Nông sản bền vững – chìa khóa mở cửa thị trường quốc tế
Mỗi năm, hoạt động xuất khẩu nông, lâm và thủy sản đem về cho Việt Nam hàng chục tỷ USD. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN), trong tám tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 33,21 tỷ USD. Tuy nhiên, do giá trị xuất khẩu của nhiều mặt hàng chính bị giảm, nên tổng kim ngạch xuất khẩu này đã giảm 9,5% so với cùng kỳ năm trước.
Giá cả chung của thị trường khi tăng, lúc giảm là “chuyện thường ngày ở huyện”. Nhưng vấn đề đáng lo nhất lại nằm ở chỗ giá trị hàng xuất khẩu bị giảm và cơ hội xuất khẩu ngày càng thêm khó khăn do nông lâm thủy sản Việt phải đối mặt với những tiêu chuẩn mới khắt khe hơn của nhiều nước nhập khẩu, đặc biệt là những nước công nghiệp phát triển, như Mỹ, Nhật Bản, Liên minh Châu Âu (EU). Nổi bật là những tiêu chuẩn về tính bền vững và bảo vệ môi trường.
Tại Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam năm 2023 với chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu xanh” do Bộ Công Thương phối hợp với các dự án do Chính phủ Thụy Sĩ hỗ trợ tổ chức ở Hà Nội ngày 24-11-2023, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải lưu ý: “Để không bị loại khỏi cuộc chơi bởi các tiêu chuẩn cao về môi trường và xã hội do các thị trường nhập khẩu đặt ra, các nước xuất khẩu cần thay đổi tư duy, quan tâm tới ‘tính xanh’ của chuỗi cung ứng, trong thương mại quốc tế để đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật khắt khe của thị trường.”
Trong một hội nghị chuyên đề về trung tâm dữ liệu và hạ tầng đám mây tổ chức tại TP.HCM hồi hạ tuần tháng 6-2023, đại diện Viettel IDC, đơn vị tổ chức, cũng nhấn mạnh: “Thông điệp của ngày hôm nay là dùng công nghệ để giải quyết bài toán phát triển bền vững của doanh nghiệp. ESG sẽ là yếu tố thay đổi hoàn toàn cuộc chơi của doanh nghiệp thông qua việc vận hành doanh nghiệp theo phương thức sạch hơn, minh bạch hơn và bảo vệ môi trường nhiều hơn dựa trên nguyên tắc và tiêu chuẩn rõ ràng”. (ESG – Environmental, Social, Governance – là bộ tiêu chuẩn đo lường định hướng, hoạt động của một doanh nghiệp ở các phương diện: môi trường, xã hội và quản trị, nhằm duy trì và bảo đảm trạng thái phát triển bền vững trong dài hạn cho tổ chức và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng). Viettel IDC đã trở thành một trong những doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam tiếp cận được với khoản vay “xanh” từ Ngân hàng HSBC nhờ ESG, khi công ty có được một chiến lược ESG bài bản với những hành động, lộ trình và cam kết rõ ràng, có sức thuyết phục cao. Hiện nay, mỗi năm HSBC dành ra khoảng 2 tỷ USD gọi là “vốn xanh” để giúp các doanh nghiệp Châu Á – Thái Bình Dương (APAC) triển khai các kế hoạch phát triển bền vững, dự án xanh và bảo vệ môi trường.
Ông Hoàng Văn Ngọc, CEO Viettel IDC, cho biết, chính nhờ phương châm kim chỉ nam xuyên suốt và bao trùm: “Làm công nghệ bằng trái tim” (Technology with heart) mà Viettel đã đạt được nhiều kết quả về ESG được quốc tế nhìn nhận. Hiện nay giá trị thương hiệu của Viettel trên thị trường thế giới được định giá khoảng 9 tỷ USD, trong đó có tới 1 tỷ USD (tức hơn 11%) là giá trị của ESG.
Các doanh nghiệp, dù thuộc ngành nghề gì, một khi tham gia xuất khẩu, đều phải có ý thức xây dựng doanh nghiệp và sản phẩm của mình theo bộ tiêu chuẩn ESG. Ông Nguyễn Cao Trí, Phó Tổng Giám đốc – Kênh Phân phối – Schneider Electric Việt Nam và Campuchia, cho biết: “Tính bền vững là một trong những xu hướng tiêu dùng nổi bật trong năm 2023.”
Gạo vẫn là một trong những nông sản xuất khẩu chủ chốt của Việt Nam. (Ảnh: Báo Chính phủ/Internet. Thanks.)
