Thứ Năm ngày 25 tháng 4 năm 2024

Nhật ký ghi vội: thứ Sáu 1-3-2013


1.

Trong số rất nhiều lời chúc mừng sinh nhật của tôi hôm qua, tất nhiên lời chúc mà tôi mong đợi nhất và làm tôi hạnh phúc nhất là của Nàng (viết hoa).

Bà con đừng có so bì nghen. Sống già nửa đời người rồi, tôi có thể nói rằng ai tuyên bố mình dành tình cảm ngang nhau chỉ là anh chàng nói dối. Chớ có tít mắt mất cảnh giác mà nghe con nó rủ rỉ: con yêu cha, yêu mẹ ngang nhau! Chậc, nhưng mà trong cái ngữ cảnh này – chỉ riêng một cái ngữ cảnh này thôi nghen – nghe vậy vẫn sướng tai, vẫn mát cả ruột gan như lóng rày Saigon trời nóng bức ăn chén chè đậu xanh rồi đi tắm!

Có người thắc mắc: Nàng là ai? Thiên cơ bất khả lậu à nghen, nó là “Universal Secret” (bí mật vũ trụ), nghĩa là hơn hẳn “National Secret” (bí mật quốc gia). Thì nói mí mí đi. Vậy hả, đó là trong số những người đã gởi lời chúc mừng sinh nhật tôi. Còn mênh mông quá, khoanh vùng lại chút nữa đi. Được thôi, đó là phái đẹp. Trớt quớt, hỗng lẽ là đàn ông sao mà…

Thôi thì trước sau gì cũng phải khai, hôm nay ngày đầu tuổi mới, tôi xin khai: Nàng là một trong hàng trăm người ở nước trong và nước ngoài đã chúc mừng sinh nhật của tôi. Trong các bạn, ai rục rịch (ông bà mình biểu: có tật rục rịch mà), đó chính là Nàng!

 

2.

Tôi tình cờ lục trong tủ sách được bộ sách Việt Nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm mà tôi có từ năm 1970 – khi mới học lớp đệ Thất (nay là lớp 6) ở trường Trung học Công lập tỉnh Kiến Tường. Bộ sách do Trung tâm Học liệu Bộ Giáo dục Saigon xuất bản với sự hợp tác của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam được in trên giấy rất tốt thời đó, nay đã ngả vàng.

Đọc lại phần khảo luận về ca dao, tôi nhớ lại ngày xưa Giáo sư Quốc văn dạy rằng ca dao có 3 thể kết cấu: thể phú (muốn gì nói toạc móng heo ra, chẳng làm mất thời giờ của nhau), thể tỉ (ví von, so sánh, mượn bà hàng xóm để ngụ ý cho phu nhân mình hiểu ý mình muốn gì) và thể hứng (đi lòng vòng, mượn chuyện mần quen với con gâu gâu của nàng – đặng khi thấy mình nó không sủa mà còn vẫy đuôi rối rít – để rồi lân la tiếp cận với nàng).

 

Tôi bèn thử mần câu ca dao mới theo thể hứng:

“Hôm nay chẳng viết được gì

Bởi vì chẳng biết viết gì cho hay

Viết nhiều cũng phải mỏi tay

Còn yêu chẳng thể yêu ai hơn nàng.”

 

Vốn là một người rất tinh tế và có tài làm thơ, Nàng ắt sẽ giận dỗi hứ cái cóc (hay nóng tánh dộng bàn cái rầm, hên xui). Tại sao ở câu thứ tư, không dùng chữ “ngoài nàng” mà lại xài “hơn nàng”? Khà khà, chữ “ngoài nàng” có nghĩa là “only”, còn “hơn nàng” hàm ý “multi”. Ngôn ngữ Việt nó chết người như vậy đó.

 

Bởi vậy, để cho an lành, tôi bèn ráng vận 10 thành công lực mần tiếp 4 câu nữa đầy tính “xu nịnh”:

“Đầu trời chân đất ngang tàng

Với nàng xếp vó quy hàng sướng thân.

Vắng nàng, ta cứ bần thần

Như heo nhớ cám, gà quần cối xay.”

 

3.

