Thứ Năm ngày 28 tháng 3 năm 2024

Mẹ ơi… con yêu mẹ biết chừng nào!

140511-happy-mother-day-php

 

Thường thì sống ở trên đời, có những thứ ta đinh ninh chỉ là bình thường, hay mình mặc nhiên mà có; chỉ tới khi thứ đó mất đi, ta mới òa vỡ ra rằng thứ đó là quý giá nhất trần đời, là thứ mà ta cần thiết biết chừng nào. Mẹ đối với tôi cũng vậy. Trong suốt hơn 50 năm, kể từ khi tôi chun từ bụng mẹ ra, mẹ không biết được xếp ở hàng thứ bao nhiêu trong cái tấm sớ danh sách những người phụ nữ mà tôi yêu, để rồi khi bà trở về với Chúa, tôi mới sáng mắt ra mẹ là người phụ nữ mà tôi yêu nhất trên đời.

Mà thiệt vậy, chẳng có “người dưng khác họ”, cho dù “chẳng nọ thời kia” nào khác có thể yêu ta bằng mẹ mình. Mẹ mới chính là người đã “mang nặng” ta suốt 9 tháng 10 ngày, rồi chịu banh da xẻ thịt “đẻ đau” ta ra làm người. Ta tượng hình từ chính thịt xương của mẹ, được nuôi lớn bằng dòng máu mẹ rồi sau đó là bằng bầu sữa mẹ. Mẹ và con thật sự là máu thịt của nhau.

Ba chớ có quạu quọ và có tư tưởng ganh tị nghen. Ba về cõi vĩnh hằng khi con mới 13 tuổi, cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới. Trong 13 năm sống trên đời với con, ba đã mất nhiều năm tháng bươn chải phương xa kiếm tiền lo cho gia đình và cho thỏa chí tang bồng của một người đàn ông cương nghị và đầy tự trọng. Rồi khi ba về sống chung một mái nhà, với vị thế và quyền uy của một gia trưởng, ba luôn ở cách con một tầm tay. Còn mẹ thì sống cùng con hơn 50 năm và ra đi khi con đã ở tuổi “ngũ thập nhi tri thiên mệnh”. Nhưng công cha, nghĩa mẹ, chẳng thể nào cân phân ai nặng hơn ai.

Nước mắt chảy xuôi. Tôi có thể nói rằng chẳng có nhiều những đứa con dám chết cho cha mẹ mình, cho dù đó là những đứa con hiếu thảo (vả lại cũng chẳng có cha mẹ nào để con mình làm điều đó). Nhưng người mẹ hiền nào cũng sẵn sàng hy sinh cho con mình được sống.

Ống thầy tôi ở Mỹ kể chuyện: Một người mẹ người Mỹ gốc Việt mới 22 tuổi tên Mindy Trần, sống tại bang Massachusetts, có 2 đứa con gai sinh đôi 2 tuổi. Hôm nọ đón con từ trường về, cô đậu xe trước sân nhà xe rôi bước xuống. Khi cô chưa kịp mở cửa cho con xuống thì chiếc xe bỗng lăn xuống triền dốc của lối đi dẫn vào nhà và có khả năng lao ra đường đâm vào dòng xe đang lưu thông giờ cao điểm. Chẳng suy nghĩ gì nữa, người mẹ trẻ đã lao vào đầu xe, lấy thân mình chèn bánh xe lại. Hàng xóm đã chạy tới và phải dùng xe cứu hộ mới nâng được chiếc xe lên. Người mẹ bị gãy xương chân, trật xương hông và xương bả vai. Báo chí ca ngợi, nhưng người phụ nữ 22 tuổi này nói rằng: “Có chi đâu, tôi chỉ là một người mẹ”.

Ngày của Mẹ (Mother’s Day) năm nay vào Chủ nhật 11-5-2014 (ngày Chủ nhật thứ hai của tháng 5 hàng năm). Năm nay ngày này trùng vào dịp người Phật giáo mừng kính Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc 2014 (hay Đại lễ Vesak 2014) vào ngày Rằm tháng 3 âm lịch. Vì thế, tôi xin để hầu bạn một câu chuyện cổ Phật giáo.

