Thứ Năm ngày 25 tháng 4 năm 2024

Trung Đông vẫn là lò lửa xung đột bạo lực nguy hiểm và phức tạp

 Trong suốt hơn 40 năm qua, kể từ sau cuộc chiến tranh Trung Đông tháng 6-1967, đã có rất nhiều kế hoạch và nỗ lực thương thuyết hòa bình cho khu vực nhạy cảm và phức tạp này. Một số đã thành công, như những giải pháp giữa Ai Cập và Israel, giữa Israel và Jordan. Nhưng đối với cuộc xung đột cốt lõi ở Trung Đông giữa Israel và Palestine, cho tới nay mọi nỗ lực quốc tế đều chưa thành công. Xung đột bạo lực đẫm máu giữa hai kẻ thù không đội trời chung – có nguồn gốc từ thời Cựu ước xa xưa – vẫn nổ ra ở mức độ này, hình thức nọ.

Trong những ngày vừa qua, cuộc xung đột giữa Israel và Hamas – cánh quân sự Hồi giáo của Palestine trở lại nóng bỏng trên bản đồ thời sự quốc tế. Quân đội Israel đã tiến hành cuộc tấn công mới vào Hamas ở Dải Gaza. Hàng chục người chết, phần lớn là dân thường.

Lò lửa chiến tranh Trung Đông lần này bùng nỗ sau khi một cuộc không kích của Israel ngày 14-11-2012 đã tiêu diệt được chỉ huy cánh quân sự của Hamas là Ahmed Jabari, người bị Israel cáo buộc chịu trách nhiệm cho “tất cả các hoạt động khủng bố chống Israel” từ Gaza trong hơn thập kỷ qua.

Thành phố Gaza trúng tên lửa Israel.

Quân đội Israel giải thích rằng Chiến dịch Cột trụ Phòng thủ (OPD, Operation Pillar of Defence) này là để bảo vệ các công dân Israel trước những vụ bắn tên lửa và pháo của các tay súng Hamas từ Gaza, cũng như để triệt hạ khả năng phát động các cuộc tấn công của Hamas. Các cuộc không kích nhằm vào các vị trí cất giữ tên lửa và các cơ sở của Hamas. Ngày 18-11, Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho biết quân đội Israel đã tấn công hơn 1.000 “mục tiêu khủng bố”.

Lực lượng Hamas, vốn nắm quyền kiểm soát Dải Gaza từ năm 2007 sau khi đánh bật Chính phủ Palestine của Tổng thống Mahmoud Abbas, giận dữ tuyên bố rằng vụ ám sát Jabari “đã mở các cánh cổng dẫn tới địa ngục” cho Israel.

Thật ra, ngay từ trước khi xảy ra vụ tiêu diệt Jabari, các nhóm dân quân Palestine từ Gaza, trong đó có Binh đoàn Qassam của Hamas, đã bắn hàng trăm quả tên lửa vào miền nam Israel và quân đội Israel cũng nã pháo và không kích sang Gaza.

Thủ tướng Netanyahu khẳng định rằng chiến dịch quân sự mới này chỉ nhằm ngăn chặn nguy cơ tấn công khủng bố đe dọa sinh mạng người dân Israel, chứ không hề có ý định đánh đổ Hamas. Về phía Hamas, Thứ trưởng Ngoại giao của họ Ghazi Hamad khẳng định lực lượng này không muốn tình hình bạo lực này leo thang. Nhưng Hamas cũng có quyền bảo vệ người dân của mình và sẽ đáp trả các cuộc tấn công của Israel. Hamad cảnh cáo Israel: “Nếu Gaza không an toàn, các thành phố của các người cũng sẽ không an toàn.”

Giới quan sát đã phải lo ngại liệu Israel có tiến thêm bước nữa là mở cuộc tấn công trên bộ vào Gaza? Bộ trưởng Quốc phòng Ehud Barak nói rằng quân đội Israel “sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để đạt được yên bình”. Ngày 20-11, người phát ngôn của Thủ tướng Israel nói với hãng tin BBC rằng: “Chúng tôi muốn các nỗ lực ngoại giao thành công. Chúng tôi không muốn tấn công trên bộ. Nhưng nếu các mục tiêu của chiến dịch này không giải quyết được qua thương thảo, chúng tôi sẽ tiến vào Gaza.” Vào thời điểm đó, chính phủ Israel đã phê duyệt lệnh động viên 75.000 quân dự bị. Nhiều binh đoàn bộ binh và thiết giáp đã được triển khai ở sa mạc Negev, gần Gaza.