Buổi sáng nay, tôi bắt gặp ở gần vòng xoay Ngã Sáu Chợ Lớn một anh chàng cỡi xe môtô lùn quảy tòng teng bên hông một chiếc máy ảnh Canon EOS 5D Mark II. Chàng là dân đi săn ảnh hay là người muốn khoe của đây? Cái nào cũng là uống thuốc liều và oan mạng như chơi. Tôi đâm sợ giùm anh chàng này.

Giá một cái body của Canon EOS 5D Mark II hiện cũng gần 35 triệu đồng rồi. Chỉ cần kẻ xấu nó phóng xe ngang qua giựt một cái là chiếc máy ảnh “cuốn theo dòng đời”. Cho dù chạy xe môtô, chàng ta cũng bị loạng choạng rồi, chưa nói có thể bị ngã xuống đường, làm sao mà đuổi theo bọn cướp.

Hôm Tết gặp lại một cậu em, anh chàng mới tậu một chiếc Canon EOS 5D Mark III (giá body chừng 60 triệu). Cậu em nói là dạo gần đây bọn giang hồ khoái giựt máy ảnh xịn hơn là cướp xe. Anh chàng giải thích: “Máy ảnh đâu có cà-vẹt (giấy xe) vừa dễ bán, vừa an toàn, vừa có giá.” Thiệt vậy, giựt được chiếc máy ảnh, bọn cướp chỉ cần nhờ một đồng bọn coi có vẻ “nhà lành” một chút mang “chiến lợi phẩm” tới một tiệm máy ảnh nào đó nói là mình đang kẹt tiền hay muốn bán để đổi máy khác. Dễ dàng hơn bán xe nhiều! Thậm chí, cậu em còn kể có một người bạn đeo chiếc balô loại chuyên đựng máy ảnh bị bọn cướp chạy xe ngang qua dùng mã tấu chém xả đứt lìa quai balô mà còn gây thương tích nặng cho nạn nhân. Vốn tràn trề  óc tưởng tượng, tôi bèn phóng đại thêm: không cần balô chuyên dụng đâu, balô thường cũng chết, chỉ cần bọn cướp canh me từ xa thấy “con mồi” bỏ máy ảnh vô đó.

Còn nhớ chuyện nóng hổi vừa xảy ra hồi Tết Quý Tị này. Một cô bạn của tôi ở dưới tỉnh lên Saigon thăm tía rồi hai tía con đi chợ Tết. Loáng một cái, chiếc túi xách mà cô bạn đeo bên người bị giựt mất: bên trong có chiếc iPad mà cô cho tía mượn xài hỗm rày vừa lên lấy về tính xài mấy ngày Tết và một số tiền không nhỏ vừa được tía lì xì. May mắn là của đi thay người!

Hy vọng câu chuyện này có ích chút nào đó cho các bạn đang sở hữu những chiếc camera “xịn”.   

 

4.

Giang hồ ngày càng hiểm ác và máu lạnh.

Thiệt vậy, cách đây ít năm thôi, nhà chức trách sợ nhứt là xử lý những vụ án cướp giựt do những tội phạm có xuất xứ từ miền Bắc. Chúng hại người trước rồi mới lấy tài sản. Giang hồ miền Nam, kể từ thời trước 1975 ở Saigon, chỉ sát thương nạn nhân khi bị dồn tới đường cùng hay bị chống cự quyết liệt.

Còn gần đây, chẳng còn có sự phân biệt giang hồ xuất xứ từ đâu. Giang hồ Việt chém trước, bắn trước rồi cướp sau. Báo hại không ít người oan mạng vì những tài sản chẳng có giá trị gì. Cách đây không lâu, có tin nói rằng ở quận 8, có người bị chặt tay để cướp chiếc điện thoại iPhone “tàu”.

Càng bất an hơn khi thiên hạ nhận xét rằng nhân viên công lực dường như muốn an thân, cố gắng để tránh né phải đương đầu trực tiếp với giang hồ, đợi xong chuyện thì mới xuất hiện. Hình như họ chọn cái chiêu: thà mất công truy nã tội phạm còn hơn đụng độ với giang hồ. Sáng hôm qua, trên đường Thành Thái (quận 10), tôi chứng kiến một đoàn 5 chiếc môtô cảnh sát 113, mỗi chiếc 2 người, hụ còi lao về phía đường Tô Hiến Thành. Có lẽ họ đi xử lý một vụ án. Và khi với số lượng áp đảo như vậy, nhân viên công lực an tâm hơn.

