Thứ Tư ngày 22 tháng 1 năm 2025

Mối quan hệ Ấn Độ – Trung Quốc trong nỗi quan ngại Ấn Độ Dương

china-india-map

 

Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều có vẻ hỉ hả với chuyến thăm chính thức 3 ngày của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Ấn Độ hồi trung tuần tháng 9-2014. Hai nước láng giềng châu Á có số dân đông nhất thế giới (Trung Quốc với 1,3 tỷ dân) và thứ nhì thế giới (Ấn Độ với 1,2 tỷ dân) có nhiều tiềm lực và cơ hội để hợp tác với nhau.

Ông Tập tỏ ra ngoại giao với lời ca ngợi Ấn Độ là “một vùng đất xinh đẹp và làm say mê”. Thủ tướng  Ấn Độ Narendra Modi thực tế hơn khi tuyên bố việc hai nước cam kết làm việc với nhau “sẽ mở ra những cánh cổng lớn cho tiến bộ và phát triển trên thế giới”. Chỉ vài giờ sau khi khách Trung Quốc tới, báo chí Ấn Độ đã nóng lên với những “thành tựu hợp tác song phương Ấn – Trung” vừa đạt được, như một công viên công nghiệp chung, một hiệp định kết nghĩa giữa hai thành phố, những mối quan hệ văn hóa, những giao dịch thương mại và đặc biệt là việc Trung Quốc hứa đầu tư hơn 20 tỷ USD vào Ấn Độ.

Nhưng đó là về kinh tế. Còn thực tế cuộc gặp cấp cao giữa ông Tập Cận Bình và Thủ tướng Modi đã có không ít đám mây mù xuất hiện. Hai nước này vốn có một lịch sử căng thẳng với nhau trong chuyện tranh chấp lãnh thổ ở vùng Himalaya. Chỉ trong 2 ngày, Thủ tướng Modi đã 2 lần đề cập với nhà lãnh đạo Trung Quốc về việc binh lính Trung Quốc vượt biên giới vào vùng Ladakh của Ấn Độ nói là để làm đường. Sau đó, ông Tập Cận Bình ngày 18-9 đã thông báo cho Thủ tướng Ấn Độ là ông đã trực tiếp ra lệnh cho binh lính Trung Quốc rút về ra xa khỏi vùng biên giới này. Chỉ vài ngày trước khi ông Tập tới Ấn Độ, khoảng 1.000 lính Trung Quốc đã vượt biên giới vào khu vực Chumur và buộc Ấn Độ phải điều ngay 1.500 quân tới. Đây là vụ quân Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ Ấn Độ tệ hại nhất trong nhiều năm nay. Sau khi có lời loan báo của ông Tập, quân đội hai bên đã nới rộng khoảng cách đối đầu nhau từ chỉ 100 mét ra tới 1,5km. Nhưng quân Trung Quốc vẫn ở đó.

Thế giới tất nhiên là theo dõi sát sao mối quan hệ Ấn – Trung với những cái nhìn khác nhau tùy theo mức độ ảnh hưởng của mình. Hai nước “khổng lồ” này mà giao hảo thật sự với nhau nhằm cùng nhau phát triển và đem lại ổn định cho khu vực là điều ai cũng mong chờ. Cái mà người ta lo ngại là ý đồ của Bắc Kinh kết thêm bạn để mở rộng cái vòng ảnh hưởng của họ. Lâu nay, giới bình luận quốc tế đã nói nhiều về việc Trung Quốc đang muốn hình thành một trật tự thế giới mới, không phải tạo sự cân bằng giữa các cực, mà là do Bắc Kinh nắm thế chủ đạo. Trước khi tới Ấn Độ, Trung Quốc đã tăng cường hợp tác và trói buộc với Nga. Ngoài ưu thế áp đảo ở châu Phi, Trung Quốc cũng đang ráo riết tạo ảnh hưởng trong khối Arập và châu Mỹ Latinh, và ngay chính châu Á.

Sau những gì Trung Quốc đã làm ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, người ta không thể không lo ngại việc Trung Quốc mở rộng sự can dự vào Ấn Độ Dương. Trong khi tiếp nhà lãnh đạo Trung Quốc, Ấn Độ cũng có những quan ngại về những động thái gần đây của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương. Trên đường bay sang Ấn Độ, ông Tập Cận Bình đã ghé thăm 2 nước Ấn Độ Dương là Maldives – nơi ảnh hưởng của Trung Quốc đang gia tăng vững chắc và Sri Lanka – nước mà Trung Quốc hiện là nhà đầu tư lớn nhất.

Ấn Độ Dương lâu nay là một tuyến vận chuyển dầu lửa quan trọng của thế giới. Nó là nơi các tàu chở dầu vận chuyển 80% sản lưọng dầu của Trung Quốc, 65% sản lượng dầu của Ấn Độ và 60% sản lượng dầu của Nhật Bản.

Kanwal Sibal, cựu Ngoại trưởng Ấn Độ, nói rằng: “Trung Quốc muốn là một tay chơi chính ở Ấn Độ Dương, cùng với Ấn Độ và Mỹ.” Sáng kiến mới nhất của ông Tập Cận Bình là hình thành Con đường Tơ lụa trên biển nhằm kết nối Trung Quốc với châu Âu bằng đường biển. Hãng tin Mỹ AP (20-9-2014) dẫn lời ông Sibal cho biết: nhiều người trong chính phủ Ấn Độ lo ngại Con đường Tơ lụa trên biển này là một cái bẫy con ngựa thành Trojan để che đậy âm mưu mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc. Bất luận thế nào, Ấn Độ vẫn cảnh giác không đặt quá nhiều lòng tin vào Trung Quốc.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 24-9-2014)

+ Bản đồ khu vực tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ. (Nguồn ảnh: Internet. Thanks.)

+ Có thể đọc bản in trên báo CA.TPHCM ngày 23-9-2014.