Thứ Năm ngày 21 tháng 11 năm 2024

Nàng Thái ơi, ta biết mặc áo màu gì khi trở lại thăm nàng?

101217-phphuoc-chiangmai-257_resize

 

Nếu như muốn câu view, tôi sẽ giựt tít cái status này đại loại như: “Muốn an toàn ở Thái Lan, hãy… cởi trần!”.

Đọc tin trên báo thấy nói rằng không phải chỉ có du khách mà giờ đây ngay cả người dân Thái Lan cũng bối rối chẳng biết phải mặc áo màu gì cho an toàn khi ra ngoài đường.

Này nhé, phe ủng hộ chính quyền đương thời của đảng Pheu Thai – tức thân ông Thaksin Shinawatra, cựu Thủ tướng đã bị quân đội làm đảo chính lật đổ hồi tháng 9-2006, mặc áo màu đỏ, nên gọi là phe áo đỏ (Red Shirt).

Phe áo đỏ trước đây có cái tên dài thòng là Mặt trận Thống nhất vì Dân chủ chống Độc tài (United Front for Democracy Against Dictatorship – UDD). Thành viên phe này chủ yếu là nông dân và người lao động ở vùng nông thôn. Cũng có một số ít thành viên phe áo đỏ là sinh viên, những nhà hoạt động cánh tả và một số nhà doanh nghiệp coi những mưu toan của dân thành thị và giới cao cấp trong quân đội hòng kiểm soát nền chính trị Thái Lan như một mối đe dọa đối với nền dân chủ của nước này. Đây cũng là phe của những người ủng hộ việc giảm bớt vị thế độc tôn của thủ đô Bangkok để chuyển sự quan tâm và dành nhiều sự ưu đãi hơn cho vùng xa, vùng nông thôn.

Về địa lý, phe áo đỏ chiếm ưu thế ở các miền bắc và đông bắc Thái Lan.

Trong khi đó, phe chống ông Thaksin, tức chống luôn chính quyền đương nhiệm của nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra – em gái ông Thaksin, mặc áo màu vàng, gọi là phe áo vàng (Yellow Shirt). Đây cũng là phe bảo hoàng, đứng về phía hoàng gia.

Đây là phe của giới hoàng tộc và trung thành với hoàng gia, những người có khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa nặng nề và tầng lớp trung lưu đô thị trở lên. Tên chính trị ban đầu của nó là Liên minh Nhân dân vì Dân chủ (People’s Alliance for Democracy, PAD).

Phe áo vàng chiếm thế thượng phong ở thủ đô Bangkok và miền nam Thái Lan.

Ác nghiệt ở chỗ đâu chỉ có 2 màu vàng và đỏ mới thuộc loại “nhạy cảm chính trị” ở Thái Lan.

Hồi năm 2010, người ta chứng kiến những đám đông biểu tình mặc áo màu hồng, và lập tức được gọi là phe áo hồng (Pink Shirt). Đây là những người Bangkok quá chán nản với những cuộc biểu tình liên miên của phe áo đỏ gây quá nhiều phiền nhiễu cho sinh hoạt hàng ngày của họ. Tuy không tự nhận mình là phe áo vàng, nhưng phe áo hồng cũng có 50% là màu vàng vì họ là những người ủng hộ hoàng gia.

Nói cho chính xác, màu hồng là màu của những người tôn kính quốc vương Bhumibol Adulyadej. Vào năm 2006, để chào mừng kỷ niệm 60 năm quốc vương lên ngôi, nhiều người Thái đã mặc áo màu vàng vào mỗi ngày thứ Hai hàng tuần. Họ tiếp tục hành động này trong năm 2007 nhân mừng sinh nhật thứ 80 của quốc vương (ngày 5-12). Vậy là trong suốt 2 năm liền, người Thái đã bày tỏ lòng tôn kính với quốc vương bằng cách mặc áo màu vàng (màu biểu tượng của Phật giáo) vào mỗi ngày thứ Hai (ngày nhà vua chào đời).

