Thứ Hai ngày 23 tháng 12 năm 2024

Công nghệ cao cũng xuống đường ở Hong Kong

hongkong-umbrella-movement-2

 

Trong cuộc biểu tình đòi dân chủ do sinh viên Hong Kong khởi xướng từ ngày 26-9-2014 tới nay, các mạng truyền thông xã hội (social media network) đã tham gia với một vai trò quan trọng. Các nhà báo công dân không chỉ “thông tin trần trụi” (nghĩa là có sao nói vậy người ơi) cho cả thế giới hiểu biết và nhìn thấy những gì đang thật sự diễn ra ở cái đặc khu hành chính của Trung Quốc này, mà còn trở thành một nguồn động viên cho những người đang “chiến đấu” ngoài trận tuyến. Sự “lợi hại” của mạng truyền thông xã hội thêm một lần nữa được khẳng định. Lẽ đương nhiên, lợi cho người này lại hại cho kẻ kia, ai mạnh thế hơn thì làm chủ.

Trong vòng 4 ngày đầu của cuộc biểu tình, trên mạng Twitter có 1,3 triệu tin nhắn tweet về sự kiện nóng bỏng ở Hong Kong. Các mã tìm kiếm hashtag #occupycentral, #umbrellarevolution, #occupyHK, #yellowribbon,… đã tràn ngập nội dung trên mạng. Một thủ lĩnh sinh viên là Joshua Wong, 17 tuổi, đã kêu gọi những người tham gia biểu tình tải về một ứng dụng di động tên là Firechat cho phép những người dùng smartphone liên lạc với nhau mà không cần truy cập Internet hay sóng di động, những món chắc chắn bị nhà chức trách chặn. Ứng dụng này sử dụng sóng Bluetooth. Tính từ ngày 28-9 tới ngày 2-10, ứng dụng này đã được tải về hơn 100.000 lần.

Trong khi đó, ở Trung Quốc, tin tức về biểu tình tại Hong Kong bị kiểm duyệt gắt gao. Dịch vụ chia sẻ hình ảnh Instagram đã bị chặn. Các tin nhắn post trên mạng Sina Weibo, một mạng nhắn tin của Trung Quốc tương tự như Twitter, đã bị chặn với số lượng lớn hơn bình thường. Các tìm kiếm trên mạng có chứa cụm từ nhạy cảm lúc này như “sinh viên Hong Kong” (Hong Kong students) hay “chiếm trung tâm” (Occupy Central) đã bị kiểm duyệt. Người tìm kiếm nhận được thông báo: “Theo luật và quy định có liên quan, các kết quả tìm kiếm này không được hiển thị.” Các tổ chức nhân quyền ở Trung Quốc cho biết có tới 20 người đã bị bắt giữ vì thể hiện trên Internet sự ủng hộ của mình dành cho sinh viên Hong Kong.

hongkong-umbrella-movement

Bên cạnh đó, sự kiện ở Hong Kong đã phát sinh một cuộc đối đầu giữa những dân công nghệ chuyên nghiệp, đặc biệt là tin tặc, của cả hai bên.

Các nhà nghiên cứu an ninh mạng đã phát hiện ra một virus dạng Trojan tên là Xsser mRAT được “ai đó” cho nhiễm vào hệ điều hành iOS của Apple vốn chạy trên iPhone và iPad. Người ta cho rằng mục tiêu của phần mềm mã độc này là tấn công vào những người tham gia biểu tình ở Hong Kong.

Virus gián điệp này có nhiệm vụ đánh cắp các tin nhắn, hình ảnh, lịch sử cuộc gọi, mật khẩu và các dữ liệu khác trên các thiết bị di động Apple.

Các chuyên viên của hãng An ninh Di động Lacoon phát hiện ra virus này trong khi đang điều tra virus tương tự chạy trên hệ điều hành di động Android cũng có mục tiêu là những người biểu tình ở Hong Kong.

Bọn tin tặc đã phát tán các virus này qua dịch vụ tin nhắn WhatsApp, gửi những đường link cho người ta tải chương trình này về máy mình và trở thành nạn nhân.

hk-umbrella-revolution-time-cover

Sự kiện Hong Kong lên bìa tạp chí thời sự Mỹ Time bản châu Á đề ngày 13-10-2014.

 

Thôi thì, cầu mong hai bên sớm tìm được tiếng nói chung trên cơ sở biết được các giới hạn của mình và biết nhượng bộ lẫn nhau vì đại cuộc và tương lai của Hong Kong. Bắc Kinh chắc chắn không muốn Hong Kong biến thành Tân Cương hay Tây Tạng mới, và càng không thể chấp nhận có một Hong Kong ly khai hay độc lập. Danh chính ngôn thuận trước quốc tế, Hong Kong cho tới nay vẫn là một lãnh thổ của Trung Quốc. Và quan trọng nhất là chẳng ai muốn xảy ra một Thiên An Môn thứ hai! Đặc khu trưởng Hong Kong do Bắc Kinh chuẩn thuận là Leung Chun-ying cho tới nay vẫn khẳng định mình sẽ không từ chức theo yêu cầu của các lãnh đạo biểu tình. Tất nhiên là vậy rồi. Nhưng cũng tất nhiên nếu Bắc Kinh chấp nhận “bỏ con tép, bắt con tôm” thì lại là chuyện khác. Dù sao, Lã Bất Vi từ thời Chiến quốc tới nay vẫn còn không ít hậu duệ.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 4-10-2014)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks.