Thứ Năm ngày 28 tháng 3 năm 2024

Có phải Mỹ sẽ không còn coi Taliban là kẻ thù?

130623-taliban-qatar 

Thật là một tin vui không chỉ cho Afghanistan mà cả thế giới khi ngày 18-6-2013 cả Mỹ và Taliban cùng tuyên bố họ sẽ tổ chức các cuộc đàm phán tìm một giải pháp chính trị khả thi để kết thúc cuộc chiến tranh kéo dài gần 12 năm qua ở đất nước Nam Á này. Sự kiện này càng có giá trị trong bối cảnh liên quân quốc tế đang chuyển giao việc kiểm soát đất nước cho quân đội và cảnh sát Afghanistan để thực hiện kế hoạch rút hết quân vào cuối năm 2014.

Theo giới bình luận quốc tế, Taliban giờ đây đã đáp ứng được một yêu cầu then chốt của Mỹ là cam kết không sử dụng lãnh thổ Afghanistan làm căn cứ để đe dọa các nước khác. Tuy nhiên Mỹ còn muốn Taliban phải cắt đứt quan hệ với hệ thống khủng bố Hồi giáo quốc tế al-Qaeda thì mới an tâm.

Trong chiến dịch báo thù cho cuộc tấn công đẫm máu chấn động địa cầu của khủng bố Hồi giáo ngay trên nước Mỹ ngày 11-9-2001, Mỹ đã coi phong trào Hồi giáo cực đoan Taliban là kẻ thù và vào đầu tháng 10-2001 đã đưa quân vào Afghanistan đánh đổ chế độ cầm quyền của Taliban. Cuộc chiến tranh mới ở Aghanistan giữa Mỹ, liên quân NATO và chính phủ mới của nước này với Taliban và các lực lượng phiến quân khác đã kéo dài cho tới tận ngày nay. Một thời gian sau khi bị đánh đổ phải chạy sang vùng biên giới của Pakistan dung thân, Taliban đã dần khôi phục lại lực lượng, quay lại Afghanistan từ năm 2005 và trở thành một lực lượng đối đầu chính ở Afghanistan. Trong bối cảnh chung và với tình hình thực tiễn, trong vài năm gần đây, Washington đã có những bước chuẩn bị để coi Taliban là một lực lượng chính trị ở Afghanistan. Mỹ quá hiểu rằng cuộc khủng hoảng ở Afghanistan sẽ không thể giải quyết được nếu không có sự tham gia của Taliban, cũng như Mỹ không thể nào hoàn tất được việc rút quân khỏi bãi lầy tiêu hao quá nhiều nhân lực và tài lực này nếu không có sự hợp tác từ Taliban.

Một sự kiện đánh dấu bước chuyển mới về vị thế của Taliban là việc chính thức khai trương văn phòng đại diện của Taliban tại Doha (Qatar) ngày 18-6-2013. Từ Bắc Ailen, nơi đang tham dự cuộc gặp thượng đỉnh nhóm nước G8, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đánh giá việc Taliban mở văn phòng chính trị đầu tiên ở nước vùng Vịnh này là “một bước đầu tiên quan trọng hướng tới hòa giải” giữa Taliban và chính quyền Afghanistan. Tuy nhiên, ông cẩn trọng nói rằng sẽ có nhiều trở ngại trên con đường này và quá trình hòa giải không thể nhanh chóng hay dễ dàng.

Thủ tướng David Cameron của Anh, nước có số quân đông thứ nhì trong liên quân ở Afghanistan (chỉ sau Mỹ) đã gọi việc mở văn phòng của Taliban là “việc đúng đắn để làm”.

Cũng nhân dịp này, Tổng thống Mỹ đã ghi điểm cho Tổng thống Hamid Karzai của Afghanistan khi ca ngợi ông này đã có bước đi dũng cảm là chủ động cử các đại diện tới thảo luận về hòa bình với Taliban.

Có tin nói rằng các đại diện Mỹ sẽ bắt đầu những cuộc họp chính thức với Taliban tại Qatar trong vài ngày tới.

Tướng Thủy quân lục chiến Joseph Dunford, tư lệnh quân Mỹ ở Afghanistan, nói rằng cách duy nhất để kết thúc cuộc chiến tranh này là thông qua một giải pháp hòa bình – một sự hòa giải chính trị. Ông nhấn mạnh rằng Afghanistan phải do chính người Afgahnistan làm chủ và lãnh đạo. Tướng Dunford cho biết bây giờ ông không còn chịu trách nhiệm về an ninh của Afghanistan mà các lực lượng sở tại đang làm công việc đó. Ông nói cụ thể: “Bây giờ đó là việc của Tổng thống Karzai.”

Việc chuyển giao vai trò bảo vệ an ninh cho lực lượng Afghanistan có nghĩa là Mỹ và các đạo quân NATO không còn trực tiếp chiến đấu chống quân nổi dậy, mà chỉ làm nhiệm vụ cố vấn và sẵn sàng hỗ trợ tải thương và vận tải bằng máy bay khi cần.

Hiện nay liên quân NATO ở Afghanistan có khoảng 100.000 quân từ 48 nước, trong đó Mỹ có tới 66.000 quân. Vào cuối năm nay, số lượng này sẽ giảm còn một nửa. Tới cuối năm 2014, tất cả quân chiến đấu nước ngoài sẽ phải rời khỏi Aghanistan. Nếu có được thỏa thuận song phương với chính phủ Afgahnstan, một số nước ngoài có thể để lại một số ít quân làm nhiệm vụ cố vấn và huấn luyện.

Cho tới nay Tổng thống Mỹ vẫn chưa công bố con số cụ thể lính Mỹ sẽ ở lại Afghanistan sau năm 2014. Người ta dự đoán rằng sẽ có khoảng 9.000 lính Mỹ và khoảng 6.000 lính thuộc NATO.

Lực lượng an ninh của Afghanistan đã tăng từ chưa tới 40.000 người cách đây 6 năm lên khoảng 352.000 quân hiện nay. Tuy nhiên, khó có ai dám đoan chắc là liệu lực lượng an ninh Afghanistan đã có đủ sức đối đầu với Taliban hay chưa. Vì thế, sự tham gia của Taliban trong bất cứ giải pháp hòa bình nào ở đây vẫn là điều kiện sống còn.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 20-6-2013)

 
130623-taliban-qatar

Thứ trưởng Ngoai giao Qatar – Ali bin Fahd al-Hajri (bên phải) và Jan Mohammad Madani, đại diện Taliban, cắt băng khai trương văn phòng chính trị đầu tiên của Taliban tại Doha (Qatar) ngày 18-6-2013.

VIDEOCLIPS:

Afghan Taliban opens Qatar office in search of political solution

US welcome Taliban’s office opening in Qatar

Kabul angry over Taliban office in Doha