Chủ nhật ngày 03 tháng 11 năm 2024

Hệ lụy từ dầu bẩn ở Đài Loan

gutter-oil-01

 

Vụ bê bối dầu bẩn ở Đài Loan đã nhanh chóng trở thành một cuộc khủng hoảng quốc tế. Không chỉ có hàng ngàn cơ sở sản xuất, chế biến cho tới nay đã bị nhà chức trách sờ gáy vì có liên can, mà loại dầu ăn tái chế từ dầu bẩn này lâu nay đã được sử dụng ở những nước khác, hoặc nhập dầu trực tiếp hoặc, mua thực phẩm được chế biến bằng loại dầu này.

Hãng tin Pháp AFP (7-9-2014) cho biết: nhà chức trách Đài Loan đã tóm được nghi can chính trong vụ bê bối tái chế dầu ăn bẩn này. Đó là Kuo Lieh-chen, 32 tuổi, chủ một xưởng chế biến lậu ở hạt Pingtung. Theo nhà chức trách, hắn đã cung cấp loại dầu ăn khủng khiếp này cho hơn 900 nhà hàng và lò bánh ngọt. Chỉ có điều ngày 7-9, chỉ một ngày sau khi bị bắt giữ, Kuo đã được tòa cho đóng tiền thế chân 50.000 Tân Đài tệ (khoảng 35 triệu đồng VN) để tại ngoại hầu tra.

“Dầu bẩn” là tên chúng ta gọi loại dầu ăn này dựa theo tính chất của nó. Còn trên quốc tế, nó được gọi là “gutter oil” (dầu cặn bã). Thuật ngữ này được người Trung Quốc và Đài Loan dùng để gọi loại dầu ăn được tái chế trái phép từ loại dầu thải của các nhà hàng, chất thải từ các lò giết mổ gia súc, những thiết bị lọc mỡ và thậm chí cả từ cống rãnh. Quy trình tái chế rất thô sơ, thường là lọc, nấu sôi, tinh chế và loại bỏ các chất làm giả (adulterant). Sau đó, loại dầu tái chế này được vô chai và bán lại như loại dầu ăn rẻ tiền để những kẻ hám lợi mua về thay cho những loại dầu ăn bình thường. Còn một dạng dầu bẩn nữa là dầu được làm từ các bộ phận loài vật bị thải bỏ, mỡ và da loài vật, các bộ phận bên trong, thịt quá hạn hay chất lượng kém,… Tất cả được nấu trong những chiếc vạc lớn để trích xuất lấy dầu.

Dầu bẩn đem lại lợi nhuận khủng khiếp cho cả kẻ bán lẫn người sử dụng. Ước tính mỗi tấn dầu bẩn được mua với giá 859 tới 937 USD, sau khi tái chế lại có thể được bán với giá 1.560 USD/tấn. Có thông tin nói rằng có tới 1 phần 10 số nhà hàng  tại các chợ nhỏ ở Trung Quốc dùng dầu tái chế từ dầu bẩn để chế biến món ăn.

Không phải chỉ trong chế biến thực phẩm đâu, dầu bẩn còn được sử dụng cả trong điều chế dược phẩm nữa. Hồi tháng 9-2012, nhà chức trách Trung Quốc đã mở cuộc điều tra về vụ tình nghi dùng dầu bẩn làm một loại nguyên liệu trong công nghiệp dược phẩm nước này.

Ngày 4-9-2014, kênh truyền hình KTSF26 của người Hoa ở Mỹ đã cho phát một phóng sự cho thấy dầu bẩn ở Đài Loan được làm từ những thứ thu gom được từ các ống cống, sau khi tái chế được đóng vào những bao bì đẹp đẽ để xuất khẩu.

