Thứ Hai ngày 23 tháng 12 năm 2024

Tấm bản đồ online của dân online đang giúp cứu người ở Philippines

2013nov-philippines-typhoon-haiyan-osm-map-01

 

Phải nói rằng công việc cứu trợ nạn nhận siêu bão Haiyan ở Philippines lần này của Hội Chữ thập Đỏ Hoa Kỳ thuận tiện và hiệu quả hơn bao giờ hết. Đó là nhờ cái tấm bản đồ “huyền diệu” của các “thầy địa lý online”.

Trong lúc nhà Google đã đưa ra công cụ tìm người online Google Person Finder để giúp tìm kiếm những nạn nhân bị mất tích trong trận siêu bão Haiyan ở Philippines, những người tình nguyện khác trên khắp thế giới đang khẩn trương xây dựng những cơ sở hạ tầng kỹ thuật số để giúp tổ chức Chữ thập Đỏ cứu giúp các nạn nhân may mắn sống sót ở quần đảo Đông Nam Á này.

Đó là một bản đồ số chi tiết về những khu vực bị ảnh hưởng bởi trận bão Haiyan ở Philippines.

Kế từ ngày thứ Bảy 9-11-2013, tức chỉ một ngày sau khi trận siêu bão có sức gió mạnh nhất trong lịch sử Philippines đổ bộ vào miền trung nước này, 410 người tình nguyện đã bổ sung gần 750.000 chi tiết vào bản đồ online miễn phí các khu vực trong và chung quanh Philippines. Những bổ sung này cho thấy thực trạng các vùng đất trước và sau khi bị bão ra sao, nhờ đó giúp các nhân viên cứu trợ và những người tình nguyện có thể quyết định những nơi nào cần thiết và có thể tiếp cận được để gởi hàng cứu trợ.

Những bổ sung này đã được thực hiện trên bản đồ đường phố mở OpenStreetMap (OSM), một dạng từ điển bách khoa Wikipedia về bản đồ. Được hình thành từ năm 2004, OSM đang hoàn thiện dần để trở thành một bản đồ thế giới online đầy đủ được cung cấp miển phí cho mọi người và cho phép mọi người cùng tham gia biên tập nó. Nghĩa là y chang như ở từ điển bách khoa online “gì cũng biết” Wikipedia. Cho tới nay có hơn 1 triệu người trên thế giới đã dùng bản đồ này.

Dale Kunce, một kỹ sư địa lý không gian (geospatial engineer) cao cấp của Hội Chữ thập Đỏ Hoa Kỳ, cho biết: Tổ chức Chữ thập Đỏ khi hoạt động quốc tế gần đây đã bắt đầu sử dụng các phần mềm và dữ liệu mã nguồn mở trong tất cả các dự án của mình. Cái lợi của việc sử dụng mã nguồn mở này là sau khi được Hội Chữ thập Đỏ bàn giao lại cho bên sử dụng, dự án không phát sinh hay chỉ tốn rất thấp chi phí vận hành. Và cũng nhờ vậy, từ nay, bất cứ phần mềm hay cơ sở dữ liệu nào do Hội Chữ thập Đỏ thực hiện đều được phát hành theo một giấy phép mã nguồn mở hay tương tự như vậy. Cộng đồng có thể tiếp cận và thụ hưởng hầu hết các công trình này một cách “l’amour c’est pour rien” (tình cho không biếu không).

Mặc dù bản đồ OSM trước đây đã được sử dụng trong các cuộc khủng hoảng nhân đạo, nhưng trong trận bão Haiyan này, lần đầu tiên Hội Chữ thập Đỏ Hoa Kỳ mới trực tiếp điều phối việc sử dụng nó và các nỗ lực của các tình nguyện viên chung quanh nó.

2013nov-philippines-typhoon-haiyan-before-after-tacloban-01

 

2013nov-philippines-typhoon-haiyan-before-after-01

Vậy thì các tình nguyện viên trên khắp thế giới đã làm những gì?