Nhưng vào năm 2007, những người yêu kính nhà vua đã có thêm một màu mới là màu hồng. Giới chiêm tinh gia phán rằng màu hồng là màu tốt đẹp, hưng thịnh cho năm 80 tuổi của nhà vua. Vào cái ngày mà nhà vua xuất viện sau hơn 3 tuần chữa trị bệnh suy nhược nửa thân bên phải và nhiễm trùng ruột kết, hàng ngàn người dân mặc áo vàng chờ đợi bên ngoài bệnh viện để đón nhà vua. Rồi nhà vua ngồi trên chiếc xe lăn điện xuất hiện, ngạc nhiên chưa, ngài mặc chiếc áo không cổ màu hồng và khoác bên ngoài bằng một chiếc áo khoác thể thao màu hồng nhạt. Vậy là từ đó màu hồng lên ngôi. Bộ Thương mại Thái Lan đã phải thuê các công ty tư nhân sản xuất 30.000 chiếc áo thun màu hồng để giúp làm giảm sức nóng của thị trường khiến giá áo màu hồng tăng vọt. Tại cửa hàng Phu Sa của Công chúa trưởng Maha Chakri Sirindhorn chuyên bán đồ thủ công mỹ nghệ và các món hàng do các dân làng khắp Thái Lan sản xuất, lô áo thun hồng đầu tiên gồm 10.000 chiếc hồi tháng 7-2007 đã bán hết sạch cái vèo.

Chuyện vẫn chưa chịu dứt, thêm một màu thứ tư bị đưa vào “bảng màu nhạy cảm chính trị” ở Thái Lan. Đó là màu xanh dương đậm của giới dân quân và những kẻ khiêu khích thân phe áo vàng. Lần đầu tiên phe áo xanh (Blue Shirt) xuất hiện là hồi thượng tuần tháng 4-2009 tại Pattaya trong thời gian ở đây diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh ASEAN+6. Khoảng 150 người mặc áo xanh vũ trang gậy gộc tuyên bố là lực lượng “bảo vệ thể chế” (tức hoàng gia) đã đương đầu với khoảng 1.000 thành viên áo đỏ đang biểu tình chống chính phủ và sau đó tràn ngập cả hội trường tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh, khiến các nhà lãnh đạo các nước tham gia phải được di tản và cuộc họp khu vực này đã bị hủy bỏ.

Vẫn chưa yên thân, trong làn sóng biểu tình của phe áo vàng chống nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra bùng nổ tại Bangkok từ tháng 11-2013 tới nay, vào buổi tối thường xuất hiện những kẻ mặc áo đen (Black Shirt) chuyên tấn công những người biểu tình.

Mới đây lại có thông tin rằng phe áo đỏ đang kêu gọi các thành viên chuyển sang mặc áo trắng (White Shirt).

Như vậy, tổng cộng cho tới nay các màu “nhạy cảm chính trị” ở Thái Lan bao gồm: đỏ, vàng, hồng, xanh dương, đen và trắng. Tôi lo sợ rằng nếu nảy sinh ra thêm phe áo xanh lá cây hay phe áo cam nữa là coi như người ta chỉ có nước… cởi trần khi ra đường!

