Thứ Sáu ngày 27 tháng 12 năm 2024

Vài điểm lịch sử bắc cầu trong năm 2014

bye-bye-2014-welcome-2015

Vào những ngày cuối năm, tôi thường nhìn vào những dự phóng tương lai của thế giới để đón chào năm mới. Tuy nhiên tôi thấy đã có vài biến cố khơi mào trong năm 2014, mang dấu ấn lịch sử nhân loại, bắc cầu qua năm mới. Chúng đang chờ kết quả, xuyên qua năm 2015, để vươn tới tương lai. Câu chuyện dở dang của chúng đáng được lắng nghe và nhắc lại. Chẳng hạn ba biến cố đại diện cho 3 lãnh vực sau đây.

 

Chuyện cô Malala Yousafzai

Có cô bé tầm thường, sống ở nơi hẻo lánh, mong ước duy nhất của bé là được đi học. Có lẽ chỉ trong chuyện thần tiên, cô bé đó mới được nổi tiếng trên thế giới. Nhưng chuyện của bé Malala Yousafzai lại đúng như vậy. Cô là người Pakistan, từ nhỏ cho đến năm nay là 17 tuổi, cô cật lực tranh đấu để được đi học. Chuyện thần tiên xảy ra vào tháng 10 vừa qua, cô được tặng giải Nobel Hòa bình năm 2014, cùng với ông Kailas Satyarthi người Ấn Độ. Hai người này đều tranh đấu cho các trẻ vị thành niên. Cô Malala tranh đấu cho trẻ em được quyền đi học. Ông Kailas chống lại việc cưỡng bách trẻ em lao động.

Malala là người trẻ tuổi nhất trong lịch sử những người đoạt giải Nobel. Ở tuổi 17, cô hiện vẫn còn là một nữ sinh trung học. Vào thuở cô 10 tuổi, quân Taliban cực đoan xâm chiếm thung lũng Mingora, quê của cô, họ áp đặt chế độ Hồi giáo bảo thủ. Họ phá hủy các trường học nữ và cấm trẻ em nữ đi học. Tuy bị cấm nhưng Malala vẫn tìm cách đến trường. Năm 2009, mới 12 tuổi, cô viết blog cho mạng BBC kể những chuyện bi đát xảy ra cho học trò nữ ở vùng Mingora. Bài viết của cô đã lôi cuốn ký giả Adam B. Ellick của báo New York Times nhập cuộc. Nhờ đó tên tuổi của cô được mọi nơi biết tới. Cô hăng hái tranh đấu đòi cho trẻ em nữ được quyền đến trường với những lời lẽ đơn sơ nhưng đầy nhiệt tâm. Việc làm này đã khiến thủ lãnh của nhóm Taliban nơi cô ở nổi giận. Họ ra lệnh xử tử cô. Tháng 10, 2012 khi cô và 3 bạn học lên xe bus từ trường về nhà thì bị hai tay súng Taliban xả súng bắn. Malala bị trúng đạn vào đầu và cổ. Cô nằm bất tỉnh nhiều ngày, sau đó được đưa qua Anh chữa trị rồi được sống tị nạn ở đó.

Vụ xử bắn tàn bạo một em nữ sinh đã gây xúc động cho toàn thể thế giới. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc kết án là “dã man và hèn nhát”. Tổng thống Pakistan cho là một “hành động chống lại thế giới văn minh”. Tuy suýt bị mất mạng nhưng Malala vẫn nói, “Tôi tin rằng khẩu súng không có sức mạnh nào cả” (I believe the gun has no power at all). Gương can đảm của cô đã gây hứng khởi cho hai triệu người Pakistan ký tên vào bản kiến nghị “Quyền Được Giáo Dục” cho trẻ em. Kết quả là bộ luật “Quyền Được Giáo Dục” ra đời, một bản luật bình đẳng giáo dục đầu tiên của Pakistan. Cựu thủ tướng Anh, ông Gordon Brown, trưởng Ủy ban Giáo dục Toàn cầu của Liên Hiệp Quốc (LHQ), tới thăm cô tại bệnh viện. Ông cho biết LHQ đã lập một bản kiến nghị với danh xưng “Tôi là Malala” (I am Malala) để yêu cầu chấm dứt tình trạng thất học của 61 triệu trẻ em trên thế giới vào cuối năm 2015.

