Thứ Tư ngày 18 tháng 9 năm 2024

Dzhokhar đã khai những gì?

Có thể nói thiệt ra rằng những gì bị can 19 tuổi Dzhokhar Tsarnaev nói ra (và được tiết lộ) cho tới giờ làm nhẹ lòng phần nào cả chính quyền lẫn người dân Mỹ. Báo Washington Post cho biết hai anh em họ không hề làm theo lệnh một tổ chức khủng bố nước ngoài nào hết. Họ chỉ tự làm cho mình trở thành cực đoan với động cơ giết người Mỹ chủ yếu để báo thù cho các nạn nhân trong các cuộc chiến tranh do Mỹ gây ra ở Iraq và Afghanistan. Hai anh em tự cho mình có sứ mạng bảo vệ Hồi giáo.

Vậy là hai anh em Tsarnaev không có đồng bọn. Nước Mỹ không bị đe dọa bởi một tố chức khủng bố nào đứng đằng sau vụ đánh bom kép chiều 15-4-2013 tại Boston (bang Massachusetts). Còn cái vụ lên án chính quyền Mỹ khi tham chiến ở Iraq và Afghanistan thì ngay chính dư luận Mỹ trước nay vẫn làm như vậy, không có gì mới hết. Việc bảo vệ tôn giáo của mình cũng chẳng có gì đáng trách. Lâu nay chính quyền và không ít người Mỹ đã có nhiều hành động mua thù chuốc oán bị coi là bất công đối với cộng đồng Hồi giáo. Chỉ có điều – mà là nghiệt ngã cho tất cả, hai anh em này lại chọn một hành động quá dại dột và độc ác khi muốn sát thương những người vô tội. Họ đã phạm sai lầm khi khi muốn rửa thù cho những nạn nhân vô tội kia bằng máu của những người vô tội khác.

Cho tới nay có lẽ chỉ có Hồi giáo mới còn bị những thế lực nào đó diễn dịch sai giáo lý để làm cho tín đồ ngộ nhận rằng: mạng phải đền bằng mạng và coi người không tin theo Thánh Allah và Tiên tri Mohammed là kẻ thù của tôn giáo, coi việc giết những người dân của những nước kẻ thù Hồi giáo là hành động “tử vì đạo”. Những tín đồ Hồi giáo chân chính trên toàn cầu trước nay vẫn bức xúc với những hành động làm xấu đi hình ảnh của đạo Hồi, khiến người ta hiểu sai về tôn giáo này. Vì sao người Hồi giáo dễ trở thành cuồng tín và dễ bị những thế lực đen tối trong tôn giáo lợi dụng? Một trong những câu trả lời là Hồi giáo là tôn giáo có nhiều người thất học nhất thế giới. Trong tổng số 1,4 tỷ người Hồi giáo hiện nay, có tới 800 triệu là mù chữ (bình quân cứ 10 người Hồi giáo có 6 người không biết đọc chữ). Bởi vậy, tín đồ Hồi giáo chỉ biết nghe những gì các giáo sĩ phán bảo và dễ bị mụ mị.

Cơ quan FBI cho biết Dzhokhar hiện đã ổn định và đang hồi phục. Tuy nhiên, anh ta chưa nói được do vết thương ở họng.

Ngày 22-4, quan tòa đã tới tận giường bệnh viện để công bố quyết định chính thức khởi tố Dzhokhar với 2 tội danh cấp liên bang về sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt để giết và làm bị thương người và gây thiệt hại lan rộng tại cuộc đua Boston Marathon ngày 15-4-2013 làm chết 3 người và bị thương hơn 200 người. Nếu bị kết tội, anh ta có thể lãnh án tử hình.

