Thứ Năm ngày 21 tháng 11 năm 2024

Philippines 3 tuần sau trận bão thảm khốc nhất lịch sử

131116-philippines-typhoon-haiyan-tacloban-01

 

Đã tròn 3 tuần sau khi trận siêu bão Haiyan có sức gió mạnh nhất trong lịch sử Philippines càn quét miền trung quần đảo Thái Bình Dương này ngày 8-11-2013. Theo con số chính thức công bố ngày 28-11, với 5.560 người chết, đây là trận bão gây thương vong lớn nhất trong lịch sử nước Đông Nam Á này. Có 1.757 người vẫn còn mất tích. Khoảng 4,4 triệu người phải bỏ nhà cửa sơ tán. Liên Hiệp Quốc ưóc tính có ít nhất 14 triệu người bị ảnh hưởng bởi thảm họa này, trong đó có 1,8 triệu trẻ em phải sơ tán. Bộ trưởng Ngân sách Florencio Abad cho biết chính phủ ước tính cần tới 38,8 tỷ peso (khoảng 881 triệu USD) để tiếp tục các hoạt động cứu trợ nạn nhân, khôi phục cuộc sống và công ăn việc làm, cung cấp nơi tạm cư, phục hồi các bệnh viện và trường học, khôi phục lại hệ thống cấp điện nước cho các tỉnh bị bão tàn phá.

Công việc bức thiết nhất là dọn dẹp những đống đổ nát

Người ta mô tả cảnh tượng ở nơi bão Haiyan càn quét trông giống như sau một vụ ném bom nguyên tử. Khi đổ bộ vào đây, siêu bão Haiyan có sức gió tới 235 km/giờ và giật tới 275 km/giờ, nghĩa là ở cấp 4 trong thang bão 5 cấp của Mỹ. Với sức quật hung hãn đó, trận bão hầu như chẳng để lại gì trên con đường nó càn quét qua. Gió giật, sóng cao 4-5 mét quật vào bờ, nước dâng cao nhận chìm cả những thành phố. Bộ trưởng Nội các Rene Almendras của Philippines nói trong một cuộc họp báo rằng: “Trong một số trường hợp, bão phá hủy toàn bộ.” Ước tính bão Haiyan đã tàn phá từ 70 tới 80% các cấu trúc trên mặt đất trong đường đi của nó dọc hai tỉnh duyên hải Leyte và Samar ở miền trung nước này. Nhân viên cơ quan viện trợ Mỹ USAID tới Philippines đã báo cáo rằng có những nơi có tới 90% số nhà cửa bị phá hủy hoàn toàn.

Bởi vậy, lúc này, công việc quan trọng và cấp thiết nhất là dọn dẹp các nơi bị bão tàn phá tạo điều kiện khôi phục lại cuộc sống và không làm môi trường thêm tổn hại. Hàng chục ngàn nạn nhân sống sót đang được các cơ quan LHQ thuê dọn dẹp và làm vệ sinh các thành phố và nông trại bị tàn phá. Đây là một phần trong các chương trình “chi tiền để tạo việc làm” (cash-for-work). Tim Walsh, phụ trách nhóm công tác của Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) hoạt động tại thành phố tâm bão Tacloban và các vùng lân cận nói về chương trình này rằng: “Điều này không chỉ quan trọng để giúp bình thường hóa nền kinh tế, mà còn cho các nạn nhân sống sót tìm lại cái cảm giác mình có giá trị trong cuộc sống.” LHQ phối hợp với chính quyền Philippines đang hy vọng sẽ tạo ra ít nhất 200.000 công ăn việc làm có thể kéo dài tới 3 năm.

Theo UNDP, nhiệm vụ tức khắc của các công nhân sau bão này là dọn dẹp các núi rác rến và xà bần để mở đường cho các hoạt động vận chuyển hàng cứu trợ tới được các nơi cần thiết. Nhiệm vụ này rất nặng nề khi hàng chục cộng đồng dân cư duyên hải đã bị bão càn quét thành bình địa, làm hư hỏng hầu như mọi cơ sở hạ tầng của vùng đô thị.

Những lao động tình nguyện được trả công từ 250 tới 500 peso (5-10 USD) mỗi ngày để dọn dẹp và vận chuyển các đống đổ nát tới các điểm tập kết cho xe tải chở ra bãi rác tạm ở bên ngoài thành phố Tacloban. Tại đó, người ta tiến hành phân loại các đống phế thải, tận dụng lại những vật liệu như ván gỗ cho việc xây dựng lại nhà cửa, trường học sau này. Ngay cả xà bần xi măng, gạch đá cũng sẽ được tận dụng để khôi phục các con đường.

John Lim, quan chức quản lý thành phố Tacloban, nói rằng việc để cho các cư dân tự tay dọn dẹn và tái thiết địa phương của mình sẽ giúp họ nhanh chóng vượt qua những cú sốc tinh thần sau thảm họa. Ít nhất họ cũng có được cảm giác mình có ích và có thể đứng lên bằng đôi chân mình.