EU lâu nay là một thị trường xuất khẩu quan trọng cho nông lâm thủy sản của Việt Nam. Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Châu Âu (Eurostat), Việt Nam là thị trường cung cấp hàng rau quả lớn thứ 59 cho EU trong 11 tháng của năm 2022, đạt 74.000 tấn, trị giá 215 triệu USD. Nếu tính nguyên năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam sang EU đạt khoảng 235 triệu USD.
Riêng với mặt hàng cà phê của Việt Nam, EU hiện là thị trường tiêu thụ lớn nhất, với thị phần khoảng trên 40% khối lượng xuất khẩu. Trong năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu qua thị trường EU 689.049 tấn cà phê, trị giá gần 1,5 tỷ USD, tăng 25,8% về sản lượng và tăng 45,4% về trị giá so với năm 2021.
Hàng nông lâm thủy sản Việt Nam xuất khẩu qua Châu Âu chịu chi phối bởi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) được thực thi từ ngày 1-8-2020. Bộ Công Thương đánh giá rằng EVFTA đã tạo đà cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có nông lâm thủy sản. Đặc biệt, Hiệp định EVFTA giúp rau quả Việt Nam được thoát đến 94% các dòng thuế khi nhập khẩu vào EU, tạo lợi thế cạnh tranh lớn về giá cả. Tất nhiên, đổi lại, các nhà sản xuất nông, lâm và thủy sản xuất khẩu của Việt Nam cũng phải tuân thủ nghiêm chỉnh các quy chuẩn của Hiệp định EVFTA về quy trình sản xuất, chất lượng và xuất xứ sản phẩm. Các tiêu chuẩn của Châu Âu luôn cao và khắt khe.
Những loại trái cây Việt Nam được Mỹ cho phép nhập khẩu. (Ảnh: VOV/Internet. Thanks).
Theo Bộ NN&PTNN, Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn thứ hai của Việt Nam, sau Trung Quốc. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Mỹ đạt khoảng 13 tỷ USD, chiếm 24,4% tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam ra toàn thế giới. Trong 7 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Mỹ chiếm 20,4% tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam ra thế giới, giảm 29,3% so cùng kỳ năm 2022.
Khi bước vào các siêu thị, cửa hàng ở Mỹ, người tiêu dùng sẽ bị ngợp giữa các loại hàng hóa có xuất xứ từ vô số nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nhưng người tiêu dùng có thể an tâm về chất lượng các sản phẩm nhập khẩu đó. Bởi Chính phủ Mỹ bảo đảm nguyên tắc: sản phẩm bất kể được sản xuất từ đâu, để được bán ở Mỹ, phải đạt các tiêu chuẩn của Mỹ. Mà tiêu chuẩn Mỹ thì cứ xác định là hàng đầu thế giới. Chớ có mà giỡn mặt.
Có một thực tế phải chấp nhận là để bảo vệ nguồn sản xuất nội địa, tăng sức cạnh tranh có lợi cho người tiêu dùng nước mình, đồng thời để tăng cường bảo vệ cho người tiêu dùng của mình, các nước và các nhóm nước ngày càng gia tăng các tiêu chuẩn nhập khẩu hàng hóa. Các nước xuất khẩu, giả dụ như nếu không đạt được những thỏa thuận song phương theo kiểu “bánh sáp đi, bánh quy lại”, thì đành phải “tuân chỉ”. Thật ra, chuyện “đi đêm” này ngày nay thiệt là khó trước những yêu cầu về tính minh bạch, công bằng trong giao thương toàn cầu dưới bóng cờ Tổ chức Thương mại Thế giới WTO.
Chỉ trong vòng 2 tháng giữa năm 2023, EU đã tung ra 2 chưởng làm choáng váng các nhà xuất khẩu nước ngoài. Ngày 17-5-2023, EU đã ban hành Đạo luật Cơ chế điều chỉnh carbon biên giới (Carbon Border Adjustment Mechanism, CBAM). Theo đó, một số hàng hóa nhập khẩu vào thị trường EU phải trả thuế cho lượng khí thải carbon tạo ra trong quá trình sản xuất.
Tiếp đó, vào cuối tháng 6-2023, EU đã ban hành Quy định chống phá rừng (EU Deforestation-free Regulation, EUDR) có hiệu lực từ ngày 30-12-2024. Theo đó, EU cấm các công ty nhập vào thị trường này các sản phẩm bất hợp pháp và gây mất rừng (suy thoái rừng). Những sản phẩm bị điều chỉnh bởi EUDR bao gồm gỗ, cà phê, ca cao, cao su, đậu nành, gia súc, dầu cọ và các sản phẩm phái sinh tại EU, khi nhập vào thị trường EU phải chứng minh không liên quan đến hoạt động phá rừng từ sau ngày 31-12-2020. Nếu vi phạm sẽ bị phạt tối thiểu 4% doanh số hằng năm thu được trên toàn EU.
