Thứ Ba ngày 15 tháng 10 năm 2024

Bông hồng màu hồng mùa Vu Lan

vulan-bongjhong

 

Đạo hiếu đã có từ ngàn đời. Việc thể hiện lòng hiếu thảo, tôn kính hai đấng sinh thành cũng xưa như Trái đất. Ngay cả cái tập tục trên cả tuyệt vời “cài bông hồng lên áo ngày Vu Lan” tưởng là hiện đại cũng đã có ở Saigon từ đầu thập niên 1960, nghĩa là một nhóc tì ngày đó được cài bông hồng nay cũng ở tuổi lục tuần rồi.

Người ta nói rằng tập tục cài bông hồng lên áo trong ngày Vu Lan đã được Thiền sư Thích Nhất Hạnh du nhập vào Việt Nam từ Nhật Bản. Trong một lần sang thăm xứ sở Phù Tang đúng vào Ngày của Mẹ (Mother day), ông được một số sinh viên bản xứ cài lên áo một bông hoa cẩm chướng màu trắng sau khi hỏi thăm và được biết ông không còn mẹ. Thiền sư được một người cũng là tu sĩ giải thích: Hôm đó là ngày tưởng nhớ tới mẹ. Theo tập tục, người Nhật Bản cài hoa màu hồng khi vẫn còn có mẹ sống cùng minh trên dương thế và hoa màu trắng nếu mẹ đã về Trời. Tâm đắc với tập tục và ý nghĩa đó, khi về Việt Nam, thiền sư đã viết tản văn “Bông hồng cài áo” (xuất bản tháng 8-1962, vào đúng mùa Vu Lan) nói về tình mẹ và lòng thảo kính với mẹ, trong đó có kể lại câu chuyện được cài hoa ở Nhật Bản. Tùy bút “Bông hồng cài áo” đã được Thiền sư Nhất Hạnh kết lại như thế này:

“Anh cũng đừng tưởng tôi khuyên anh: “Không nên đuổi theo sự nghiệp mà chỉ nên ở nhà với mẹ!”. Tôi đã nói là tôi không khuyên răn gì hết — tôi không giảng luân lý đạo đức — rồi mà! Tôi chỉ nhắc anh: “Mẹ là chuối, là xôi, là đường, là mật, là ngọt ngào, là tình thương”. Để chị đừng quên, để em đừng quên. Quên là một lỗi lớn : Cũng không phải là lỗi nữa, mà là một sự thiệt thòi. Mà tôi không muốn anh chị thiệt thòi, khờ dại mà bị thiệt thòi. Tôi xin cài vào túi áo anh một bông hoa hồng: để anh sung sướng, thế thôi.

Nếu có khuyên, thì tôi sẽ khuyên anh, như thế này. Chiều nay, khi đi học hoặc đi làm về, anh hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và bền. Anh sẽ ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi anh sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ, để trông thấy mẹ và để biết rằng mẹ đang sống và đang ngồi bên anh. Cầm tay mẹ, anh sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý. Anh hỏi: “Mẹ ơi, mẹ có biết không?” Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên và sẽ nhìn anh, vừa cười vừa hỏi: “Biết gì?” Vẫn nhìn vào mắt mẹ, giữ nụ cười trầm lặng và bền, anh sẽ hỏi tiếp: “Mẹ có biết là con thương mẹ không?” Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù anh lớn ba bốn mươi tuổi, chị lớn ba bốn mươi tuổi, thì anh cũng hỏi một câu ấy. Bởi vì anh, bởi vì chị, bởi vì em là con của mẹ. Mẹ và anh sẽ sung sướng, sẽ sống trong tình thương bất diệt. Và ngày mai mất mẹ, Anh sẽ không hối hận, đau lòng , tiếc rằng anh không có mẹ.

Đó là điệp khúc tôi muốn ca hát cho anh nghe hôm nay. Và anh hãy ca, chị hãy ca cho cuộc đời đừng chìm trong vô tâm, quên lãng. Đóa hoa mầu hồng tôi cài trên áo anh rồi đó. Anh hãy sung sướng đi.” (Trích “Bông hồng cài áo” của Thiền sư Nhất Hạnh).

Thiền sư Nhất Hạnh đã chọn bông hồng làm biểu tượng cho lễ Vu Lan báo hiếu của nhà Phật. Sở dĩ chọn bông hồng vì thiền sư nghĩ rằng trong cách nhìn của người Việt, bông hồng là loài hoa thông dụng và dễ thương, được nhiều người yêu thích nhất. Loài hoa này còn mang quy ước biểu hiện tình yêu thương của loài người. Rồi chính Thiền sư Nhất Hạnh đã làm lễ cài bông hồng đầu tiên cho tăng ni và Phật tử tại chùa Pháp Hội ở Saigon. Từ đó tập tục này nhanh chóng lan rộng ra các chùa và các gia đình Phật tử ở miền Nam. 

