Thứ Tư ngày 24 tháng 4 năm 2024

Ngôi nhà giữa… xa lộ

Ừ, thì Trung Quốc xưa nay lừng danh thế giới là chuyện gì cũng có, việc gì cũng dám làm. Bởi vậy, chuyện có một ngôi nhà 5 tầng nằm chình ình ngay giữa một xa lộ mới xây dựng vẫn là một trong hằng hà sa số chuyện chỉ có ở Trung Quốc.

Chủ nhân ngôi nhà là một đôi vợ chồng già làm nghề chăn nuôi vịt đã không chấp nhận thỏa thuận giải tỏa với lý do tiền bồi thường không đủ để xây lại ngôi nhà mới. Ông Luo Baogen, 67 tuổi, nói mình đã tốn 600.000 nhân dân tệ (khoảng 95.000 USD) để hoàn thiện ngôi nhà, nhưng chính quyền chỉ chịu bồi thường có 220.000 tệ (35.000 USD). Sau đó, mức bồi thường nâng lên 260.000 nhân dân tệ (41.000 USD), nhưng ông Luo và người vợ 65 tuổi vẫn không chịu. Ông Luo nói với báo chí địa phương: “Chúng tôi muốn một ngôi nhà mới nằm trên một lô đất 2 căn với trang trí nội thất đơn giản thôi.”

Chen Xuecai, trưởng làng Xiayangzhang, cho biết: các nhà quy hoạch thành phố đã quyết định giải tỏa toàn bộ ngôi làng 1.600 dân đi để lấy đất làm đường. Hầu hết các gia đình đã chấp nhận tiền bồi thường mà chính quyền đưa ra hồi năm 2007 và vào năm 2008, khoảng 500 gia đình đã ra đi. Luo và một vài người khác đòi thêm. “Gia đình Luo không giàu, nhưng chính sách là chính sách.”

Luo và ngôi nhà của ông trở thành một biểu tượng cho sự kháng cự của dân chúng đối với chính sách đền bù giải tỏa quá thấp của chính quyền trong các dự án phát triển cơ sở hạ tầng. Người ta gọi đó là “ngôi nhà đinh” (nail house) vì chủ nhân kiên quyết không cho phá nó đi. Những người trong nhà phải chia phiên nhau túc trực suốt 24 giờ mỗi ngày, vì chủ đầu tư sẽ không phá một ngôi nhà có người bên trong. Ông Luo và vợ đã sử dụng chiến thuật cố thủ này. Hai ông bà ngủ ở hai căn phòng ở phía trước và phía sau nhà để bảo đảm ngôi nhà không bị phá phần nào. Trong những trường hợp tương tự, thường thì chính quyền gây sức ép bằng cách cắt điện nước, nhưng trong trường hợp ông Luo, chẳng hiểu sao điện nước vẫn được cung cấp bình thường. Và trước quyết tâm cố thủ của hai ông bà già, nhà đầu tư phải cho giữ lại các căn hộ ở phía sau nhà ông bà Luo để bảo đảm cho nó không bị sập. Nhưng ông Luo thừa nhận rằng hiện giờ mái nhà đã bị yếu đi do hậu quả của việc phá dỡ các căn hộ chung quanh.

Năm 2007, Trung Quốc thông qua một luật mới bảo đảm quyền sở hữu tài sản cá nhân, có nghĩa là chính quyền không thể trưng thu tài sản công dân nếu không đền bù thỏa đáng.

Sau hơn 4 năm dằng co bất phân thắng bại  cuối cùng, chính quyền địa phương quyết định xây dựng con đường mới dẫn tới nhà ga xe lửa mới của thành phố bất cứ cách nào. Chủ đầu tư làm con đường đã phải chọn giải pháp cho con đường chạy vòng quanh ngôi nhà để có thể hoàn tất con đường.

Có một trường hợp tương tự xảy ra năm 2002 tại Bác Kinh, khi hai anh em chủ nhà không chấp nhận mức bồi thường của chính quyền để giải tỏa nhà cho việc xây một con đường mới. Cuối cùng, con đường vẫn được xây dựng, nhưng hẹp hơn thiết kế gốc. Hậu quả là ở đó thường xảy ra kẹt xe khủng khiếp.

Luo Xuehua, Phó trưởng làng Xiayangzhang. một người anh em họ của chủ ngôi nhà, ngày 23-11-2012 nói rằng ông không mong chuyện tranh chấp này kéo dài lâu hơn. Ông hy vọng ông Luo sớm đạt được thỏa thuận với chính quyền. “Nhưng chúng tôi không thể chấp nhận bất cứ điều ý ông ấy đòi hỏi. Đó là không thể được.”

Người ta có thể thắc mắc rằng không hiểu sao ông bà Luo lại may mắn có thể giữ được ngôi nhà lâu như vậy. Và cũng có người hồi hộp chẳng biết bữa nào ngôi nhà này bị… xe ủi tông!

PHẠM HỒNG PHƯỚC
(Saigon 26-11-2012)

Nông dân nuôi vịt Luo Baogen, một chủ ngôi nhà giữa lộ, đang từ trên lầu nhìn xuống đường ngày 22-11-2012. (Reuters/China Daily)

Ông Luo và giấy chủ quyền nhà đất.

Xin mời xem video clip ngôi nhà giữa đường của ông Luo.