Khi quan tòa hỏi có tiền thuê luật sư không, Dzhokhar trả lời là không. Tổ chức luật sư công của Mỹ cho biết sẵn sàng cử luật sư công bào chữa cho anh ta. Trong khi đó cha của anh ta, ông Anzor Tsarnaev, là một luật sư. Ông này đang sống tại quê nhà ở thành phố Makhachkala của tỉnh bán tự trị Dagestan (thuộc vùng Bắc Caucasus của Nga) và cho hãng tin Mỹ AP biết ông đang chuẩn bị sang Mỹ tìm công lý cho con trai. Tôi thì cho rằng có nhiều khả năng sẽ có những người Hồi giáo đóng góp tài chính, có thể thông qua gia đình Tsarnaev, để thuê luật sư bào chữa cho Dzhokhar. Bất luận thế nào, ai cũng muốn bị can này được xét xử một cách công minh.

Khác với anh bị coi là chủ mưu Tamerlan Tsarnaev, 26 tuổi, chỉ là thường trú nhân ở Mỹ (mang quốc tịch Nga), Dzhokhar đã trở thành công dân Mỹ vào ngày 11-9-2012. Khi gây án, anh ta là sinh viên năm thứ hai của trường Đại học bang Massachusetts. Ngày 22-4, trước khi bị khởi tố, anh ta được Nhà Trắng tuyên bố không bị coi là “chiến binh của kẻ thù” (enemy combatant) – nghĩa là không bị coi là phần tử khủng bố.

Ngày 23-4, các nhà điều tra Mỹ đã tới thành phố Makhachkala (miền nam nước Nga) để gặp gia đình Tsarnaev. Mỹ muốn làm rõ những hoạt động của Tamerlan trong suốt 6 tháng anh ta về Nga (từ tháng 1-2012). Gia đình Tsarnaev trước nay khẳng định con trai không hề tiếp xúc với các phiến quân Hồi giáo hay các phần tử cực đoan Hồi giáo. Họ nói rằng Tamerlan sùng đạo nhưng không phải là kẻ cực đoan. Nhưng ngày càng có những hé lộ cho thấy Tsarnaev đã càng trở nên sùng đạo hơn sau thời gian về Dagestan và Chechnya, nơi có đa số dân là người Hồi giáo và là hang ổ của xu hướng Hồi giáo cực đoan. Đây cũng là nơi phức tạp và nguy hiểm với những tổ chức phiến quân Hồi giáo lâu nay chống Nga và đòi ly khai khỏi Nga. Trong một thông cáo do cộng đồng Hồi giáo Boston đưa ra ngày 22-4, từ sau khi trở lại Mỹ vào tháng 7-2012, Tamerlan trở nên hung hăng hơn, cố chấp hơn và thường giận dữ phản kháng lại những thái độ của thành đường Hồi giáo mà anh ta coi là thân thiện với Mỹ. Các quan chức Mỹ cho rằng Tamerlan đã chịu ảnh hưởng nặng từ phiên bản Hồi giáo cực đoan chống Mỹ, anh ta say mê đọc các trang web về Thánh chiến Hồi giáo Jihad và các tài liệu tuyên truyền về Hồi giáo cực đoan.

Chuyện an táng Tamerlan cũng đang gây chia rẽ trong cộng đồng Hồi giáo ở Mỹ – người ủng hộ, kẻ chống việc an táng anh ta theo nghi thức Hồi giáo. Nhưng nghĩa tử là nghĩa tận, nhiều người cho rằng cho dù là kẻ sát nhân, anh ta vẫn là một tín đồ và hãy để Thượng đế phán xét linh hồn hắn. Cũng có tin nói rằng gia đình Tsarnaev muốn đem xác con trai về Nga mai táng.

Trang tin Yahoo News sáng 24-4 cho biết ngay trong công chúng Mỹ cũng đang có những thái độ trái chiều về việc xử lý Dzhokhar. Trang Change.org đã gởi cho Tổng thống Barack Obama một thỉnh nguyện thư với hơn 6.000 người ủng hộ đề nghị “bảo đảm cho Dzhokhar Tsarnaev quyền được xét xử công bằng” (a fair trial). Có những người lo ngại rằng bị can 19 tuổi này có thể bị nghiền nát bởi bộ máy công lực Mỹ.

