Thứ Năm ngày 12 tháng 9 năm 2024

LANG THANG JAKARTA: Lần đầu tiên tới xứ vạn đảo

140414-phphuoc-jakarta-asus-015_resize

 

Rời sân bay Tân Sơn Nhất (SGN) vào sáng 14-4-2014, sau khoảng 2g40ph cỡi chiếc Airbus A321 của hãng hàng không Vietnam Airlines số hiệu VN631, đoàn nhà báo và media Việt Nam di dự họp báo ra mắt dòng smartphone Zenfone của Asus đã đặt chân xuống sân bay quốc tế Soekarno-Hatta (CGK) tại thủ đô Jakarta (Indonesia). Sân bay nằm sát biển, máy bay phải hạ dần độ cao trên biển ở khu vực có cả một rừng bè, không biết có phải để nuôi hải sản không. Cái nóng 32 độ C của vùng hải đảo hắt vào người thiệt là khó chịu, hừng hực, bức bối, rin rít.

Indonesia tuy xa mà không lạ với tôi. Truy nguyên nguồn cội người Việt, bên cạnh nguồn phổ biến hơn cho rằng người Việt xuất phát từ phương bắc tận xứ Tây Tạng chuyển xuống sống ở đồng bằng Bắc Bộ hình thành tộc Việt, có một nguồn khác lần theo vết tích các công cụ bằng đá nói rằng tổ tiên người Việt hàng chục vạn năm trước Công nguyên đã từ quần đảo Indonesia lần dò theo bán đảo Malaysia và Thái Lan để tới định cư ở đồng bằng Bắc Bộ. Nếu quả là như vậy, người Việt và người Indonesia cùng một nguồn cội. Ngay tại trước ga Departure thuộc Terminal 2 của sân bay quốc tế Soekarno-Hatta có một pho tượng lớn của một nhân vật cổ đại nào đó với cái nón có mào giống như những hình người khắc trên trống đồng Việt Nam. Liệu họ có liên quan gì với nhau? Còn nói về thời hiện đại, tôi có một số người bạn đồng nghiệp làm báo ở Indonesia, quen nhau trong những sự kiện quốc tế trong cả chục năm qua.

Đây là lần đầu tiên tôi tới Indonesia sau nhiều năm đi mòn nhiều đôi giày ở phần lớn các nước Đông Nam Á khác. Bây giờ chỉ còn 3 nước Lào, Myanmar và Brunei nữa thôi là bộ sưu tập kỷ vật các nước Đông Nam Á của tôi trọn vẹn. Cách đây ít năm tôi mém có cơ hội đi đảo Bali của Indonesia, nhưng bị hoãn vào giờ chót do tình hình an ninh không thuận lợi. Ngay cả trong lần tới Indonesia này, tôi mới biết các hãng sản xuất loại cổng từ dò kim loại và các máy soi an ninh như loại trang bị ở sân bay ăn nên làm ra thế nào ở nước Đông Nam Á này. Khi vào những khách sạn lớn, trung tâm hội nghị, khu mua sắm,… người ta phải đi qua cổng từ và hành lý phải chạy qua máy soi. Còn tại sân bay quốc tế, hành khách đã phải đi qua cổng từ và máy soi ngay từ cửa vào. Sau khi check-in và làm thủ tục xuất cảnh, hành khách phải chịu một vòng kiểm tra chính thức.

Indonesia có hơn 237 triệu dân (đông thứ 4 thế giới) trên diện tích hơn 1,9 triệu km vuông (lớn thứ 15 thế giới), là quốc gia có nhiều người Hồi giáo nhất (chiếm hơn 87% số dân, phần lớn là người Hồi giáo phái Sunni). Nước này được gọi là nước vạn đảo vì có tới 17.508 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có khoảng 6.000 đảo có dân cư. Java là đảo đông dân nhất thế giới, với 143 triệu dân (chiếm 57% số dân cả nước). Có khoảng 300 dân tộc và nói 742 phương ngữ khác nhau. Dân tộc lớn nhất là Java chiếm 42% số dân. Ngôn ngữ chính là tiếng Indonesia, một dạng biến cách của tiếng Malay. Là dân nước ngoài, bạn sẽ khó phân biệt được chữ viết và tiếng nói của người Indonesia và người Malaysia.

Tuy giàu hơn Việt Nam, xét về GDP (PPP) bình quân đầu người (năm 2013, Indonesia đạt 5.182 USD, còn Việt Nam 4.001 USD), nhưng Indonesia vẫn thuộc nhóm nước tầm trung ở Đông Nam Á. Chỉ mới rời khỏi sân bay, người nước ngoài đã có thể cảm nhận cuộc sống chưa sung túc ở đây qua con người và khung cảnh chung quanh. Một số bạn thốt lên: sao mà quen thuộc quá vậy nè!

Sân bay quốc tế Soekarno-Hatta (CGK) rộng minh mông (18km vuông) gồm 3 terminal. Năm 2012, nó đã phục vụ 57,8 triệu lượt hành khách và gần 370.000 lượt máy bay, trở thành sân bay tấp nập nhất Nam bán cầu. Được xây dựng từ năm 1975, tới năm 1985 khánh thành và trải qua nhiều đợt cơi nới, sân bay mang đậm phong cách khu vườn nhiệt đới với những nhà chờ, cổng lên máy bay được xây dựng thành những ngôi nhà ngói 4 mặt mở thoáng theo kiểu nhà pendopo (Rumah Joglo) của người Java.