Vào lễ Vu Lan rằm tháng bảy âm lịch hàng năm, tại các chùa, người ta cài bông hồng màu vàng cho các vị tăng ni, màu hồng hay đỏ cho các Phật tử còn mẹ, và màu trắng cho những người không còn có mẹ trên đời.

Cũng là một ông bố, nhưng tôi chưa bao giờ có chút ganh tị khi người ta tưng bừng mừng Ngày của Mẹ, ngay cả ngày Vu Lan báo hiếu cũng tập trung cho mẹ. Bởi mẹ mới chính là người hoài thai mang nặng đẻ đau cho chúng ta ra đời. Rồi trong suốt cuộc đời đứa con sau đó, mẹ là người gần gũi nhất và hy sinh nhiều nhất cho con. Tất nhiên chẳng hề có sự phân biệt hay nhất bên trọng, nhất bên khinh giữa cha và mẹ đâu. Cũng chẳng cần phải có kiến thức khoa học người ta mới hiểu chân lý: một đứa con là tác phẩm tập thể của hai đồng tác giả: cha và mẹ. Ngay cả trong phương pháp thụ tinh nhân tạo đi nữa, cũng phải có đủ cặp: “con lăng quăng” của người đàn ông và quả trứng của người phụ nữ mới có thể tượng thai. Chính tình mẹ mới là cội nguồn của tất cả các loại tình thương yêu có trên đời này. Tôi tin rằng chẳng có ông bố nào là đàn ông chính hiệu (genuine man) lại đi “tranh chấp chủ quyền tình cảm” hơn thua với mẹ của các con mình. Chỉ có điều, phận làm con cũng phải biết tế nhị mà thể hiện sự “bình đẳng” với 2 đấng sinh thành của mình. Đó thiệt sự là lẽ đạo, lẽ đời!

Tôi mới kỷ niệm “đệ ngũ chu niên” ngày mẹ mình đi đoàn tụ với ba mình hồi tháng 7 vừa qua. Nói vậy thì biết là tôi là kẻ trắng tay đã 5 năm rồi. Hồi mẹ còn sinh thời, tôi coi thường hồng ân mà Thượng đế ban cho là để cho mẹ ở với tôi tới từng ấy năm trời (mẹ tôi ra đi năm 2009 ở tuổi 86). Bởi vậy, tôi cứ mê mải lao theo công việc ngoài đời của mình, để bà vò võ quanh năm suốt tháng cứ phải trông ngóng con trai mình về với mình. Chỉ tới khi mẹ ngã bệnh và bác sĩ tiên liệu chẳng còn bao lâu nữa thì tôi mới “bừng tỉnh cơn mê… muội”, chạy đua với thời gian mà ở bên mẹ mình. Và tới khi mẹ ra đi, tôi mới vỡ òa ra một chân lý “mẹ chính là người phụ nữ mà tôi yêu thương nhất cuộc đời này”. Cho tới nay, 5 năm rồi, tôi vẫn nghĩ rằng mẹ chỉ đi chơi vắng nhà mà thôi. Chỉ có điều, hồi mẹ sinh thời, tôi hiếm khi ôm bà, để rồi trời bắt quả báo, bây giờ mỗi khi nhớ mẹ chịu hết nổi, tôi chỉ còn biết ôm… bàn thờ mẹ, ôm ghì thiệt chặt và mắt nhìn lên di ảnh mẹ mà thấy mẹ đang âu yếm nhìn con!

Từ sai lầm không thể sửa chữa được của chính mình, tôi luôn nhắc nhở bạn bè mình: ai còn được hạnh phúc có cha mẹ còn ở trên đời hãy thể hiện lòng hiếu thảo ngay, sắp xếp công việc để càng được ở bên các đấng sinh thành nhiều chừng nào, tốt chừng nấy; đừng để sau này ân hận như tôi. Hãy mời cha mẹ mình thưởng thức những món ngon, vật lạ khi ông bà còn sinh thời, chớ đừng để tới khi chỉ có thể mời cha mẹ trên bàn thờ như tôi. Bạn ơi, đừng có để phải bị hành hạ như tôi nhé, có những khi được ăn món gì ngon, nghĩ phải chi hồi đó mời cha mẹ mình thưởng thức, tôi lại nuốt cả nước mắt qua cổ họng!

Vậy thì mùa Vu Lan tôi phải cài lên áo bông hồng màu trắng rồi. Những người còn có mẹ trên đời được cài bông hồng màu đỏ. Nhưng cái mà tôi có bao giờ nghĩ mình “mất mẹ” đâu mà cài bông hồng màu trắng. Tôi chỉ không còn có mẹ ở trên đời này với mình thôi mà. Mẹ luôn ở trong tim tôi, luôn ở bên cạnh tôi kia mà. Cho nên, tôi sẽ trộn hai màu đỏ và trắng lại thành màu hồng. Một bông hồng màu hồng dành cho những người không còn có mẹ trên cõi đời nhưng vẫn luôn có mẹ trong tim mình.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon Vu Lan, 9-8-2014)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

 

Mời bạn đọc lại tản văn “Bông hồng cài áo” của Thiền sư Nhất Hạnh