Tổng thống Mỹ đã quyết định trừng trị Chính phủ Assad ở Syria
Tháng 9-2013 được mở đầu với tình huống ngón tay của Tổng thống Mỹ Barack Obama đang đặt trên nút khai hỏa cuộc tấn công từ xa chống lại chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria. Trong bài diễn văn được mong đợi vào lúc 1:15 PM EDT chiều thứ Bảy 31-8-2013 (2:15 AM giờ Việt Nam) và được truyền hình trực tiếp tại Vườn Hồng (Nhà Trắng), Tổng thống Obama tuyên bố: “Sau khi cân nhắc thận trọng, tôi đã quyết định rằng Mỹ sẽ có hành động quân sự chống lại các mục tiêu của chế độ Syria.” Bây giờ mọi chuyện chỉ còn chờ sự phê chuẩn của Quốc hội Mỹ. Nghĩa là trái banh đã từ chân Nhà Trắng chuyển sang Điện Capitol Hill, nơi có những nghị sĩ – đặc biệt là thuộc đảng Công hòa – lâu nay chê “tông tông” của mình quá nhút nhát, rụt rè trước Tổng thống Assad.
Tuyên bố nồng nặc mùi thuốc súng mới này được đưa ra sau khi Tổng thống Obama họp với các phụ tá an ninh quốc gia của mình và nó thể hiện một tình hình cực kỳ nghiêm trọng khi đứng bên cạnh ông là nhân vật số 2 của nước Mỹ – Phó Tổng thống Joe Biden. Rất hiếm khi 2 nhân vật chóp bu của Mỹ xuất hiện bên cạnh nhau trước công chúng như vậy. Trong những trường hợp có những tuyên bố tương tự liên quan tới đối ngoại, xuất hiện bên cạnh Tổng thống Mỹ thường là Ngoại trưởng Mỹ. Điều này cho thấy tính chất nghiêm trọng của vấn đề.
Mỹ đã quyết định can thiệp quân sự vào Syria đúng 10 ngày sau khi xảy ra vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tại vùng ngoại ô thủ đô Damascus ngày 21-8 làm chết 1.429 người dân Syria. Mỹ tuyên bố mình có đủ bằng chứng để khẳng định chính quân đội trung thành với ông Assad đã tiến hành vụ thảm sát này. Đây là một vụ người chết đông nhất kể từ khi cuộc nội chiến ở Syria bùng nổ hồi tháng 3-2011 và là vụ sử dụng chất độc hóa học chết chóc nhất thế giới kể từ sau vụ Tổng thống Saddam Hussein của Iraq cho dùng khí độc thảm sát hàng ngàn người Kurd chống đối mình năm 1988. Tổng thống Mỹ tuyên bố: “Trong một thế giới với nhiều mối nguy hiểm, mối đe dọa này cần phài được đương đầu.” Ngày hôm trước, sau khi Washington công bố các chứng cứ tình báo xác định chính phủ của ông Assad đã sử dụng vũ khí hóa học chống người dân của mình, Tổng thống Obama nhấn mạnh: “Chúng ta không thể chấp nhận một thế giới mà những người phụ nữ, trẻ em và những dân thường vô tội bị tấn công bằng khí độc với một quy mô khủng khiếp.”
Ngày 31-8, các thanh sát viên Liên Hiệp Quốc đã rời Syria về tới Hà Lan mang theo những chứng cứ thu thập được ngay tại hiện trường vụ tấn công bằng khí độc ở Damascus.
Ngày 30-8, Tổng thống Obama cho biết Mỹ sẽ thực hiện một hành động quân sự “hẹp và hạn chế” (limited, narrow military action) để trừng phạt Tổng thống Assad. Hiện Mỹ có 5 tàu khu trực mang tên lửa hành trình đang có mặt trong khu vực. Chắc chắn Mỹ sẽ sử dụng đòn không kích vào các mục tiêu quân sự của Syria.
Quốc hội Mỹ sẽ phải bỏ phiếu về quyết định của Tổng thống Obama ngay khi họ trở lại phiên họp tới vào ngày 9-9. Nhưng người ta đang đặt câu hỏi liệu các nhà lãnh đạo hai viện của Quốc hội Mỹ có triệu tập cuộc họp sớm hơn để xem xét quyết định này hay không? Các nhà lãnh đạo Hạ nghị viện Mỹ ngày 31-8 nói rằng họ không có ý định triệu tập các dân biểu về DC họp gấp như vậy.
Nghĩ cũng phải, trách nhiệm quá lớn này bây giờ được đặt trên vai các nghị sĩ. Lâu nay họ mạnh miệng chỉ trích Tổng thống Obama, bây giờ có lẽ không ít người bị chùn tay. Nói thì bao giờ cũng dễ hơn phải động tay, động chân! Vậy thì ta cứ câu giờ được tới chừng nào hay chừng nấy!