Tập đoàn Chang Guann Group ở Cao Hùng nổi tiếng lâu nay ở Đài Loan chuyên cung ứng nguyên liệu thực phẩm thô bây giờ bị phát hiện là một đầu mối phân phối dầu bẩn. Ngay ở Đài Loan, tập đoàn này cung cấp dầu ăn thường xuyên cho hàng trăm nhà sản xuất thực phẩm, trường học và nhà hàng tại 22 thành phố và hạt. Trong vụ bê bối mới này, cảnh sát phát hiện xưởng tái chế dầu lậu của Kuo ở hạt Pingtung đã bán 240 tấn dầu ăn tái chế từ rác và da gia súc cho Chang Guann. Tập đoàn này cũng thừa nhận ngày 25-2-2014 họ đã mua 243 tấn dầu từ xưởng tái chế đó để tinh chế lại thành 782 tấn dầu ăn dán thương hiệu Chuan Tung bán ra thị trường. Theo báo Hong Kong South China Moring Post (9-9-2014), cảnh sát tình nghi số dầu ăn này đã được cung cấp cho hàng trăm cơ sở chế biến thực phẩm và nhiều căng-tin quân đội. Các nhà điều tra nói rằng Chang Guann đã mua dầu tái chế từ xưởng phi pháp đó với giá rẻ hơn giá thị trường rất nhiều.

Vụ bê bối này đã làm chấn động ngành công nghiệp thực phẩm Đài Loan. Có hơn 1.000 khách hàng của Chang Guann đã dùng loại dầu tái chế từ dầu bẩn này để chế biến vô số thực phẩm, từ bánh trung thu, há cảo tới mì ăn liền, bánh ngọt, bánh bao.

Dân Hong Kong cũng lên cơn sốt theo. Tập đoàn thực phẩm Maxim’s Group của đặc khu này khai thiệt đã dùng dầu ăn nhập từ Chang Guann để sản xuất 9.000 chiếc bánh bao nhân trái khóm mỗi ngày ròng rã suốt 3 năm nay. Ngày 8-9-2014, thương hiệu nhượng quyền bánh bao Bafang Yunji thông báo ngưng bán bánh bao cà ri tại 54 cửa hàng của mình ở Hong Kong sau khi được nhà cung cấp bột cà ri ở Đài Loan thật thà khai báo họ xài dầu ăn do Chang Guann cung cấp. Cũng ngày 8-9, bánh được chế biến bằng dầu bẩn Đài Loan được phát hiện có bán tại các hệ thống bán lẻ và quán cà phê 7-Eleven, Starbucks, Café Express,… ở Hong Kong.

Ở Macau, Trung tâm An toàn Thực phẩm cho biết có 21 xưởng bánh ngọt và hãng chế biến thực phẩm vẫn mua dầu ăn của Chang Guann.

Thủ tướng Đài Loan Jiang Yi-huah đã ra hạn định là trong ngày 7-9-2014 tất cả các sản phẩm được chế biến bằng dầu ăn bẩn phải được thu hồi khỏi các cửa hàng. Ngày hôm trước, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan cho biết khoảng 167 tấn thực phẩm đã được thu hồi, trong đó có mì ăn liền, bánh ngọt và bánh bao.

Người ta đã có những lần báo động về tình trạng dầu ăn ở Đài Loan. Trước vụ dầu bẩn mới này, hồi năm ngoái nhà chức trách phát hiện nhiều công ty cho thêm những tác nhân tạo màu không được phép vào dầu ăn hay pha trộn dầu ôliu với dầu hạt bông rẻ tiền hơn.

Bình thường, dầu ăn sau khi được sử dụng để chiên xào là đã bị biến đổi tính chất hóa học và trở thành nguy hiểm cho sức khỏe con người. Việc tái chế dầu ăn hoàn toàn khác với việc một số nước như Singapore xử lý nước thải thành nước sạch có thể uống được. Không ai chấp nhận việc tái chế dầu ăn đã qua sử dụng để chiên xào lần nữa, cho dù có qua những hệ thống xử lý hiện đại, chứ đừng nói chi là dùng những phương thức thô sơ như những kẻ kinh doanh dầu bẩn đã làm. Đó là mới nói tới chuyện tái chế dầu ăn xịn đã qua sử dụng. Ở đây, điều tệ hại hơn cả là dầu bẩn còn được làm từ những loại rác rến, bộ phận thải loại của động vật,… không chỉ dơ mà còn chứa những mầm bệnh.

