Thứ Hai ngày 16 tháng 9 năm 2024

Gánh nặng chi phí quân sự của châu Âu

Mali Fighting

Trong những năm gần đây, không chỉ có Mỹ, một số nước châu Âu – đặc biệt là các đồng minh thân cận của Washington – ngày càng tham gia nhiều hơn vào các hoạt động quân sự hải ngoại ở những điểm nóng thời sự trên thế giới. Bên cạnh những lợi ích riêng, họ còn muốn đóng vai trò của mình trên trường quốc tế.

Khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hồi tháng 3-2011 quyết định thành lập “vùng cấm bay” ở Libya, quân đội Anh và Pháp đã thực hiện sự ủy nhiệm tiến hành cuộc can thiệp quân sự vào đất nước Bắc Phi này để chống lại Tổng thống Muammar Gaddafi. Tháng 1-2013, Pháp một mình đưa quân vào Mali với danh nghĩa giúp đất nước Tây Phi cựu thuộc địa của mình chống lại phiến quân Hồi giáo. Tới tháng 4-2013, Pháp bắt đầu rút một số trong 4.000 quân của mình ra khỏi Mali nhường công việc bảo vệ Mali cho lực lượng liên quân Tây Phi.

Operation Serval

Máy bay vận tải quân sự Mỹ đang giúp vận chuyển lính Pháp sang tham chiến ở Mali hồi đầu năm 2013.

Đối với cuộc khủng hoảng Syria mà nội chiến đẫm máu đã bước sang năm thứ 3, trong khi Mỹ chần chừ, một lần nữa châu Âu lại đi đầu trong việc ủng hộ quân nổi dậy chống Tổng thống Bashar al-Assad của đất nước Arập Hồi giáo Tây Á này.

Tất nhiên, việc càng tham gia vào các hoạt động quân sự hải ngoại càng làm cho các nước châu Âu thêm trĩu nặng thêm chi phí quốc phòng, đặc biệt là trong thời kỳ suy thoái kinh tế lan rộng. Vì thế giải pháp cho châu Âu là tập thể nhiều nước cùng chung sức thay vì một mình gánh tất cả như Mỹ.

Theo giới quan sát quốc tế, các cuộc can thiệp vào Libya và Mali đã bộc lộ những hạn chế của châu Âu khi tham gia hoạt động quân sự quốc tế. Trong vụ Libya, Mỹ đã phải cung cấp tới 80% số lượng máy bay tiếp tế nhiên liệu trên không, 75% tổng số giờ bay dọ thám trên không và 100% các hoạt động khí tài điện tử.

991029-F-6655M-009

Máy bay vận tải Mỹ đang tiếp xăng cho máy bay chiến đấu của Pháp ở Libya năm 2011.

Châu Âu hiện đang rối rắm trong việc định nghĩa về khả năng và chiến lược quân sự của mình tại một cuộc gặp thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) vào tháng 12 tập trung về quốc phòng với sự có mặt của 28 nguyên thủ quốc gia. Không chỉ có những khác biệt văn hóa, châu Âu còn bị yếu kém về khả năng quân sự – đặc biệt là giữa “3 ông lớn” Pháp, Anh và Đức. Người ta nói rằng nếu như liên quân châu Âu có thể tự lực được, Mỹ sẽ rảnh tay hơn để tập trung vào các mới quan tâm chiến lược trực tiếp của mình ở nơi khác trên thế giới.

Mỹ liên minh về quân sự với châu Âu chủ yếu thông qua Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thành lập hồi năm 1949 sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Thời cao điểm của Chiến tranh Lạnh, an ninh liên Đại Tây Dương là trung tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Năm 1962, Mỹ có 277.000 quân đóng ở châu Âu. Từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh năm 1989 tới nay. Mỹ đã giảm quân số của mình ở châu Âu tới 85%. Nhưng Mỹ vẫn còn phải gồng gánh chi phí cho phần lớn hoạt động của NATO. Đây là một bất lợi cho Mỹ khi Washington hiện nay đang chuyển sự quan tâm chiến lược của mình sang châu Á, nơi Trung Quóc đang trổi dậy.

Từ năm 2010 tới nay, cả NATO và EU đều có những chuyển biến theo hướng nâng cao năng lực quân sự của châu Âu. Một điển hình là Bộ Chỉ huy Không vận châu Âu (EATC) gồm Hà Lan. Bỉ, Pháp và Đức đặt phần lớn các đội bay vận tải và tiếp tế nhiên liệu trên không của họ dưới sự chỉ huy chung.

Bởi vì không có một nước nào ở châu Âu có đủ năng lực để một mình lãnh đạo cả EU, người ta đặt gánh nặng vào “3 ông lớn”. Anh và Pháp về bản chất và lịch sử rõ ràng là hai nước lãnh đạo về quốc phòng ở châu Âu. Cả hai đều là thành viên thường trực HĐBA LHQ, có vũ khí hạt nhân và có những di sản thuộc địa hình thành cái nhìn về vai trò của mình trong thế giới. Anh là nước có sức mạnh quân sự lớn nhất ở châu Âu. Còn Đức thì có sức mạnh kinh tế. Trong cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài hiện nay, trong khi các nước châu Âu khác xiểng liểng, phải cắt giảm ngân sách quốc phòng, Đức vẫn vững vàng về kinh tế. Ba nước này chiếm tới 60% tổng chi phí quân sự của EU. Chỉ có điều, “3 ông lớn” này chẳng dễ dàng chịu ngồi chung bàn với nhau. Suy cho cùng, liệu Đức có chịu chìa vai gánh vác phần lớn gánh nặng quân sự của EU hay không đó mới là điều quan trọng nhất?

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 4-7-2013)

Mali Fighting

Lính Pháp ở Mali đầu năm 2013. (Nguồn: Internet. Thanks.)