Hơn 400 tình nguyện viên đang biên tập bản đồ OSM trong những ngày qua không phải tất cả đều là dân làm bản đồ chuyên nghiệp. Họ được tổ chức bởi Nhóm OSM Nhân đạo trên Twitter và sử dụng các dữ liệu vệ tinh để bổ sung vào OSM. Bản đồ này vốn được tích hợp một công cụ biên tập rất dễ sử dụng giúp lót hình ảnh do vệ tinh chụp (mà trên đó có thể nhìn thấy rất rõ các cơ sở hạ tầng như đường sá hay nhà cửa, địa hình) nằm bên dưới hình ảnh thế giới có sẵn trên OSM. Sau đó, các tình nguyện viên có thể lần theo dấu vết (trace) những sự thay đổi trên thực địa trước và sau trận bão. Chỉ trong 3 ngày sau khi siêu bão Haiyan đổ bộ vào Philippines, họ đã theo dấu được khoảng 30.000 tòa nhà ở khu vực bị bão. So sánh dữ liệu trước và sau bão, họ đã đánh dấu từng tòa nhà này là còn nguyên vẹn, hay bị hư hại hoặc đã bị phá hủy. Các cơ sở hạ tầng cũng được xử lý tương tự.

Hội Chữ thập Đỏ Hoa Kỳ đã cử 4 nhân viên tới Philippines, trong đó có Helen Welch, một nữ chuyên viên quản lý thông tin, mang theo hơn 50 tấm bản đồ thành phố Tacloban và các khu vực bị bão càn quét nặng khác được trích từ OSM và in ra trên giấy vào ngày 9-11-2013, nghĩa là trước khi được các tình nguyện viên hiệu chỉnh. Sau khi đã được biên tập thực trạng và chi tiết mới nhất, các bản đồ mới đã được gửi sang Philippines để in ngay tại chỗ cung cấp cho các toán cứu trợ. Chúng trở thành những trợ thủ đắc lực cho họ và sau đó còn được những người trực tiếp có mặt tại chỗ bổ sung thông tin để hoàn chỉnh. Kỹ sư Kunce cho biết: chỉ trong vòng 12 tiếng đồng hồ sau khi đặt chân lên Philippines, chuyên viên Welch đã nhận thêm được 3-4 tấm bản đồ mới đã được cập nhật dữ liệu. Nhờ đó, công việc cứu trợ trở nên thuận tiện và hiệu quả hơn.

2013nov-philippines-typhoon-haiyan-osm-map-tacloban-02

Hội Chữ thập Đỏ Hoa Kỳ bắt đầu quan tâm tới việc sử dựng dữ liệu địa lý không gian sau khi xảy ra trận động đất mạnh 7 độ Richter ở Haiti năm 2010 giết chết từ 100.000 tới 316.000 người. Hồi đó, sử dụng các dữ liệu vệ tinh, những tình nguyện viên đã cập nhật bản đồ thủ đô Port-au-Prince trên OSM giúp tổ chức các hoạt động cứu trợ và tìm cứu. Những nỗ lực ấn tượng của các tình nguyện viên đã thuyết phục được giới lãnh đạo Hội tập trung vào các bản đồ số hay hệ thống thông tin địa lý (GIS, geographic information system). Kể từ đó các bản đồ OSM của Hội Chữ thập Đỏ Mỹ ngày càng thêm nhiều và có chất lượng cao hơn.

Trở lại thảm họa Haiyan, Cục Tình báo địa lý không gian quốc gia (NGA) thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ đã chụp được các hình ảnh vệ tinh mới nhất của Philippines sau bão. Bộ Ngoại giao Mỹ đang điều đình với NGA cung cấp những hình ảnh vệ tinh này cho Hội Chữ thập Đỏ để làm cơ sở cập nhật bản đồ OSM. Chắc chắn với các hình ảnh mới nhất này, các tấm bản đồ trên tay các nhóm cứu trợ sẽ chi tiết và thực tế hơn. Có nghĩa là sẽ có nhiều nạn nhân được tiếp cứu một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn. Không chỉ giúp giảm bớt những cơ cực, đau khổ của những nạn nhân may mắn sống sót sau “thảm họa tận thế” này, mà những người có tấm lòng còn giúp ngăn ngừa được những cái chết sau thiên tai do khủng hoảng nhân đạo!

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 14-11-2013)

PHOTO: Thành phố Tacloban trước và sau khi bị bão Haiyan. Bản đồ OSM khu vự bị bão của Philippines đã được cập nhật với đường đỏ là đường đi của bão và những mảng màu là những khu vực vừa được đánh dấu thực trạng. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks.)