Thứ Sáu ngày 26 tháng 4 năm 2024

Thảm kịch thất nghiệp toàn cầu

Bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế toàn cầu vốn đã u ám giờ càng thêm ảm đạm với số lượng người thất nghiệp tăng lên ở mức kỷ lục.

Ngày 23-1-2013, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) của Liên Hiệp Quốc cho biết: 5 năm sau khi rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, số lượng người thất nghiệp tiếp tục tăng vọt. Năm nay có tới 202 triệu người trên thế giới chính thức thất nghiệp, so với con số 197 triệu người thất nghiệp được ghi nhận hồi năm 2012. Đây là con số chính thức, còn số người không có việc làm thực tế còn cao hơn nhiều.

Tổng giám đốc ILO Guy Ryder nói với giới báo chí tại Geneva (Thụy Sĩ) rằng: “Con số ghi nhận hôm nay cho thấy có thêm 28 triệu người mất việc làm so với năm 2007.”

Một chuyên gia của ILO cho biết rõ hơn: Con số người thất nghiệp năm 2012 đã gần đụng mức kỷ lục lịch sử 199 triệu người thất nghiệp khi thế giới đang trong tâm điểm của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009. Tới năm 2013 này thì kỷ lục đó đã bị phá vỡ.

Trong năm 2012 đã có thêm 5,1 triệu người nữa tham gia đạo quân thất nghiệp toàn cầu. Đây là một mức gia tăng trong một năm gây sốc. Giới chuyên môn cho rằng, nếu cứ theo cái đà gia tăng số người mất việc như hiện nay và không chuyển biến được tình hình kinh tế chung, thế giới sẽ có thêm 3 triệu người thất nghiệp nữa trong năm 2014 và đạt con số 210,6 triệu người thất nghiệp vào năm 2017. Theo ILO, tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu dự báo sẽ giữ ở mức 6% trong tổng lực lượng lao động cho tới năm 2017.

Báo cáo Các khuynh hướng việc làm toàn cầu 2013 (Global Employment Trends 2013) của ILO ghi nhận: Ảnh hưởng của các cuộc khủng hoảng kinh tế đối với thị trường lao động toàn cầu trong nhiều trường hợp đang ngày càng tệ hại hơn bởi sự khập khiễng giữa các chính sách tiền tệ và tài chính và “một sự tiếp cận rời rạc” đối với các vấn đề này, đặc biệt ở khu vực đồng euro. “Trong khi đã bị suy yếu đi bởi nhu cầu sụt giảm, thị trường lao động còn bị gây hại bởi các chính sách khắc khổ tài chính, thắt lưng buộc bụng ở nhiều nước, mà thường được cụ thể hóa trực tiếp bằng cách cắt giảm lao động và tiền lương.”

Bi kịch càng trầm trọng thêm khi số lao động bị mất việc ngày càng đông trong khi khả tăng tìm lại việc làm càng khó khăn hơn. ILO ghi nhận rằng 39 triệu người bị mất việc trong năm ngoái đang đứng trước khả năng tìm được việc làm mới ngày càng thêm u ám hơn.

Trong khu vực đồng euro (eurozone), Đức là nước có nền kinh tế vững vàng nhất. Vậy mà tỷ lệ thất nghiệp ghi nhận hồi tháng 12-2012 đã tăng liên tục suốt 9 tháng. Sở Lao động ghi nhận có 2.942.000 người thất nghiệp. Tuy nhiên. tỷ lệ này vẫn thấp hơn dự kiến ban đầu. Nền kinh tế lớn nhất châu Âu này đã đứng tương đối vững trong cuộc khủng hoảng nợ của khu vực đồng euro. Các nhà kinh tế học nói rằng Đức đã có dấu hiệu suy yếu về kinh tế, nhưng nó sẽ tránh được tình trạng suy thoái. Tỷ lệ thất nghiệp hiện nay ở Đức là 6,9%. Nhưng theo Stefan Schilbe ở HSBC Trinkaus, một khi nền kinh tế được cải thiện, tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm trở lại. Người ta ghi nhận ở Đức một điều tốt đẹp là các công ty nỗ lực để những người lao động có tay nghề giỏi không bị mất việc.

Nhưng bức tranh chung ở khu vực đồng euro là bi kịch. Hồi tháng 11-2012, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực này đạt mức kỷ lục mới khi hàng loạt công ty, từ các hãng sản xuất xe hơi tới nhà bán lẻ, sa thải công nhân. Ở Liên minh châu Âu (EU) gồm 27 nước, số người thất nghiệp đã lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 26 triệu người. (Năm 1999, khu vực này có 18,82 triệu người thất nghiệp, chiếm 11,8% lực lượng lao động).

Do khuynh hướng thất nghiệp hiện đang mở rộng ra nhiều đối tượng, giới trẻ hiện nay là thành phần bị mất việc nặng nhất. Trong con số 202 triệu người bị loại khỏi thị trường lao động năm 2013 này có tới 73,8 triệu ở độ tuổi 15 tới 24. ILO dự báo sẽ có thêm khoảng nửa triệu lao động trẻ nữa gia nhập đạo quân thất nghiệp trong năm 2014. Tỷ lệ giới trẻ thất nghiệp toàn cầu sẽ tăng từ 12,6% trong tổng số người trẻ ở tuổi lao động năm ngoái lên 12,9% vào năm 2017.

Một khuynh hướng đáng buồn nữa là số người thất nghiệp dài hạn cũng đang tăng lên. Chẳng hạn ở châu Âu, có tới 1 phần 3 số người thất nghiệp không có việc làm hơn 1 năm. Hiện nay có khoảng 35% lực lượng trẻ ở các nền kinh tế phát triển đã phải mất việc làm suốt 6 tháng hay lâu hơn. Đây là tỷ lệ tăng so với mức 28,5% hồi năm 2007.

ILO nhận xét: Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã cướp khỏi giới trẻ những cơ hội trên thị trường lao động. Nhiều người ngay từ khi mới bước chân vào đời đã phải nếm mùi cay đắng của cuộc đời.

ILO đã kêu gọi các nước đầu tư thêm nhiều tiền hơn nữa vào việc dạy nghề để trang bị cho giới trẻ khả năng làm được những công việc đang có nhu cầu. Nếu không, theo Tổng giám đốc Ryder, đây sẽ là một sự lãng phí quy mô lớn đời sống của giới trẻ và tài năng của họ. Nó gây tổn hại cực kỳ nghiêm trọng cho bản thân con người lẫn các xã hội của họ. ILO đưa ra dẫn chứng là ở những nước có chính sách dạy nghề tốt như Đức, Áo, Thụy Sĩ, tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ ở mức thấp nhất.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 25-1-2013)

Số người thất nghiệp trên thế giới (đơn vị tính: triệu người). Nguồn: Tổ chức ILO.

Thất nghiệp trong giới trẻ trên thế giới (đơn vị tính: triệu người). Nguồn: Tổ chức ILO.

VIDEO CLIPS

Disturbing rise in global unemployment, says ILO

Unemployment a Global Issue: Zuma