Thứ Tư ngày 01 tháng 5 năm 2024

Nhà thờ thành nhà… hộ sinh

131116-philippines-typhoonhaiyan-tacloban-chapel-newborns-05

 

Cả thành phố tâm bão Tacloban đổ nát và tang thương sau trận siêu bão Haiyan đổ vào ngày 8-11-2013 chỉ còn Trung tâm Y tế Khu vực Eastern Visayas là bệnh viện duy nhất hoạt động. Ngôi nhà nguyện nhỏ (chapel) ở tầng trên của tòa nhà 2 tầng này đã được tận dụng làm nhà hộ sinh.

Tầng trệt của bệnh viện bị nước biển dâng cao tràn ngập và phòng săn sóc đặc biệt (ICU) dành cho các bé mới sinh chỉ còn lại bùn lầy, rác rưởi. Hệ thống máy cứu sinh và chiếc lồng ấp trẻ sinh thiếu tháng đã bị bùn và nước làm hư.

Khi bão tố xông tới dữ dằn, các thầy thuốc đã đưa 20 trẻ sơ sinh đang nằm tại ICU lên lánh nạn trong ngôi nhà nguyện. Cứ 3 tới 4 bé nằm chen chúc như cá mòi đóng hộp trong một chiếc nôi nhựa vốn chỉ dành cho một bé sơ sinh. Trong mấy ngày sau có thêm 10 trẻ sơ sinh chào đời trong và sau trận bão đã được đưa lên nhà hộ sinh tạm này.

Trong số này có bé gái Althea Mustacisa sinh ngày 13-11, nặng 2,65kg, có phổi không thở được. Sau khi tiến hành thủ thuật hồi sinh tim phổi cơ bản (CPR) cho bé, bác sĩ đã cung cấp oxy cho bé thông qua một bong bóng cao su màu xanh vừa lọt vào chiếc miệng tí hon của bé. Điều nghiệt ngã là hệ thống trợ giúp thở này phải bơm bằng tay. Nữ y tá Amies Sia nói rằng: “Nếu ngưng bóp bong bóng bơm, bé sẽ chết”. Bé Althea không thể tự thở và các thầy thuốc chỉ biết được bé còn sống qua nhịp tim. Cha mẹ của bé đã phải thay phiên nhau bơm oxy vào phổi để giữ mạng sống cho con. Đã có một lần xảy ra sự cố tim ngưng đập, thân hình bé trở nên tím tái, các bác sĩ đã phải gắn một cây kim tiêm IV vào cuống rốn của bé, rồi sự sống chầm chậm trở lại. Các bác sĩ tiên lượng xấu cho tình trạng của bé Althea. Cô y tá Sia cho biết: “Nếu như có được máy thở nhân tạo, bé có nhiều khả năng được cứu sống hơn.” Nghĩa là phải chờ có điện. Trong khi chờ đợi, cha mẹ bé vẫn phải thay nhau bơm không khí cho con. Người mẹ trẻ Genia Mae Mustacisa khom người hôn nhẹ lên trán đứa con gái 3 ngày tuổi đang nằm trên chiếc bàn gỗ, mắt nhắm nghiền. Chị bóp bóng bơm với nước mắt lăn dài trên má. Chị thầm thì với con: “OK. Mẹ yêu con nhiều lắm. Bất luận điều gì xảy ra, mẹ yêu con nhiều lắm.”

131116-philippines-typhoonhaiyan-tacloban-chapel-newborns-03

Người mẹ trẻ Genia Mae Mustacisa bên đứa con gái 3 ngày tuổi.

Một người mẹ khác cũng phải bơm oxy để cứu con. Chị Nanette Salutan, 40 tuổi, chuyển dạ khi gió bắt đầu mạnh lên. Khi gió bão vừa giảm đi, chị đã được chồng dìu đi bộ tới bệnh viện. Hai người đã phải mất 8 tiếng đồng hồ lội nước cao tới thắt lưng len lách giữa các đống đổ nát ngỗn ngang xác chết. “Lúc đó, tôi chỉ nghĩ một điều là con tôi phải được sống.” Ngay trong đêm đó, lúc 2g13ph sáng, Salutan đã sinh được bé trai Bernard nặng 2,6kg và dài chỉ 45cm. Chị đã bồng đứa con mới sinh giơ lên trước bàn thờ trong nhà nguyện như dâng hiến cho Chúa. Nhưng khi thấy bé không khóc, người ta biết có chuyện. Thì ra bé sơ sinh này không thở được. Các bác sĩ đã phải tiến hành thủ thuật CPR rồi gắn ống truyền oxy vào mũi bé. Cho tới nay bé Bernard vẫn còn rất yếu, phải được nuôi bằng chiếc ống gắn vào miệng. Nhưng nữ bác sĩ trực Leslie Rosario cho biết bé Bernard có nhiều cơ hội sống.