Vào đời nhà Minh bên Trung Hoa xưa có một người tên Dương Phủ sau khi thi đậu tiến sĩ đã làm tới chức Ngự sử và nổi tiếng là một vị quan thanh liêm. Ông cũng là một người mộ đạo Phật và có hiếu với song thân. Thời còn trẻ, nghe đồn bên đất Thục có môt vị đạo sĩ hiểu thấu Phật pháp tên là Vô Tế nên Dương Phủ tìm sang học đạo. Khi biết mục đích chuyến đi này, một lão tăng mà Dương Phủ tình cờ gặp dọc đường đã khuyên rằng: “Gặp Vô Tế sao bằng gặp được Phật.” Dương Phủ mừng rỡ và được lão tăng chỉ dẫn: “Thí chủ cứ quay về nhà, thấy người nào đi dép ngược, quần áo xốc xếch, hình dạng tất tả thì chính là Phật vậy.” Dương Phụ bèn quay về nhà, trên đường đi, ông cố tìm xem có ai có hình dạng như vậy không mà chẳng thấy. Về tới nhà trời đã khuya, Dương Phủ vừa lên tiếng gọi cửa thì mẹ ông mừng quá, chạy ra. Trong lúc quá vội, người mẹ đi ngược cả đôi dép, quần áo xốc xếch, cử chỉ tất tả, mừng mừng tủi tủi giống y như lời vị lão tăng đã chỉ dẫn. Dương Phủ ngộ ra rằng đó chính là đức Phật mà lão tăng muốn mình thờ phụng. Từ đó trở đi ông thờ kính cha mẹ như là Phật vậy.

Từ câu chuyện của Dương Phủ ngàn xưa, tôi nghiệm ra rằng: trước khi thờ phượng Thượng đế, ta hãy biết thờ kính cha mẹ mình. Chẳng có Trời Phật nào chứng giám cho những tín đồ không biết hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ đâu.

Một lần nữa, tôi xin các bạn hạnh phúc hơn tôi là còn có cha, có mẹ đang sống bên mình hãy sắp xếp lại mọi chuyện của cá nhân mình để có thời gian ở bên cha mẹ mình nhiều hết mức có thể được, chăm sóc cha mẹ mình tốt nhất có thể được. Đừng có phạm sai lầm rồi phải ân hận hết quãng đời còn lại như tôi, cứ mải mê sống cho bản thân mình để rồi khi giựt mình tỉnh cơn mê đắm thì mẹ chỉ còn là di ảnh:

Cả đời mẹ gánh ưu phiền

Cho con ngẩng mặt làm duyên với đời.

Con đi khắp bốn phương trời

Bỏ bê mẹ sống như người không con!

Con giờ nhớ mẹ sớm hôm

Muốn ôm lấy mẹ đành ôm bàn thờ.

(Trích bài “Một năm không có mẹ” của PHP)

 

Trong vô số thơ nhạc về mẹ, có lẽ do tâm trạng riêng của mình, tôi luôn thấm thía và rưng rưng mỗi khi nghe hay đọc bài thơ đã được phổ nhạc “Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười” của nhà thơ Trần Trung Đạo.

“Ví mà tôi đổi thời gian được

Ðổi cả thiên thu tiếng mẹ cười.”

(Should I be able to give up Man’s time in hereafter,

I would offer mine to recover my mom’s laughter.)

 

Xin cho tôi được kính gởi tới thân mẫu của bạn những lời chúc mừng từ con tim tôi, cầu nguyện ơn Trên luôn giữ gìn, ban nhiều ơn lành hồn xác cho bà. Lại một lần nữa xin được chung vui cùng các bạn còn có mẹ ở bên mình, đặc biệt là trong Ngày của Mẹ hôm nay.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 11-5-2014)