Những người nông dân khổ gấp đôi

Philippines là một nước công nghiệp hóa mới nổi lên, nhưng xuất phát từ nền tảng nông nghiệp. Trong tổng số khoảng 38 triệu lao động, khu vực sản xuất nông nghiệp chiếm tới 32%.

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) ngày 27-11 khuyến cáo rằng: các nông dân chịu trận bão Haiyan đang phải đối mặt với “thảm họa kép” (double tragedy) nếu không được trợ giúp khẩn cấp để làm sạch ruộng đồng, khôi phục hệ thống thủy lợi và chuẩn bị trồng trọt.

FAO đã kêu gọi cộng đồng quốc tế trợ giúp ít nhất 11 triệu USD để giúp người dân nông thôn Philippines khôi phục lại cuộc sống và sản xuất. Dominique Burgeon, Giám đốc Cơ quan Khẩn cấp và Phục hồi (ERD) của FAO nhấn mạnh: “Sẽ là một thảm họa kép nếu như trong mùa xuân tới các gia đình nông dân vẫn còn phải cần tới nguồn lương thực cứu trợ.” Các nguồn viện trợ quốc tế chỉ mang tính nhất thời và không đủ khả năng để bao quát hết. Vì thế, quan trọng nhất là tạo điều kiện cho người nông dân có thể phục hồi sản xuất kịp thời vụ.

Bộ Nông nghiệp Philippines đã yêu cầu FAO cung cấp chương trình “chi tiền để tạo việc làm” cho việc khôi phục khoảng 150.000 hecta và 80km kênh mương thủy lợi. Bình quân cần 10 ngày để một người có thể dọn dẹp được 1 hecta canh tác. Ngoài ra cũng cần tiền để khôi phục khoảng 1.400 máy bơm tưới tiêu.

Trước đó, FAO đã yêu cầu ngân sách 20 triệu USD để giúp các nông dân Philippines trồng trọt, bón phân, tưới tiêu và duy trì mùa màng của mình để bảo đảm cho mùa thu hoạch trong năm 2014.

Số phận những đứa trẻ mồ côi sau siêu bão

Cô bé 15 tuổi Shylyny Therese Negru có mái tóc uốn rối bù được cột đuôi gà ngồi ẵm đứa em trai út 3 tuổi đang bị sốt mà giàn giụa nước mắt. Hai chị em không thế tách rời nhau được nữa kể từ khi chúng mất cha mẹ trong trận siêu bão Haiyan. Cô bé kể: “Nước cuốn mạnh lắm. Thêm gió và mưa nữa. Căn nhà của con bị vỡ làm hai.” Cuối cùng chỉ còn cô bé và 3 đứa em trai 3 tuổi, 6 tuổi và 12 tuổi sống sót.

131121-philippines-typhoon-haiyan-tacloban-shylyny-orphans-01

Hai chị em cô bé 15 tuổi Shylyny Therese Negru đã trở thành trẻ mồ côi sau bão Haiyan. (Ảnh: David Guttenfelder/AP)

131121-philippines-typhoon-haiyan-tacloban-shylyny-orphans-03

4 chị em hiện sống tại nhà một bà cô của mẹ tại thị trấn nông nghiệp Burauen, cách thành phố Tacloban khoảng 40km. Cô bé nói mình đã chấp nhận sự thật là cha mẹ đã chết, nhưng cô mong muốn tìm lại được thi thể của họ và của một đứa em trai cùng chung số phận với cha mẹ. Trước trận bão dữ, Shylyny là một nữ sinh trung học với ước mơ sau này làm nhân viên kế toán hay trở thành nhà báo.

Cậu bé 12 tuổi Richard Chris Negru, em của Shylyny, kể rằng cậu đã nắm được tay mẹ nhưng không thể kéo bà lên vì chân bà bị kẹt trong đống đổ nát. Người mẹ thúc giục con trai mau thoát thân, bà chỉ kịp dặn con hãy lo cứu mấy đứa em, chăm sóc các chị em mình và cố gắng trở thành một người con trai tốt, rồi bị sóng nước đang dâng cao nhận chìm. Người cha đã cố gắng đưa được 2 đứa con nhỏ lên trần ngôi nhà 2 tầng của họ, nhưng ông đã bị dòng nước cuốn trôi ngay lập tức. Richard Chris và 2 đứa em trai đó đã tìm cách leo lên được nóc ngôi nhà bên cạnh. Trong khi đó, Shylyny đã cố gắng cứu đứa em trai 10 tuổi Richard Lawrence Dacuno vốn bị bệnh tâm thần. Hai chị em dìu nhau trong khi nước đang lên nhanh, nhưng cô bé đã bị một vật gì đó giáng mạnh vào người, tách ra khỏi em mình. Tuy không biết bơi, nhưng Shylyny đã may mắn nắm được áo một người hàng xóm và được ông này đỡ lên chỗ cao hơn.