Bản thân tôi cũng từng mấy phen trải nghiệm cái “màu sắc chính trị” này. Hồi hạ tuần tháng 9-2006, chỉ vài ngày sau khi quân đội Thái Lan làm đảo chính “không tiếng súng” lật đổ Thủ tướng Thaksin Shinawatra, tôi đã nổi máu nghề nghiệp một mình bay sang Bangkok. Bữa đầu mặc áo thun màu xanh rêu, tôi tới chen chúc cùng đám đông coi một đơn vị xe tăng đóng bên cạnh chùa Cẩm Thạch (Marble Temple). Tôi đang lúi húi chụp ảnh thì phát hiện mình bị một tay sĩ quan đứng trên xe tăng rút súng ngắn chĩa ngay vào đầu. Hoảng quá, tôi vội lẩn vào đám dông rồi chuồn thẳng. Kêu xe tuk-tuk chở tới siêu thị, tôi mua một chiếc áo thun màu vàng có gắn huy hiệu hoàng gia trên ngực. Từ đó với chiếc áo vàng hoàng gia, tôi tha hồ tung hoành ngang dọc, thậm chí còn kề cà tám chuyện với những binh lính vừa làm đảo chính. Sau đó, tôi cũng phát huy cái thế mạnh của chiếc áo thun màu hồng – một màu hoàng gia mới được công nhận để tác nghiệp. Về sau cho tới nay, mỗi lần đi qua Thái Lan, tôi đều thủ theo chiếc áo vàng hoàng gia đó để phòng thân. Có những lần di đự hội nghị ở Nhật Bản, Đài Loan và Mỹ, tôi mà nổi hứng điệu đàng diện chiếc áo vàng hoàng gia Thái đó là mấy bạn đồng nghiệp Thái phải trố mắt mà trầm trồ và cảm ơn rối rít.

Tạp chí Time (Mỹ) hồi cuối tháng 11-2013 đã gọi cuộc khủng hoảng chính trị ở Thái Lan là “những cuộc chiến màu sắc Thái” (Thai Color Wars). Từ sau khi Thủ tướng Thaksin Shinawatra, nhà tỷ phú viễn thông, bị quân đội làm đảo chính lật đổ hồi tháng 9-2006, chính xác hơn là từ lúc ông này thoát ra khỏi đất nước để sống lưu vong từ tháng 8-2008, Thái Lan liên tục bị nhấn chìm trong những làn sóng biểu tình rầm rộ giữa hai phe ủng hộ và chống ông Thaksin. Cụ thể là giữa hai phe áo đỏ và áo vàng. Nói thiệt lòng, với thể chế dân chủ “kiểu Thái” và cách “sống dân chủ” của người Thái, đất nước này sẽ còn phải chịu cái vòng lẩn quẩn dài dài của sự đối đầu giữa hai phe phái này. Trong chừng mực nào đó, cái sự ông chằng bà chuộc này có thể được gọi là “màu sắc dân chủ”. Nhưng nếu hai bên không biết tự kiềm chế, để tình hình bị đẩy tới điểm sôi bùng vỡ, quân đội vốn có truyền thống nhiều phen làm đảo chính phải hay có cớ nhảy vào can thiệp thì phe nào cũng trắng tay và người dân thì trở lại những tháng ngày “mơ dân chủ” đã bị những chính khách ghen ăn tức ở với nhau cướp đoạt.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 23-1-2014)

2014nov-bangkok-protesters

Cuộc biểu tình chống chính phủ tại Đài Dân chủ (Democracy Monument) ở Bangkok ngày 24-1-2013. Ảnh chụp bằng máy bay không người lái (drone). Nguồn ảnh: Twitter.

140122-thainland-soldiers-bankok

Binh lính Thái Lan tại thủ đô Bangkok ngày 22-1-2014 khi chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp. (Ảnh: AFP)

OLYMPUS DIGITAL CAMERA

Tác giả mặc áo thun vàng hoàng gia và những binh lính Thái Lan vừa làm đảo chính tại Bangkok hồi hạ tuần tháng 9-2006.

OLYMPUS DIGITAL CAMERA

Tác giả mặc áo thun hồng và những binh lính Thái Lan vừa làm đảo chính tại Bangkok hồi hạ tuần tháng 9-2006.

101217-phphuoc-chiangmai-245_resize

Tác giả và những cô gái Thái Lan tại Chiang Mai ngày 17-12-2010.

 

Bạn có thể đọc bản đăng trên báo Tuổi Trẻ Online: http://tuoitre.vn/The-gioi/591629/nhung-mau%C2%A0ao-nhay-cam-o-thai-lan.html#ad-image-0