Vào ngày sinh nhật thứ 16, năm 2013, Malala được mời tới trụ sở LHQ đọc diễn văn. LHQ tuyên xưng hôm đó là “Ngày Malala” (Malala Day). Cô đã phát biểu, “Ngày Malala không phải là ngày của tôi. Đây là ngày của tất cả phụ nữ, của các trẻ em gái và các trẻ em trai lên tiếng cho quyền lợi của mình… Tôi tới đây để nói về quyền được đi học cho tất cả mọi trẻ em. Tôi muốn con trai con gái của người Taliban và cả con cái của những kẻ khủng bố và cực đoan đều được đi học.” Nỗ lực tranh đấu của cô đã khiến nhiều cơ quan và chính phủ trao tặng giải thưởng, nhưng cao quí nhất là giải Nobel Hòa bình 2014.

image001

Cô Malala đang đọc diễn văn tại trụ sở Liên Hiệp Quốc, nhân “Ngày Malala”, cũng là ngày sinh nhật thứ 16 của cô.

Tuần báo Time xếp cô vào danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất trên thế giới. Tòa soạn còn đưa hình của cô lên bìa báo.

image002

Malala chỉ là một cô gái bình thường. Cô cũng chỉ nói lên cái nhu cầu rất bình thường là trẻ em cần được đi học. Tuy nhiên khi cái giá gần mất mạng mà cô phải trả nổ ra, người ta mới thấy cái nhu cầu tưởng là bình thường ấy đang là một giấc mơ của nhiều trẻ em, trong đó có 250 triệu bé gái toàn cầu đang sống đời cơ cực. Cô nói, “Tôi mơ một quốc gia nơi đó giáo dục được phổ biến khắp nơi.” Chúng ta có lẽ không ai muốn đó chỉ là một giấc mơ.

Malala trở thành biểu tượng cho sự bình đẳng giáo dục và hòa bình. Cô tranh đấu bằng lời kêu gọi, trong khi những kẻ chủ trương ngu dốt đánh phá cô bằng súng đạn. Cô đã thay đổi thế giới bằng tiếng nói của lương tâm, bằng ý chí dũng cảm và bằng tấm lòng nhân hậu của mình. Câu nói của cô thường được mọi người nhắc lại, “Một em bé, một thầy giáo, một quyển sách và một cây bút có thể thay đổi thế giới” (One child, one teacher, one book and one pen can change the world). Thiết nghĩ đây là lời tuyên dương giáo dục giản dị nhất và ý nghĩa nhất. Tuy nhiên thế giới đón nhận nó như thế nào vẫn còn nằm trong những năm sắp tới.

image003

Các em học sinh nhỏ ở Pakistan ủng hộ Malala

 

Chuyện cô Nina Phạm

Câu chuyện bắt đầu từ một loại bệnh bí hiểm, đã bị lãng quên, với cái tên lạ lùng Ebola xuất hiện ở một nơi xa xôi tận Phi châu. Bỗng vào tháng 9 vừa qua, một anh Phi châu tên Thomas Duncan, đến Dallas, bang Texas nước Mỹ, để lấy vợ. Đột nhiên anh bị bệnh nặng đến ói ra máu. Anh tới bệnh viện Health Presbyterian khám nghiệm. Tại đây người ta khám phá ra anh bị Ebola. Điều tra nguyên nhân gây bệnh, thì ra khi còn ở Liberia, Tây Phi, Thomas sống với người bạn gái, cô này đã chết vì bị Ebola. Khi vào Mỹ, với thái độ vô trách nhiệm, Thomas khai dối là không hề liên hệ với ai mắc bệnh Ebola. Nền y học thế giới chưa hề có thuốc trị cho bệnh này, nên 9 ngày sau Thomas qua đời. Không may, cô Nina Phạm, một người Mỹ gốc Việt, là y tá săn sóc cho Thomas bị lây bệnh từ anh. Tin cô Nina mắc bệnh Ebola làm rung chuyển nước Mỹ, lôi theo sự hốt hoảng của toàn thế giới, và gây xúc động cho các cộng đồng Việt trên khắp năm châu. Bởi vì cô là người Mỹ đầu tiên nhiễm bệnh Ebola ngay chính trên đất Mỹ. Dân Mỹ không thể chấp nhận được việc ấy.