Chẳng ai dám bác bỏ chuyện dầu bẩn là rất độc hại. Khi vô cơ thể con người, hậu quả đầu tiên và thấy trước mắt là gây đau bụng, nôn mửa hay tiêu chảy. Việc sử dụng dầu bẩn trong thời gian dài có thể dẫn tới ung thu dạ dày và gan, cũng như những dị tật về phát triển nơi trẻ sơ sinh và trẻ em. Trong dầu bẩn dễ có chất PAH là một chất ô nhiễm hữu cơ nguy hiểm có thể gây ung thư nếu sử dụng lâu dài. Nó cũng có thể chứa những chất aflatoxin sinh ung thư với nguy cơ cao vốn được sản sinh từ những loại nấm mốc. Bác sĩ Zeng Jing của Bệnh viện Quảng Đông (Trung Quốc) nói rằng: “Những chất béo động vật và thực vật có trong dầu thải được tái chế lại sẽ có những phản ứng như hình thành mỡ ôi, ôxy hóa và phân hủy sau khi nhiễm vào cơ thể để sản sinh ra những chất độc hại như thạch tín. Nó sẽ khiến cho người ta bị khó tiêu, mất ngủ, bất ổn ở gan và những triệu chứng khác.”

Hồi tháng 12-2013, chủ một xí nghiệp Đài Loan đã bị kêu án 16 năm tù về tội bán dầu ôliu trộn dầu hạt bông và cho chất tạo màu nguy hiểm vào dầu ăn. Còn trong vụ bê bối mới nhất này, ngày 9-9-2014, chính quyền thành phố Cao Hùng đã phạt Tập đoàn Chang Guann 50 triệu Tân Đài tệ (1,67 triệu USD) về tội bán dầu bẩn.

Trong một bài xã luận, nhật báo United Daily News (Đài Loan) nhấn mạnh rằng vụ bê bối này đã làm tổn hại tới uy tín của hơn 1.000 doanh nghiệp và làm hoen ố nghiêm trọng hình ảnh thực phẩm “Made in Taiwan” ở nước ngoài. Tờ báo viết: “Chúng tôi e rằng không có ai có thể ước tính nổi tổn thất lớn tới chừng nào đâu.” Thiệt tình, bây giờ, Đài Loan đã phải trả giá quá đắt khi bị gán thêm cái cụm từ “dầu bẩn Đài Loan”.

Trong khi mọi người đang lo sợ về tình trạng an toàn thực phẩm, công ty công nghệ Baidu (Trung Quốc) đã tìm được cơ hội làm giàu từ vụ bê bối “dầu bẩn” khi loan báo mình phát triển được loại đũa thông minh được quảng cáo có khả năng phát hiện những chất độc hại trong thực phẩm. Ngày xưa, giới hoàng gia và những người giàu có ở Trung Hoa vẫn dùng những đôi đũa bạc để thử độc trong thức ăn với lòng tin rằng bạc sẽ biến thành màu đen nếu tiếp xúc với chất độc.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 10-9-2014)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.

+ Có thể đọc trên báo Tuổi Trẻ Online.

 

gutter-oil-01

Những món ăn chế biến bằng dầu bẩn sẽ gây nguy hại cho con người.

how-to-make-gutter-oil

Quy trình tái chế dầu ăn bẩn

gutter-oil-04

Người Trung Quốc xếp hàng chờ mua dầu ăn rẻ tiền.

gutter-oil-02

Một quy trình thu gom và chế biến dầu bẩn.

gutter-oil-03

Những hàng quán rong, chợ trời là nơi tiêu thụ nhiều loại dầu ăn rẻ tiền.

 

VIDEO:

Mời xem clip về cách làm “dầu bẩn” (Lưu ý: xin đừng xem trong lúc bạn đang ăn.)

Video vụ bê bối dầu bẩn Đài Loan: