn thế giới. Phái Sunni chiếm đa số áp đảo, từ 75-90% số dân Hồi giáo toàn cầu. Sau khi nhà tiên tri Muhammad qua đời vào năm 632, hai phái Sunni và Shiite xung khắc nhau vì mỗi phái suy tôn một nhân vật kế vị khác nhau. Tuy vẫn dựa trên nền tảng kinh Koran, nhưng mỗi phái có cách hiểu và diễn dịch khác nhau. Trải theo thời gian, hai phái ngày càng cách biệt nhau, từ nghi thức hành đạo tới tập tục. Sự bất đồng gay gắt tới mức hận thù nhau. Sunni bị gọi là những kẻ áp bức, cố chấp, quá khích. Shiite bị coi là những kẻ phá hoại đói khát quyền lực, xảo quyệt.

Giới quan sát quốc tế cho rằng sự xung đột giữa hai phái Hồi giáo hiện đang nóng bỏng hơn vì sự bất đồng của thế giới Hồi giáo đối với cuộc nội chiến ở Syria đã sang năm thứ 3 với gần 93.000 người chết. Điều nguy hiểm là sự xung đột Sunni – Shiite đang có chiều hướng lan rộng ở Trung Đông, làm bất ổn thêm cho khu vực vốn nhạy cảm này. Các giáo sĩ và các nhà chính trị bảo thủ ở đây đã đổ thêm dầu vào lửa, mô tả cuộc xung đột này là cuộc chiến sinh tồn của phái mình.  

Ngày 23-6, trong một vụ xô xát giáo phái ít xảy ra ở Ai Cập, 4 người Shiite ở một ngôi làng gần Cairo đã bị những người Sunni giết chết. Ai Cập có 90% số dân theo Hồi giáo, tuyệt đại đa số là phái Sunni. Người Shiite hầu như không được biết tới ở đây, vậy mà bây giờ lại bị lôi vào làn sóng hận thù giáo phái.

Cuộc nội chiến Syria hiện nay còn được coi là một cuộc chiến giáo phái, giữa chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad thuộc phái Shiite với lực lượng nổi dậy thuộc phái Sunni.

130625-syria-car=bomb

Một vụ đánh bom xe hơi bên ngoài thánh đường Hồi giáo Sayyida Zeinab ở ngoại ô Damascus (Syria) bị cho rằng có động cơ hận thù giáo phái.

Nếu như cuộc nội chiến Syria hiện nay làm trầm trọng thêm mối hận thù giữa hai phái Hồi giáo, cuộc chiến tranh ở Iraq đã đóng vai trò lớn làm bùng nổ xung đột bạo lực giữa hai phái Sunni và Shiite. Sau khi Mỹ đưa quân vào Iraq đánh đổ chế độ Saddam Hussein vào năm 2003, cộng đồng người Shiite chiếm đa số nhưng bị áp bức suốt bao nhiêu năm qua đã coi đây là thời cơ để nổi lên nắm quyền. Người Sunni chống lại. Vô số những vụ báo thù giữa hai phái đã nối tiếp nhau xảy ra cho tới năm 2008 mới dịu lại.

Iran, một nước mạnh và có nhiều tham vọng trong khu vực, lâu nay bị coi là một nhân tố quan trọng trong sự xung đột giữa hai phái Hồi giáo ở các nước láng giềng. Có tới 98% số dân Iran theo Hồi giáo và trong đó có tới 89% thuộc phái Shiite. Phương Tây vẫn tố cáo giới lãnh đạo Iran – vốn thuộc phái Shiite đang tác động tới các nhà cầm quyền ở Iraq và Syria vốn đang do phái Shiite chiếm lĩnh. Iran cũng đang mở rộng ảnh hưởng trong khu vực thông qua các liên minh với Hezbollah ở Lebanon và phong trào Hamas ở các vùng lãnh thổ của Palestine.

Một nhân tố nước ngoài khác cũng đang tác động vào cuộc nội chiến ở Syria là phong trào Hồi giáo vũ trang Hezbollah thuộc phái Shiite ở Lebanon. Tổ chức mà Mỹ xếp vào danh sách phiến quân khủng bố này luôn đứng đằng sau Tổng thống Assad của Syria. Có tin nói rằng Hezbollah đã gửi những chiến binh của mình qua Syria.

Ở Lebanon, cuộc nội chiến năm 1975-1990 là cuộc xung đột chính giữa những người Thiên chúa giáo và Hồi giáo. Còn trong thập niên qua, mối chia rẽ nguy hiểm nhất lại là giữa hai phái Shiite và Sunni. Phái Shiite chiếm khoảng 1 phần 3 số dân Lebanon là tầng lớp nghèo khổ nhất, và họ đã hình thành phong trào du kích Hezbollah để bảo vệ mình và mưu cầu giành thêm quyền lực. Bây giờ, người Sunni ở đây ngày càng phẫn nộ trước việc lực lượng  Hezbollah đang chiếm lĩnh chính trị trong chính quyền. Vụ ám sát Thủ tướng Rafik Hariri, người Sunni, hồi năm 2005 bị quy trách nhiệm cho Hezbollah như giọt nước tràn ly, bắt đầu nổ ra những cuộc xung đột bạo lực giữa hai phái trên đường phố.

Cuộc nội chiến ở tận Syria đã làm trầm trọng thêm sự chia rẽ giáo phái ở Lebanon. Trong khi người Shiite ủng hộ chế độ của Tổng thống Assad, phần lớn người Sunni lại đứng về phe nổi dậy.

Hầu như tất cả người Hồi giáo Palestine thuộc phái Sunni. Mối liên hệ chính của họ với thế giới người Shiite là thông qua liên minh giữa cánh vũ trang Hamas với Iran. Phong trào Hamas hiện đang kiểm soát Dải Gaza chống lại Nhà nước Palestine đang cai quản phần Bờ Tây.

130625-iraq-sunni-shiite-join-prayers

Một cuộc cầu nguyện chung của hai phái Hồi giáo Shiite và Sunni ở thủ đô Baghdad (Iraq) ngày 7-6-2013.

Điều hy vọng là ngày càng có thêm nhiều người Hồi giáo nhìn vấn đề khác đi. Ismail al-Hamami, một người tị nạn Palestine 67 tuổi thuộc phái Sunni ở Gaza, nói rằng: “14 thế kỷ sau sái chết của Đấng Tiên tri, trong một khu vực đầy dẫy sự hủy diệt, giết chóc, xâm chiếm, ngu dốt và bệnh tật, người ta lại đi nói về những người Sunni và Shiite sao? Tất cả chúng tôi đều là những tín đồ Hồi giáo.”

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 25-6-2013)