Thứ Ba ngày 23 tháng 4 năm 2024

Thiền sư Thích Nhất Hạnh về Trời để lại cho đời một “Bông hồng cài áo”

Vào lúc 1g30g sáng 22-1-2022 (20 tháng Chạp Tân Sứu), Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viên tịch tại Tổ đình Từ Hiếu ở Huế sau 97 năm sông trên cõi nhân sinh, trong đó có 72 năm hạ lạp.

Ông không chỉ là một nhà tu hành Phật pháp mà còn là một nhà văn hóa, một nhà văn, một học giả, một người hoạt động vì hòa bình nổi tiếng.

Nhưng đối với người Việt, đặc biệt là người yêu kính Mẹ, bất luận tôn giáo, tên ông gắn liền với “Bông hồng cài áo”. Đoản văn về Mẹ mà ông viết tại Sài Gòn năm 1962 đã đi theo người Việt suốt từ đó và mãi được cất lên vào mỗi dịp Rằm tháng Bảy Vu Lan báo hiếu. Cũng từ tác phẩm này mà một tập tục của người Nhật Bản đã được du nhập vào Việt Nam để ra đời nghi thức gắn bông hồng cho các thiện nam tín nữ đến chùa vào ngày Vu Lan (bông hồng đỏ cho người còn mẹ, bông hồng trắng cho người có mẹ đã quy Tiên). Chí ít thì thiền sư Nhất Hạnh vẫn luôn được ghi nhớ bởi những người con yêu kính Mẹ mình.

Và với thiền sư Nhất Hạnh – Sư ông Làng Mai, Đức Phật không phải là một nhân vật tôn giáo quyền uy gây khiếp sợ mà chính là một ông Tiên, một ông Bụt của chúng sinh.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh sinh ngày 11-10-1926, quê quán ở Huế. Tên khi sinh của ông là Nguyễn Đình Lang, sau này khi làm lại khai sinh ở Đà Lạt đổi thành Nguyễn Xuân Bảo. Năm 1942, lúc 16 tuổi, ông xuất gia tu học tại Chùa Từ Hiếu (Huế) với pháp danh Trừng Quang. Năm 1961 và 1962, ông đi Mỹ nghiên cứu về tôn giáo tại 2 trường đại học. Tháng 10-1982, ông thành lập trung tâm tu học Làng Hồng ở Pháp, sau nay đổi thành Làng Mai (Đạo tràng Mai Thôn). Năm 2000, ông thành lập Tu viện Lộc Uyển ở Mỹ. Tháng 1-2005, Thiền sư trở lại Việt Nam lần đầu tiên sau 39 năm ra nước ngoài tu hành. Từ tháng 10-2017, Thiền sư Nhất Hạnh về sống tại Tổ đình Từ Hiếu đến khi viên tịch.

Ban truyền thông của Làng Mai đã thông báo di huấn của Thiền sư Thích Nhất Hạnh trước lúc viên tịch. Theo đó, tang lễ của Thiền sư sẽ diễn ra trong 7 ngày dưới hình thức tâm tang – khóa tu im lặng. Trong suốt thời gian đó, ban tang lễ mong mọi người đến thăm viếng trong im lặng, trang nghiêm, thanh tịnh, tĩnh lặng và nhẹ nhàng. Không phúng điếu vòng hoa, trường liễn. Lễ nhập quan diễn ra vào 8g sáng 23-1 (nhằm 21 tháng Chạp âm lịch) và lễ Trà Tỳ (di quan và hỏa táng) sẽ diễn ra vào 7g sáng 29-1 (nhằm 27 tháng Chạp âm lịch). Sau lễ Trà Tỳ, xá lợi của thiền sư sẽ được an vị tại Tổ đình Từ Hiếu và các trung tâm khác của Làng Mai khắp nơi trên thế giới mà không cần phải xây bảo tháp.

Trước đó, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết tâm thư gửi đến các Chư tăng, nói rõ ý nguyện sau khi trở về Tổ đình Từ Hiếu. Ông dặn các đệ tử của mình: “Nếu một ngày thầy mất, đừng xây tháp mộ gì cho thầy. Tốn kém tiền của. Tốn đất của dân. Dân mình còn nghèo lắm. Hãy hỏa táng thầy. Tro cốt thầy, hãy chia đều cho các Thiền viện của Làng Mai trên khắp thế giới rồi rải trên những con đường mà hàng ngày các con đi thiền hành. Làm như thế, ngày ngày, thầy và các con vẫn đi thiền hành chung.”

Tham khảo: Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch

P.H.P.