Về phía Hamas, kể từ sau chiến dịch Cast Lead của Israel tấn công vào Gaza năm 2008-2009, cánh quân sự của Hamas đã chuẩn bị đối đầu cho những cuộc tấn công mới. Có tin nói rằng Hamas hiện có khoảng 10.000 tay súng đang hoạt động và 20.000 quân dự bị. Họ cũng xây dựng nhiều hầm, tăng cường vũ khí và khí tài quân sự hiện đại hơn, mạnh hơn.

Vì thế, lần này, nếu như Israel mở cuộc tấn công trên bộ vào Gaza, cuộc chiến có lẽ sẽ khốc liệt hơn bao giờ hết.

Để ngăn chặn tình hình bạo lực ở Trung Đông hiện nay leo thang thành một cuộc chiến mới, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ngay sau chuyến tháp tùng Tổng thống Barack Obama công du Đông Nam Á đã bay sang Trung Đông. Cái khó đối với bà là Mỹ coi Hamas là một tổ chức khủng bố nên không thể thương thảo trực tiếp với giới lãnh đạo của họ. Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon cũng đã có mặt tại khu vực này để cổ vũ các nỗ lực trung gian hòa giải do Tổng thống Ai Cập Mohammed Mursi và Tổng thư ký Liên đoàn Arập Nabil al-Arabi đứng đầu. Các phái đoàn của Israel và Hamas cũng đã tới Cairo để đàm phán với các quan chức Ai Cập.

May mắn là cả Israel lẫn Hamas đều mau mắn ngồi lại với nhau và đồng ý ngừng bắn ngày 21-11-2012, 8 ngày sau khi Israel chính thức mở chiến dịch không kích Gaza. Có lẽ Tel Aviv muốn làm quà chúc mừng cho Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa tái đắc cử và làm quà chia tay với Ngoại trưởng Mỹ Clinton khi bà sẽ rời khỏi chức vụ vào tháng 1-2013.

Nhưng liệu cuộc ngừng bắn này sẽ tồn tại được bao lâu? Ngày 24-11-2012, giáo sĩ Hồi giáo hàng đầu ở Gaza là Suleiman al-Daya đã gắn cuộc ngừng bắn này với phán quyết tôn giáo. Bằng cách đưa ra lời phán quyết fatwa (phán quyết Hồi giao cao nhất mà bất cứ tín đồ nào cũng có nghĩa vụ tuân thủ), giáo sĩ này tuyên bố rằng bất cứ việc vi phạm nào đối với lệnh ngừng bắn này đều bị coi là tội lỗi tôn giáo. Có nghĩa là nếu Israel vi phạm lệnh ngừng bắn, họ sẽ bị toàn bộ tín đồ Hồi giáo trừng phạt.

Tình hình Trung Đông càng thêm phức tạp hơn khi phong trào Hồi giáo cực đoan Hezbollah ở nước Lebanon láng giềng cũng tuyên bố nhập cuộc. Ngày 25-11-2012, thủ lĩnh Hezbollah là Giáo sĩ Sheik Hassan Nasrallah tuyên bố các tay súng của mình sẽ bắn hàng ngàn quả tên lửa vào Israel trong bất cứ cuộc chiến tương lai nào và nhằm vào các thành phố ở trung tâm nước này. Trước nay, Hezbollah, cũng giống như Hamas và các nhóm quân sự khác ở Gaza, đều tích trữ kho tên lửa và thường đe dọa sử dụng nó chống Israel. Có tin nói rằng các tổ chức quân sự của Gaza đã lần lần tiên sử dụng loại tên lửa Fajr-5 do Iran chế tạo với tầm bắn xa hơn.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 25-11-2012)

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton trong cuộc họp báo chung tại Jerusalem ngày 20-11-2012. (AP Photo/Baz Ratner, Pool)    

Các tay súng Hamas thuộc Binh đoàn Iz al-Din al-Qassam Brigades tại Dải Gaza tháng 10-2012. (Photo by AP)

Xe tăng Israel tập trung sẵn ở gần Dải Gaza.

Press TV has conducted an interview with Richard Falk, special Rapporteur of the United Nations to shed more light on the issue at hand.

Huge blasts in Gaza City as Israel targets Hamas compound.