Mà thiệt ra đâu phải chỉ ở Việt Nam. Chuyện nhân viên công lực thủ cẳng cho an toàn vẫn xảy ra ở các nước khác. Bạn không để ý trong các phim hình sự Mỹ sao, tiếng còi xe cảnh sát thường chỉ hụ lên ở gần cuối phim, khi mọi chuyện đã an bài. Tôi qua Mỹ và biết rằng: khi phát hiện xe có nghi vấn, thậm chí chỉ là vi phạm giao thông thôi, cảnh sát chỉ hụ còi xe chạy theo rồi gọi điện kêu tiếp viện, tới chừng có thêm 1-2 xe nữa đến nơi, họ mới ép xe nghi vấn dừng lại.

Người sống ở Mỹ có kinh nghiệm sống còn: khi bị cảnh sát chặn lại, hai tay phải luôn để cho họ nhìn thấy (thí dụ như ngồi im để tay lên tay lái). Cảnh sát kêu làm gì thì hãy làm theo, chớ có xăng xái làm trước mà oan mạng. Hồi dân Việt mình mới di dân qua Mỹ, một số trường hợp thương tâm đã xảy ra. Khi bị cảnh sát chặn xe lại, người mình vốn tính xăng xái và quen lấy lòng với nhà hữu trách đã thắng xe lại rồi thọc tay vào túi quần móc bóp lấy giấy tờ. Dè đâu, cảnh sát tưởng lầm là kẻ tình nghi móc súng nên bắn trước.

Mùa đông vừa rồi, bạn học trường đại học của con trai một người bạn của tôi ở Maryland bị cảnh sát bắn chết khi mới 20 tuổi. Cuối tuần, cửa hàng mà cậu bé làm thêm mở cửa rất sớm. Do đang thời kinh tế khó khăn, thấy tiệm không quá xa, cậu bé đi bộ tới chỗ làm để tiết kiệm xăng. Sáng sớm mùa đông lạnh giá, cậu co ro và lùm thùm trong chiếc áo lạnh trùm đầu rộng lùng thùng. Khi đi vào đoạn đường có một nhóm cảnh sát đang canh me bọn tội phạm nào đó, cậu bé người Mỹ này bị cảnh sát chặn lại. Có lẽ lúc đó bị bất ngờ nên lúng túng với đôi tay thọc trong túi áo khoác, cậu bé bị cảnh sát tưởng lầm móc súng nên bắn chết.

Trong một đất nước mà hầu như ai cũng có súng (nước Mỹ hiện có 270 triệu khẩu súng trong dân, bình quân mỗi 100 người dân có 90 khẩu súng), và giữa tình trạng xã hội ngày càng căng thẳng vì khủng hoảng kinh tế khiến người ta dễ điên lên, cảnh sát Mỹ truyền nhau kinh nghiệm sinh tồn: thà bắn trước nghi can rồi có gì đi tù ít năm còn hơn là bị mất mạng!

Trở lại chuyện xứ mình, ta phải làm gì khi giang hồ ngày càng táo tợn và máu lạnh? Đừng hoảng hốt và thất vọng khi tôi nói rằng: giải pháp duy nhất là hồn ai nấy giữ. Bạn phải tự giữ lấy mình và tài sản của mình, luôn đề phòng bất trắc, đừng dễ ngươi, đừng liều mạng và đừng giỡn mặt với giang hồ! Tất nhiên, phải sống trong một tình trạng luôn phải căng thẳng và lo sợ như vậy quả là còn tệ hơn vợ thằng Đậu. Nhưng đó là cuộc đời thật sự mà bạn đang phải chung sống với nó. Do không phải là Thị Nở, bạn chẳng dại gì mà để gặp phải Chí Phèo!

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 1-3-2013)

 

+ Một người phụ nữ Mỹ đang khóa xe đạp của mình vào một cột biển hiệu giao thông tại góc đường bên cạnh trung tâm hội nghị Moscone Center ở downtown của thành phố San Francisco (bang California, Mỹ). Cô khóa tay lái xong còn khóa thêm bánh sau nữa. Đó là một triết lý sống ở Mỹ: của mình thì ráng mà tự giữ, chớ có khiêu khích bá tánh! (Ảnh PHP chụp tháng 9-2010).