Thứ Năm ngày 25 tháng 4 năm 2024

Xu hướng xã hội trong những vụ bạo hành bằng súng ở Mỹ


Trong khi hai phe chống và ủng hộ quyền sở hữu súng đạn ở Mỹ vẫn giằng co nhau trong những cuộc tranh luận dài bất tận, số người bị thương vong bởi những vụ bạo hành bằng súng ở nước này tiếp tục tăng lên. Cho dù ngày càng có thêm nhiều người ủng hộ, Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn phải loay hoay với những biện pháp hạn chế súng trước thế mạnh quá lớn của những thế lực ủng hộ quyền sở hữu súng, trong đó có giới kinh doanh súng đạn.

Về mặt chính trị, Tổng thống Obama thuộc đảng Dân chủ và đảng này chỉ nắm quyền ở Thượng viện. Trong khi đó, đảng Cộng hòa nắm quyền ở Hạ viện vốn có truyền thống ủng hộ quyền sở hữu súng đạn. Hiến pháp Mỹ ngay từ khi mới ra đời đã xác nhận quyền sở hữu súng đạn của công dân. Và súng đạn đã trở thành một trong các loại văn hóa của người Mỹ.

Hồi trung tuần tháng 2-2013, trên báo Mỹ The Atlantic, Giáo sư Harold Pollack, đồng giám đốc Phòng Thí nghiệm Tội phạm ở trường Đại học Chicago và là một trong những tiếng nói có uy tín nhất về tình trạng bạo hành súng đạn dưới khía cạnh sức khỏe cộng đồng, đã nhấn mạnh tới xu hướng xã hội trong vấn đề băng đảng tội phạm và nạn bạo hành súng đạn ở Mỹ. Ông đưa ra công thức: người Mỹ + vấn đề xã hội hay bản thân + súng = những người chết. Theo ông, chỉ cần loại bỏ được yếu tố súng trong công thức này có nghĩa là sẽ giúp ngăn ngừa được nhiều cái chết.

Chicago ở bang Illinois là một điểm nóng về bạo hành súng đạn, thậm chí đôi khi được gọi là “thủ phủ sát nhân” của Mỹ. Năm 2012 ở đây đã xảy ra hơn 500 vụ giết người. Số vụ giết người tăng khoảng 25% so với năm 2011. Chicago đã vượt qua New York và Los Angeles về tình trạng bạo lực có liên quan tới súng đạn, hầu hết kẻ thủ ác là giới trẻ. Từ năm 2001 tới tháng 10-2012, người ta ghi nhận có hơn 5.000 người chết vì súng đạn tại Chicago (so với 2.000 lính Mỹ tử trận trong cuộc chiến tranh ở Afghanistan từ năm 2001 tới nay). Tổng chi phí xã hội phải gánh vác cho tình trạng bạo hành súng đạn tại Chicago mỗi năm lên tới khoảng 2,5 tỷ USD (bình quân 2.500 USD cho mỗi gia đình).

Ở Chicago thể hiện một điển hình chung hiện nay của tình trạng bạo hành súng đạn của Mỹ. Tỷ lệ vụ án giết người đang giảm trong các khu thượng lưu và trung lưu, nhưng đang tăng cao ở cộng đồng người da màu, đặc biệt là người Mỹ da đen.

Lễ tang Hadiya Pendleton, một nghệ sĩ biểu diễn trong lễ nhậm chức nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Barack Obama, bị bắn chết tại một công viên ở Chicago ngày 29-1-2013.

 

Có một điều mà các nhà nghiên cứu đang báo động là giới trẻ Mỹ ngày càng có xu hướng sử dụng bạo hành để đáp trả lại những mối đe dọa và thù địch. Các nhà tâm lý học gọi đó là “xu hướng quy kết cho ý định thù địch”. Theo đó, giới trẻ có xu hướng diễn dịch những cách hành xử mơ hồ của người khác như dấu hiệu của thù địch và đe dọa hơn với ý nghĩa thật sự của chúng. Điều nguy hiểm là trong thế giới của bọn trẻ, những giải pháp mang tính mệnh lệnh như kêu chúng “đừng đánh nhau nữa” thường có tác dụng ngược lại. 

61 vụ giết người hàng loạt bằng súng đã xảy ra ở Mỹ từ năm 1982 tới 2012.

270 triệu khẩu súng đang ở trong tay người dân Mỹ. Bình quân có 90 khẩu súng trong 100 dân Mỹ.

 

Hàng vạn người Mỹ mất mạng mỗi năm vì súng đạn. Giáo sư Harold Pollack than phiền rằng Quốc hội Mỹ đã tạo ra những rào cản đáng bực mình đối với những nhà nghiên cứu đang tìm cách hỗ trợ cảnh sát, quan tòa và công tố viên thực thi các nhiệm vụ duy trì pháp luật cơ bản. Các cơ quan công lực Mỹ không chỉ quá tải mà vừa bị vướng các luật lệ, vừa thiếu ngân sách.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 28-2-2013)