Thứ Sáu ngày 24 tháng 1 năm 2025

Lực lượng chống rác thải trên quỹ đạo Trái đất

debris orbiting the Earth-03

 

Bạn đã quen nhìn thấy hình ảnh Trái đất chụp từ Mặt trăng là một hành tinh màu xanh tuyệt đẹp. Những ngày thời tiết tốt, bạn cũng đã quen với màu xanh thăm thẳm và trong vắt của bầu trời trên đầu mình. Nhưng nhiều khi thực tế lại phũ phàng. Như trong trường hợp này, bầu không gian trên quỹ đạo Trái đất từ lâu rồi đã bị các nhà nghiên cứu gọi là một “bãi rác vũ trụ khổng lồ”.

Các nhà khoa học ước tính rằng trên quỹ đạo Trái đất hiện có khoảng 29.000 vật thể lớn hơn 10cm, 670.000 vật thể lớn hơn 1cm và hơn 170 triệu vật thể khoảng 1mm.

Các loại rác không gian này được con người tạo ra trong các hoạt động nghiên cứu và khai thác vũ trụ, như mảnh vỡ các vệ tinh, các tên lửa đẩy,… Chẳng hạn như vụ va chạm hồi năm 2009 giữa vệ tinh liên lạc dân sự Iridium-33 của Mỹ và vệ tinh quân sự Kosmos-2251 của Nga khiến cả hai tan như xác pháo, bổ sung thêm hơn 2.200 mảnh vỡ vào bãi rác không gian.

Heiner Klinkrad, người đứng đầu Văn phòng Rác Không gian của Cơ quan Không gian châu Âu (ESA) nói rằng: “Bất cứ vật thể nào, cho dù chỉ 1mm, cũng có thể làm tổn hại cho một tàu vũ trụ.”

Đó là lý do “chính đáng” để Nhật Bản chuẩn bị thành lập một lực lượng không gian quân sự vào năm 2019 với nhiệm vụ bảo vệ các vệ tinh khỏi bị “thương vong” vì các mảnh rác vũ trụ. Thật ra, đây là một hành động của Nhật Bản để tăng cường sự hợp tác với Mỹ trong không gian sau khi hai nước hứa sẽ cùng phối hợp với nhau giám sát bãi rác trên quỹ đạo luôn đe dọa các vệ tinh dân sự và quân sự trên quỹ đạo, cũng như những con tàu không gian. Nhật Bản sẽ cung cấp cho quân đội Mỹ các thông tin cập nhật thường xuyên về tình trạng rác không gian. Tokyo gọi không gian là “chiến trường thứ tư”.

Lực lượng không gian này trực thuộc Lực lượng Phòng vệ Bầu trời, tức không quân của Nhật Bản; phối hợp với Bộ Khoa học và Cơ quan Thám hiểm Không gian Nhật Bản. Nó sẽ được trang bị các hệ thống radar và kính thiên văn.

Tất nhiên đằng sau nhiệm vụ chính danh đó, ai cũng biết lực lượng không gian quân sự này sẽ giúp bảo vệ Nhật Bản và Mỹ trước các nguy cơ bị tấn công từ trên các vệ tinh, cũng như thoải mái mà “ngắm nghía” các vệ tinh thiên hạ trên quỹ đạo.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 5-8-2014)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

+ Có trên báo Tuổi Trẻ Mobile ngày 4-8-2014 (http://m.tuoitre.vn/)

debris orbiting the Earth-00

Bản đồ Google Maps cho thấy quỹ đạo đầy nghẹt những vệ tinh nhân tạo từ đời tám hoánh tới giờ.

debris orbiting the Earth-02 debris orbiting the Earth-01