Theo giới chuyên môn, EUDR sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến một số nông sản của Việt Nam, đặc biệt là cà phê mà EU lâu nay là thị trường xuất khẩu lớn nhất. Chẳng hạn, để có thể nhập khẩu vào thị trường EU, nhà xuất khẩu cần cung cấp thông tin định vị (GPS) đến từng vườn cà phê.
Có thông tin cho biết Mỹ và Canada cũng đang cân nhắc để đưa ra những quy chuẩn tương tự như CBAM và EUDR của EU. Những thị trường xuất khẩu lớn khác của Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,… rồi đây cũng sẽ áp dụng cơ chế thu thuế khí CO2 đối với hàng nhập khẩu. Âu đó cũng là một xu thế toàn cầu trong kỷ nguyên mới.
Các chuyên gia pháp lý cho biết: các cơ quan chức năng phải sớm nghiên cứu xây dựng khung pháp lý về tiêu chí xanh, giúp doanh nghiệp Việt thích ứng khi tham gia xuất khẩu sản phẩm của mình. Về nông lâm thủy sản, việc xây dựng và triển khai các quy chuẩn về sản phẩm sạch, xanh và bền vững cần có vai trò cầm trịch của Bộ NN&PTNN và sự tham gia của các tổ chức, hiệp hội có liên quan. Tất nhiên, các nhà sản xuất nông lâm thủy sản Việt Nam nếu muốn xuất khẩu sản phẩm của mình không còn sự lựa chọn nào ngoài việc phải sắp xếp lại quy trình sản xuất để bảo đảm tuân thủ các quy chuẩn quốc tế.
Điều tích cực là trong những năm gần đây, bộ tiêu chuẩn bền vững ESG được quan tâm rộng rãi tại Việt Nam, nhờ sự nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy thực hành các thông lệ quốc tế liên quan đến ESG, cùng với nhu cầu gia tăng đầu tư của các nhà đầu tư quốc tế tại Việt Nam và sự hội nhập ngày càng sâu của các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường toàn cầu, đặc biệt ở các nước phát triển – nơi mà yêu cầu về phát triển bền vững đang được đưa ra như một yêu cầu bắt buộc.
Có thể nói rằng, với chất lượng ngày càng được nâng lên, chủng loại sản phẩm ngày càng đa dạng đáp ứng nhiều nhu cầu của người dùng hơn, cũng như giá cả có tính cạnh tranh, sản phẩm xuất khẩu Việt Nam vẫn đang có nhiều cơ hôi, dư địa để gia tăng trên thị trường quốc tế. Chẳng hạn như về mặt hàng trái cây và rau, trong khi quy mô thị trường EU lên đến 62 tỷ Euro, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sang đó năm 2022 chỉ có khoảng 215 triệu Euro. Với thị trường Mỹ, mỗi năm nước này có nhu cầu nhập khẩu mặt hàng rau quả lên đến 46 tỷ USD; trong khi kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Mỹ trong 6 tháng đầu năm 2023 chỉ có hơn 118 triệu USD. Mỹ là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới, nhưng thị phần cà phê của Việt Nam xuất sang Mỹ trong 5 tháng đầu năm 2023 chỉ chiếm 5,28% tổng giá trị nhập khẩu của Mỹ.
Gạo vẫn là một trong những loại nông sản xuất khẩu chủ chốt của Việt Nam. Theo Bộ NN&PTNN, nhờ chất lượng cao, gạo Việt Nam hiện vẫn có giá xuất khẩu đứng đầu thế giới. Kim ngạch xuất khẩu gạo trong 9 tháng đầu năm 2023 đạt 3,66 tỷ USD, tăng 40,4% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là một kỷ lục mới, vượt giá trị xuất khẩu gạo cao nhất từng đạt được năm 2011 (3,65 tỷ USD). Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho biết: Hiện nay dư địa xuất khẩu gạo của Việt Nam còn rất lớn khi Philippines có nhu cầu nhập thêm 1,1 triệu tấn, Indonesia có nhu cầu nhập khẩu 2,3 triệu tấn gạo đến cuối năm 2023. Nhu cầu nhập khẩu gạo từ Trung Quốc dự báo cũng sẽ tăng trong những tháng cuối năm 2023.
Thị trường xuất khẩu cho nông lâm thủy sản của Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng. Vấn đề còn lại là Việt Nam làm thế nào để tận dụng được các cơ hội xuất khẩu cho mình giữa bối cảnh các quy chuẩn nhập khẩu của nước ngày ngày càng cao hơn, khắt khe hơn?
Bài đã được in trên Tạp chí Nông Thôn Việt số 95 (tháng 12-2023)
PHẠM HỒNG PHƯỚC