Càng ngày càng có thêm những chi tiết về cách các cơ quan công lực Mỹ xử trí đối với hai anh em. Phải chăng đã có sự quá tay ở đây? Một mặt người ta hiểu đó là vì các nhân viên công lực lo sợ có những tổ chức khủng bố sẽ giải vây cho hai anh em, cũng như hai anh em có mặc áo gắn bom liều chết. Nhưng mặt khác những gì đã xảy ra cũng cho thấy tâm trạng hoảng sợ của các nhân viên công lực Mỹ. Tamerlan được chở vào bệnh viện trong tình trạng mà các bác sĩ mô tả là từ đầu tới chân không có chỗ nào là không dính đạn. Có gần một chục cảnh sát tham gia cuộc đấu súng với 2 anh em tại Watertown khuya 18-4. Cảnh sát trưởng Edward Deveau của Watertown kể rằng trong cuộc đấu súng 5-10 phút, hai bên bắn tới hơn 200 viên đạn. Chiếc thuyền mà Dzhokhar ẩn trốn trong tình trạng mất máu kiệt sức cũng dính chi chít vết đạn trong cuộc nổ súng cuối cùng khi cảnh sát bắt hắn. Dzhokhar được đưa vào bệnh viện cấp cứu với nhiều vết thương nơi cổ, họng, đầu và tay chân.

Kẻ bị coi là chủ mưu Tamerlan thì đã đền mạng. Dzhokhar rõ ràng là một tòng phạm. Chắc chắn công chúng Mỹ cũng giống như cộng đồng quốc tế đều muốn trừng trị đích đáng những kẻ gây tội ác, nhưng họ cũng muốn kẻ phạm tội phải được xét xử công minh. Người Mỹ vốn rất tốt, sống trong một xã hội thượng tôn pháp luật và có nền văn hóa yêu chuộng công lý, công bằng, hướng thiện và cao thượng, họ ắt biết mình phải làm gì trong những trường hợp như thế này. Nếu rõ ràng hai anh em không có ý đồ chính trị hay là thú tính của kẻ sát nhân máu lạnh mà chỉ đơn thuần là niềm tin tôn giáo và ý muốn tìm công lý cho những nạn nhân chiến tranh ở “hai nỗi đau của người Mỹ” là Iraq và Afghanistan, mọi việc trở nên phức tạp hơn nhiều.

Không phải vô cớ mà Tổng thống Obama yêu cầu nhà chức trách làm rõ động cơ của hai nghi phạm và tìm xem ai đứng đằng sau chúng. Dư luận Mỹ và thế giới vẫn thắc mắc: vì sao những người trẻ sống và học tập ở Mỹ lại trở nên những kẻ cực đoan căm thù và chống lại Mỹ? Nếu không tìm được lời giải cho những câu hỏi nhức nhối này, những thảm kịch tương tự vụ Boston sẽ tiếp tục xảy ra.

Một chuyện ngoài lề nữa: vụ đánh bom Boston đã kéo hai cường quốc Mỹ – Nga xích lại gần nhau hơn trong chuyện an ninh. Trước nay Moscow luôn phê phán Mỹ xem thường nguy cơ khủng bố xuất phát từ khu vực Bắc Caucasus phức tạp của Nga; trong khi Washington lại lên án việc Nga thẳng tay trấn áp các phiến quân Hồi giáo ly khai và cực đoan ở Chechnya và Dagestan. Có tin nói rằng cơ quan an ninh và tình báo hai nước cho biết sẽ tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin cho nhau.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 24-4-2013)

Ảnh tư liệu do bà cô Suleimanova cung cấp cho hãng tin AP khi họ đến gặp gia đình tại thành phố Makhachkala (Nga) ngày 22-4-2013. Tamerlan Tsarnaev thời nhỏ chụp ảnh với cha Anzor (trái) mẹ Zubeidat và người chồng của bà cô Muhamad Suleimanov (bên phải).