Thứ Năm ngày 25 tháng 4 năm 2024

Một chút lịch sử về nghi thức quả cầu rơi trên Quảng trường Thời đại New York lúc Giao thừa (New York Times Square Ball Drop)

Vào thời khắc Giao thừa, hầu như các thành phố lớn trên thế giới đều bắn pháo hoa. Còn tại thành phố New York (Hoa Kỳ), một quả cầu khổng lồ trên Quảng trường Thời đại (Times Square) sẽ từ từ rơi xuống theo nhịp đếm ngược tới đúng thời điểm chuyển giao năm cũ sang năm mới.

Rất nhiều thập niên cho tới năm 1903, cuộc tụ họp Giao thừa lớn nhất của dân New York là tại Nhà thờ Chúa Ba ngôi (Trinity Church) nằm ở Wall Street và Broadway. Báo New York Times từng mô tả cảnh tượng Giao thừa năm 1897 như sau: “Những đám đông đến từ mọi khu vực của thành phố, và trong số hàng ngàn người – reo hò hay thổi những chiếc còi thiếc khi chuông nhà thờ rung lên trong đêm, có cả những người đến từ New Jersey, Long Island, và ngay cả Staten Island.”

Nhưng rồi vào đêm 31-12-1904, nhiều người đi chơi lễ hội đã được thuyết phục tới tham dự một nghi thức chào mừng năm mới khác ở trung tâm thành phố, xa hơn nơi truyền thống. Vào thời điểm đó, khu vực mà các con phố 7th Avenue, Broadway và 42 Street giao nhau được gọi là quảng trường Longacre Square.

Đây là hình ảnh khu vực quảng trường đó vào đầu thập niên 1900 theo một bản in do Công ty Xuất bản Detroit bán. Tòa nhà cao tầng hẹp nổi vọt  lên, lúc đó là tòa nhà cao thứ nhì tại thành phố New York, là trụ sở mới hoàn tất của báo The New York Times. Alfred Ochs, chủ nhân của tờ báo, đã thành công trong việc vận động các nhà lãnh đạo thành phố thay đổi tên Quảng trường Longacre thành Quảng trường Thời đại vào đầu năm đó. Sau đó, ông tổ chức một cuộc đón mừng Giao thừa tại đây. Theo cuốn lịch sử chính thức do Hội Quản lý Khu Times Square xuất bản: “Một lễ hội đường phố suốt cả ngày với đỉnh điểm là một màn trình diễn pháo hoa bắn từ chân tòa nhà cao tầng đó vào lúc nửa đêm giữa âm thanh rộn rã của những lời reo mừng, những chiếc trống lắc và những dụng cụ gây ồn ào của hơn 200.000 người tham dự. Tiếng ồn ào có thể nghe thấy xa tới Croton-on-Hudson, cách đó 30 dặm về phía bắc.”

Một sự kiện hàng năm đã ra đời. Nhưng 2 năm sau, thành phố cấm trình diễn pháo hoa. Ông chủ báo Ochs đã có sáng kiến dùng một quả cầu bằng gỗ và sắt lớn, nặng 700 pound rực sáng được thả xuống từ trên cột cờ của cao ốc chính xác vào thời khắc giao thừa để đánh dấu sự kết thúc của năm 1907 và bắt đầu của năm 1908. Đó chính là nguồn gốc của nghi thức thả quả cầu khổng lồ ở Times Square vào thời khắc giao thừa hàng năm tồn tại tới nay.

Quả cầu cũng đã thay đổi về công nghệ theo thời đại. Quả cầu gốc bằng gỗ và sắt đã được thay thế hồi năm 1920 bằng một quả cầu hoàn toàn bằng sắt nặng 400 pound. Năm 1955, quả cầu bằng nhôm chỉ nặng có 150 pound với 180 bóng đèn đã được sử dụng.

Trong thập niên 1980, các bóng đèn trên quả cầu được thay đổi để làm quả cầu trông giống một trái táo. Tới năm 1995, quả cầu được nâng cấp với lớp vỏ bằng nhôm, cẩn những viên đá rhinestone (một loại kim cương nhân tạo) và được điều khiển bằng computer. Vào năm 2000, một quả cầu mới bằng pha lê đã đánh dấu thiên niên kỷ mới.

Năm 2007, công nghệ đèn LED hiện đại đã thay thế các bóng đèn truyền thống trên quả cầu trong dịp kỷ niệm 100 năm quả cầu Giao thừa. Từ năm 2008, quả cầu rực rỡ sắc màu như ta thấy ngày nay đã được gắn thường trực trên đỉnh tòa nhà One Times Square (báo Times đã bán tòa nhà này hồi năm 1961). Chủ nhân hiện nay của cao ốc cũng là chủ nhân của quả cầu biểu tượng này và người ta có thể tham quan quả cầu này trên nóc tòa nhà.

Nặng tới 11.875 pound (5.386kg), quủ cầu ngày nay về kỹ thuật là một quả cầu trắc địa (geodesic sphere) có đường kính 12 feet (4,5 mét), được bao phủ bởi 2.688 khối tam giác bằng pha lê Waterford Crystal. Các khối tam giác này được gắn vào 672 module đèn LED, mỗi cái chứa các đèn LED đỏ, xanh dương, xanh lá, và trắng. Quả cầu có thể thể hiện tới hơn 16 triệu màu sắc khác nhau và theo hàng tỷ hình dạng giống như một chiếc kính vạn hoa (kaleidoscope).

Thời khắc giao thừa ở New York đúng vào giữa ngọ ngày 1-1 ở Saigon (cách nhau đúng 12 giờ).

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 1-1-2013)

VIDEO CLIPS

2013 New York Times Square 2013 Count Down New Years Eve

New York Times Square Ball Drop 2012 HD (Lady Gaga & Mayor Bloomberg)

New Years Ball Drops (1976-2011)