Nhưng nếu Quốc hội Mỹ không phê chuẩn thì sao? Xưa nay không ít lần Tổng thống Mỹ phát lệnh mở cuộc chiến ở nước ngoài mà không cần Quốc hội cho phép. Nước Mỹ vốn có truyền thống bình thường thì chia hai phe kình chống nhau, nhưng khi xảy ra chuyện quốc gia đại sự thì tất cả các phe đều tạm dẹp mọi hiềm khích qua một bên để cùng đồng lòng đoàn kết đứng sau lưng Tổng thống của mình.
Hiện nay Thượng viện Mỹ do đảng Dân chủ của Tổng thống Obama kiểm soát, còn Hạ viên Mỹ do đảng Cộng hòa cầm chịch. Mà đảng Cộng hòa bấy lâu nay vẫn chê bai ông Obama không mạnh tay trong đối ngoại.
Về phần mình, Tổng thống Obama đang trong nhiệm kỳ thứ hai và cuối cùng rồi. Nghĩa là chẳng còn phải lo chuyện tái cử nữa.
Liên đoàn Arập do phái Hồi giáo Sunni làm nòng cốt từ lâu rồi không đứng về phía Tổng thống Assad. Trong thế giới Hồi giáo, ông Assad thuộc phái Shiite trước nay tìm kiếm sự hậu thuẫn từ những nhà nước do người Shiite nắm quyền vốn ít ỏi (như Iran) và cả từ phong trào Hồi giáo cực đoan Hezbollah của phái Shiite ở Lebanon vốn bị phương Tây coi là phiến quân khủng bố. Vì lẽ đó, Syria không được sự hậu thuẫn để phát triển từ các nước Arập Hồi giáo Sunni giàu có.
Người dân Mỹ chắc chắn chẳng happy chút nào đâu. Bởi khi Mỹ tham chiến ở đâu đó xa tít mù khơi, có nghĩa là ngân sách lại bị bội chi, tiền thuế của dân lại bị hao hụt và đặc biệt hơn cả là sinh mạng người Mỹ lại bị tổn hại.
Tổng thống Pháp tuyên bố sẽ tham gia cùng Mỹ. Chính phủ Anh thì hậu thuẫn hành động quân sự chống Syria nhưng đã buộc phải rút khỏi bộ tam sên Mỹ – Anh – Pháp trong lần này sau khi Thủ tướng David Cameron bất ngờ bị Quốc hội bỏ phiếu phản đối hành động quân sự hôm 29-8, một điều làm thế giới phải ngạc nhiên vì xưa nay hai nước Anh và Mỹ có mối quan hệ siêu đặc biệt với nhau, luôn kẻ hô người ứng.
Trong khi đó, từ Nga – nước đồng minh có nhiều quyền lợi ở Syria trước nay chống lưng cho Tổng thống Assad, Tổng thống Vladimir Putin kêu gọi Tổng thống Mỹ chớ có hành động vội vã. Nếu không có Nga và Trung Quốc trước nay nhiều lần dùng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an LHQ để ngăn chặn các nỗ lực của phương Tây trừng phạt Syria, chắc chắn Tổng thống Assad không còn tại vị để xảy ra cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học này. Theo LHQ, cho tới nay có hơn 100.000 người Syria đã bị giết chết trong cuộc nội chiến.
Các cơ quan LHQ đã rút các nhân viên khỏi Syria. Chính phủ các nước cũng đã phát lời cảnh báo tới các công dân nước mình đang ở Syria. Và người dân Syria đang sẵn sàng chịu đựng trận bão táp từ sức mạnh quân sự của Mỹ. Trong những ngày qua, rất đông người Syria phải bỏ của chạy lấy người qua các nước láng giềng.
Ngày càng có thêm nhiều người trên thế giới mong muốn rằng cuộc khủng hoảng Syria phải tới lúc hạ màn. Suy đi tính lại, ngó tới nhìn lui, người ta đau lòng cho những người dân Syria một cổ mang nhiều tròng: trong nước thì chịu cảnh 2 cha con nhà Assad nối nhau làm tổng thống suốt 43 năm, ngoài nước thì trở thành nạn nhân của những thế lực nước ngoài bị quăng quật phục vụ cho những lợi ích của hô.
PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 1-9-2013)
+ ẢNH: Tổng thống Mỹ Barack Obama bên cạnh Phó Tổng thống Joe Biden tại Rose Garden khi tuyên bố quyết định trừng trị Tổng thống Syria chiều 31-8-2013. Các loại vũ khí của Mỹ và Syria. Tương quan lực lượng của phương Tây và Syria. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks).
VIDEO CLIP:
President Obama Speaks on Syria.