Còn Richard Lawrence đã bị nước cuốn trôi. Sau đó người ta tìm thấy xác của cậu bé trong cầu thang ngôi nhà hàng xóm. Những người cứu hộ đã đặt xác cậu bé bên cạnh đường cùng với những xác nạn nhân khác. Ông nội Ricardo Negru Jr. của cậu đã để xác cháu nằm qua đêm ở đó để đi tìm kiếm người anh em họ của chị em Shylyny. Khi ông quay lại thì xác của cháu nội đã bị những người cứu hộ thu gom mang đi đâu mất. Ông Ricardo Negru 70 tuổi hiện đang tạm cư trong một ngôi nhà thờ. Ông nói rằng cháu mình có lẽ đã được chôn trong một ngôi mộ tập thể ở đâu đó. Ông đã mất nhiều ngày đi tìm xác Richard Lawrence và xác của vợ chồng con gái ông.

Khu ngoại ô ven biển mà gia đình cô bé Shylyny sống ở Tacloban hầu như đã bị gió bão và sóng biển cuốn sạch.

131121-philippines-typhoon-haiyan-tacloban-shylyny-orphans-02

Bốn chị em Shylyny Therese Negru giờ trở thành trẻ mồ côi sau bão Haiyan. (Ảnh: David Guttenfelder/AP)

Có vô số trẻ em bị mất cha mẹ trong thảm họa thiên nhiên này. Zafrin Chowdry, người phát ngôn của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), cho biết tổ chức này đang khẩn trương dò tìm gia đình của các trẻ em này để có thể nhanh chóng giúp chúng liên lạc được với các người thân của mình.

Khai thác nguồn lực từ kiều bào Phi ở nước ngoài

131122-philippines-typhoon-haiyan-costs-01

Philippines là một trong những nước xuất khẩu lao động lớn nhất thế giới. Hiện nay nước này có hơn 10 triệu người đang lao động ở nước ngoài (chiếm hơn 10% số dân). Họ được gọi là “mga bagong bayani” (anh hùng mới) vì đã chấp nhận hy sinh xa gia đình và người thân ra nước ngoài kiếm sống và gửi tiền về.

Bây giờ, bên cạnh nguồn trợ giúp từ cộng đồng quốc tế, Philppines đang đặt nhiều hy vọng vào nguồn tài chính từ đội quân lao động xứ người hùng hậu này.

Phóng viên hãng tin Pháp AFP hôm 26-11 tại Tacloban đã gặp nông dân Teudolfo Barmisa đang xếp hàng bên ngoài một quầy chuyển tiền để nhận số tiền tương đương 600 USD do con gái đang làm người giúp việc nhà ở Hong Kong gủi về. Ông nói: “Tiền này sẽ được ưu tiên mua lương thực, sau đó giúp mua xi măng và ván ép dựng lại nhà.”

Năm ngoái, lực lượng lao động ở nước ngoài đã gửi về Philippines 21,39 tỷ USD thông qua các kênh chuyển tiền chính thức, tương đương 10% tổng giá trị GDP của nước này. Người ta nói rằng số tiền gửi qua các kênh không chính thức còn nhiều hơn nữa.

Nông dân Barmisa kể rằng với số tiền mà con gái làm việc ở Hong Kong gửi về trong 6 năm qua, gia đình ông đã mua được xe máy, cất một ngôi nhà nhỏ và dựng một cửa hàng nhỏ ở vùng ngoại ô Tacloban. Dĩ nhiên tất cả đã bị siêu bão Haiyan xóa sạch.

Sau khi xảy ra thảm họa, một số lao động Philippines ở nước ngoài đã vội vã trở về nhà để đem tiền giúp gia đình và cho họ nguồn động viên tinh thần. Trong số này có chị Lourdes Distrajo, 27 tuổi, một người mẹ đơn thân có 2 đứa con, trong đó có 1 đứa con trai 4 tuổi đã cùng 12 thành viên khác của gia đình dòng họ chị bị chết trong trận siêu bão Haiyan.Mặc dù chỉ mới nhận công việc giúp việc nhà ở Kuwait với mức lương 700 USD/tháng không lâu, nhưng nhờ chủ nhà tốt bụng cho nghỉ phép, tặng thêm tiền, mua cho vé máy bay, chị đã có thể về giúp gia đình trong cơn khốn khó cùng cực này. Không thể nhìn được mặt con trai lần cuối, vì cháu đã được chôn cùng các nạn nhân khác trong một ngôi mộ tập thể, chị Distrajo cho biết mình sẽ để lại cho gia đình hết số tiền mình dành dụm được và nhanh chóng quay lại Kuwait tiếp tục kiếm tiền gửi về giúp gia đình. Đây là thời gian gia đình chị cần sự giúp đỡ tài chính từ chị hơn bao giờ hết.

PHẠM HỒNG PHƯỚC

 (Saigon 29-11-2013)