Thứ Ba ngày 23 tháng 4 năm 2024

Khi các nhà băng đua nhau đổi logo

logo-voscast-02

Lâu nay người ta nghe rằng chính phủ đang nỗ lực tái cơ cấu lại hệ thống ngân hàng ở Việt Nam để bảo đảm cho chúng hoạt động hiệu quả, đúng hướng và đặc biệt là an toàn hơn. Ngoài việc tái cơ cấu ra sao về mặt nội dung (vốn ở bên trong) mà người ngoài không biết được, dường như các ngân hàng cũng đang có xu hướng “thay mới chiếc bình rượu” bằng hình thức nhận diện mới (logo, màu sắc, kiểu chữ) gọi là “bộ nhận diện thương hiệu”. Tất nhiên là người ta mong rằng đó là những chiếc bình mới không phải để chứa loại rượu cũ – mà không ít loại giờ đã bị chua!

Sau khi MaritimeBank từ năm 2010 đã đổi logo màu xanh nước biển đặc trưng sang màu đỏ và Eximbank từ cuối năm 2011 cũng thay đổi bộ nhận diện thương hiệu với màu xanh dương và logo hình tròn hoàn chỉnh thay cho hình tròn khuyết ¼ trước kia, từ ngày 1-4-2013, hệ thống Vietcombank đã chính thức thay đổi nhận diện thương hiệu ở màu sắc, logo và phông chữ nhân kỷ niệm 50 năm hình thành.

Nghe nói ACB và Oceanbank cũng đã có những bước thử nghiệm thay đổi nhận diện thương hiệu. BIDV và Techcombank cũng đang rục rịch “thay áo”.

logo-vietcombank-03-moi-cu

logo-vietcombank-02

Khi Vietcombank công bố mẫu logo và kiểu thương hiệu mới, cộng đồng mạng đã râm ran “nghi án” rằng người thiết kế cho ngân hàng này có đạo ý tưởng của nước ngoài không. Có người nói là nó sao mà quen quen rồi cất công search tìm trên mạng.

Thì ra có một ngân hàng ở Nga cũng có cách thể hiện thương hiệu mình na ná.

logo-russia-bank

Nhưng gây giựt nảy cả mình khi nhìn thấy thương hiệu và logo của Voscast, một hãng chuyên cung cấp dịch vụ SHOUTcast hosting âm thanh trên Internet ra đời từ năm 2010. Chỉ cần nhìn qua là người ta dễ thấy có sự “trùng hợp” giữa 2 logo và kiểu chữ, cho dù không phải là anh em sinh đôi thì cũng là anh em cùng cha khác mẹ. Hai logo thì quá dễ gây nhầm lẫn, trong khi kiểu chữ thể hiện tên hai thương hiệu thì nói theo ngôn ngữ in ấn là cùng một gia đình font chữ chỉ khác nhau ở chỗ một dùng style normal (bình thường) còn một xài kiểu bold (đậm).

logo-voscast

logo-vietcombank-voscast

Một số bài viết trên Internet đã lập tức xuất hiện biện minh cho cái sự na ná nhau này. Cụ thể giải thích: những logo quá đơn giản thì dễ trùng nhau! (Chẳng hạn như bài này http://lifetv.vn/news-view/vietcombank-co-copy-logo-cua-voscast)

Thiệt tình là tôi không có đủ trình độ và cứ liệu để phán đây có phải là một scandal “đạo ý tưởng” hay không, tôi chỉ dám khiêm nhượng thỏ thẻ rằng hình như “hai tư tưởng lớn gặp nhau”. Tôi lăn tăn nghĩ rằng có lẽ khi thiết kế mẫu cho Vietcombank, họa sĩ thiết kế trước đó từng nhìn thấy logo của Voscast nên bị ám ảnh đó mà. Vậy thôi.

Có bạn nói rằng logo mới của VCB dễ bị nhầm là của một hãng may mặc quần áo vì nó trông giống cái… cổ áo.

Việc các doanh nghiệp, tổ chức thay đổi logo, cách thể hiện thương hiệu – thậm chí đổi tên – chẳng có gì là ầm ĩ. Thậm chí trong một số trường hợp nào đó còn đáng được vỗ tay khua chân tán dương. Nhưng cũng y chang tuyệt đại đa số các bạn mình, tôi lại cần nhất là sự đổi mới tích cực ở phần nội dung kia. Đã gọi là đổi mới phải tốt hơn cho xã hội – hài hòa lợi ích đa phương. Bình mới mà rượu cũ thì phỏng có ích gì cho quốc kế dân sinh?

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 27-4-2013)