Trong số 20 bé sơ sinh đầu tiên được chuyển từ phòng ICU ở tầng trệt lên ngôi nhà nguyện, có 6 bé đã chết. Bác sĩ Rosario nói rằng: “Chúng tôi thiếu các thiết bị cứu sinh cần thiết do chúng đã bị phá hỏng.”

Suốt cả tuần đầu, nhà hộ sinh tạm trong nhà nguyện chỉ được thắp sáng bằng những cây nén. Mãi tới ngày thứ bảy 16-11, một ngọn đèn huỳnh quang nhỏ được gắn ngay trên bàn thờ bây giờ ngổn ngang những gói tã lót. Bệnh viện đã được thắp sáng từ một máy phát điện mới được cung cấp. Đó là ngày thứ 8 kể từ khi siêu bão Haiyan tấn công thành phố này.

Bệnh viện duy nhất còn hoạt động của thành phố Tacloban đang thiếu nhân viên trầm trọng. Nhà hộ sinh có 16 người, nhưng sau bão chỉ còn 3 người làm việc. Số còn lại biệt tăm và cũng chẳng ai biết họ còn sống hay chết. Bộ Y tế vừa gửi 2 y tá từ thủ đô Manila tới tăng cường.

Ngay tình trang của nhà hộ sinh tạm cũng thiệt thê thảm. Tất cả các cánh cửa sổ của ngôi nhà nguyện đều bị nứt vỡ hay bay mất.

Vào hôm 16-11, có 24 trẻ sơ sinh đang được chăm sóc ở đây. Ngoài 5 bé trong tình trạng nghiêm trọng, toàn bộ số còn lại đều bị sốt hay những chứng bệnh khác. Nhiều cháu sinh thiếu tháng lại không có thiết bị cứu sinh. Các ông cha bà mẹ phải tự tìm cách ủ ấm và che gió cho con. Giường nằm cho các sản phụ chính là 28 băng ghế ngồi của nhà nguyện.

Những gì mà phóng viên Todd Pitman của hãng tin Mỹ AP tường thuật sau chuyến thăm nhà hộ sinh tạm trong nhà nguyện của bệnh viện ở Tacloban hôm 16-11 làm mọi người xót xa, thương cảm cho tất cả, từ các bé sơ sinh, cha mẹ chúng cho tới mấy nhân viên ít ỏi vẫn còn trụ lại làm việc. Nhưng người ta cũng sẽ thêm trách cứ chính quyền, ngay từ cấp cao nhất ở thủ đô Manila. Vì sao nhà chức trách lại không nhanh chóng tiếp ứng cho bệnh viện duy nhất đang phục vụ những nạn nhân sống sót này? Sự phản ứng quá chậm chạp và xoay trở nặng nề của bộ máy chính quyền Philippines hỗm rày đang bị dư luận quốc tế càm ràm và nhiều cư dân địa phương nổi quạu. Càng đáng đánh đòn hơn khi đây đâu phải là lần đầu tiên quần đảo Philippines nằm trên vành đai bão tố Thái Bình Dương bị thiên tai!

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 17-11-2013)

 + PHOTO: Tại nhà hộ sinh tạm trong nhà nguyện ở Tacloban ngày 16-11-2013. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks.)

131116-philippines-typhoonhaiyan-tacloban-chapel-newborns-01

131116-philippines-typhoonhaiyan-tacloban-chapel-newborns-02

131116-philippines-typhoonhaiyan-tacloban-chapel-newborns-04

Chị Genia Mae Mustacisa (giữa) đang bơm oxy cho bé gái 3 ngày tuổi của mình. Đứng bên cạnh là người chồng Emmanuel Barrico. Ảnh chụp ngày 16-11-2013.

131116-philippines-typhoonhaiyan-tacloban-chapel-newborns-06