Khách nước ngoài tới Indonesia bằng đường hàng không phải học bài học “lễ độ” đầu tiên. Không biết còn có khu làm thủ tục nhập cảnh (immigration) nào khác không, chứ tây ta chung đợt chúng tôi phải “trình diện” ở một khu vực nhỏ, tuy trần cao ngất, nhưng ngay phía trước các quầy thủ tục lại được thiết kế với cái xà rầm chắn ngang thấp tủn với những tấm biển chữ đỏ gắn nhắc nhở “Mind your head” (coi chừng u đầu), người cao chừng 1,7 mét là phải cúi đầu trước khi bước tới trình passport cho nhân viên xuất nhập cảnh. Lát sau đi ngang qua khu vực làm thủ tục nhập cảnh cho người bản xứ Indonesia, tôi giựt mình sao mà nó cao rộng và thoáng đãng quá chừng chừng.

Sân bay có 2 khu vực lấy hành lý ký gửi, belt từ 1 tới 5 ở bên phải, các belt còn lại ở bên trái. Điều kỳ lạ vừa khó coi, vừa khó nhận hành lý, vừa phải chờ lâu là mỗi belt dài ngoằn cong lượn có tới 2 tiểu đảo nhô ra như thể mỗi tiểu đảo là một belt khác nhau, đợi hành lý tà tà chạy ra di chuyển qua 2 tiểu đảo rồi sau đó không có ai nhận thì lại khuất trong một phía sau dài lê thê.

Cái vụ đổi tiền cũng để lại dấu ấn cho du khách. Chưa có ở nước nào tôi từng đi qua trong cả trăm chuyến “xuất hành hải ngoại” lại có dịch vụ đổi tiền rôm rả như ở sân bay Jakarta này. Nhân viên những quầy đổi tiền tích cực mời chào khách, vừa vẫy tay lia lịa, vừa mời chào í ới, vừa quơ quơ những tấm bìa cứng có viết chữ “No commissions” (không có hoa hồng) để giành khách. Người muốn đổi tiền cũng chẳng cần phải trình passport hay ký giấy tờ chi hết, chỉ cần nói số tiền muốn đổi là nhân viên lập tức đếm tiền Indonesia rupiah (IDR) để sau đó tiền trao cháo múc liền tay. Tỷ giá vào giữa tháng 4-2014 là 1 rupiah ăn 1,84 đồng Việt Nam. Khi xài, tôi cứ quy tròn 1 IDR bằng 2 VND cho dễ quy đổi rồi sau đó tự cho mình cái quyền discount xuống một chút cho có cái cảm giác rẻ. Rời sân bay vào nội thành, chúng tôi đã lập tức được trải nghiệm cái mùi vị của vấn nạn kẹt xe kinh khủng ở Jakarta. Nối sân bay với trung tâm thành phố là đường thu phí Prof. Dr. Sedyatmo Toll Road. Mặc dù hai nơi chỉ cách nhau có 20km, đoạn đường này – đặc biệt là chiều đổ vào thành phố – tốn rất nhiều thời gian, xe cứ phải cà nhích, cà giựt.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Jakarta 14-4-2014)

 

140414-phphuoc-jakarta-asus-039_resize

Khách sạn mà tác giả lưu trú ở Jakarta.

140414-phphuoc-jakarta-asus-200_resize

Tiền rupiah của Indonesia (IDR)

140414-phphuoc-jakarta-asus-019b_resize

Tác giả và một nhóm tiếp viên hàng không Indonesia.

140414-phphuoc-jakarta-asus-017_resize

Xe cảnh sát của Indonesia.

140414-phphuoc-jakarta-asus-013_resize

Nàng June Le của Asus Việt Nam trực tiếp “áp tải” lô hàng hơn 30 nhà báo và media từ TP.HCM sang giao cho Indonesia.

140414-phphuoc-jakarta-asus-015_resize

Tác giả và bạn Nguyễn Đô (PC World Việt Nam).

140414-phphuoc-jakarta-asus-012_resize

Khu vực lấy hành lý.

140414-phphuoc-jakarta-asus-008_resize

Thông báo lưu ý vào Indonesia bằng giấy tờ giả là phạm tội nặng.

140414-phphuoc-jakarta-asus-007_resize

Hai đồng nghiệp Thành Luân (báo Thanh Niên, bên trái), và Trần Mạnh Hiệp (Tinh Tế).

140414-phphuoc-jakarta-asus-006_resize

Bảng danh sách các nước mà công dân họ có thể xin visa vào Indonesia ngay tại sân bay nơi tới.

140414-phphuoc-jakarta-asus-005_resize

Tại sân bay quốc tế Jakarta Soekarno-Hatta (CGK) .

140414-phphuoc-jakarta-asus-003_resize

Trên một vùng ven biển rộng có biết bao là chiếc bè nhỏ có lẽ dùng để nuôi hải sản.

140414-phphuoc-jakarta-asus-002_resize

Bữa ăn trên máy bay Vietnam Airlines từ Saigon đi Jakarta.

140414-phphuoc-jakarta-asus-001_resize

Khách nước ngoài tới Indonesia phải điền vào 2 form nhập cảnh và hải quan.