image005 image004

Nina Pham 13

Trước đó vào tháng 6, thế giới đã báo động dịch Ebola xuất hiện tại ba nước ở Tây Phi là Guinéa, Sierra Leone, và Liberia. Chỉ trong vòng 2 tháng đã có 1000 người chết. Tỷ lệ bệnh nhân tử vong là 90%, một con số rất cao.

Nina Phạm, một cá nhân vô quyền lực, một cô gái ngoan trong xóm đạo nhà thờ, bỗng trở thành nhân vật nóng bỏng. Truyền thông bám sát tình trạng của cô với những tiêu đề chấn động như: “Dịch Ebola đã tới Mỹ”, “Virus Ebola đã vào trong nhà”… Mỹ đang trong thời kỳ bầu cử nên Ebola trở thành mục tiêu chính trị. Để tránh tình trạng hỗn loạn, Tổng thống Obama vội lên tiếng là chính phủ đã kiểm soát được Ebola, nhưng chẳng ai tin. Obama và đảng Dân chủ bị sút giảm uy tín khá nặng. Dân biểu đảng Cộng hòa Mike Kelly, bang Pennsylvania, hù dọa thêm rằng: nếu đã có tên khủng bố dám đeo bom tự sát, thì cũng sẽ có tên “thí mạng cùi” chích virus Ebola vào người rồi tới Mỹ để giết chúng ta. Các cửa khẩu vội lập ra những thủ tục y tế kiểm soát hành khách. Có người còn đưa đề nghị dỏm là cấm hành khách từ Tây Phi vào Mỹ. Tệ hơn nữa, ở Dallas, nơi Thomas qua đời, khi có người da đen nào đi trên đường phố vô ý ho cọc cọc, thế là ai cũng nhìn người này với cặp mắt nghi kỵ. Một tờ báo ở Dallas thuật chuyện một em bé đưa ra lời ước nguyện khi thổi nến sinh nhật của em, “Xin cho mẹ không bị Ebola.” Ngay cả trẻ em cũng sợ hãi.

Sau khi Thomas qua đời, tất cả những gì anh đụng tới đều bị nghi ngờ. Mọi đồ đạc trong nhà của anh bị tịch thu đóng thùng và dán nhãn “vật liệu nguy hiểm” (hazardous materials) rồi chở đến nơi khử trùng. Căn nhà anh ở bị niêm phong. Bốn đứa bé ở cùng căn hộ với anh đi học đều bị nhà trường đuổi về. Bốn em này và cô bạn gái cùng phòng với anh bị giữ cách ly để khám nghiệm. Chiếc xe chở anh tới nhà thương cũng bị niêm phong. Người ta điều tra kỹ hành trình của anh và đếm được anh đã tiếp xúc với 48 người. Tất cả 48 người này đều bị gọi tới phòng khám nghiệm.

image006

Virus Ebola

image007

Virus Ebola (màu xanh) tấn công một bào lành mạnh (màu vàng) (hình của National Institute of Allergy and Infectious Disease)

Vụ Nina Phạm lây bệnh đã mở ra một bối cảnh mới. Nhà thương Mỹ trong 100 năm nay chưa bao giờ có vụ bệnh nhân lây nhiễm cho người khác. Bây giờ mới lộ ra y tế Mỹ chưa sẵn sàng đối phó với dịch Ebola. Suy ra các nước khác cũng vậy. Thế giới nhận ra họ phải chung sức chống lại bệnh dịch này. Thay vì sợ hãi chỉ lo cho quốc gia của mình, thế giới phải thấy rõ mục tiêu là Tây Phi.

Mỹ trở thành quốc gia dẫn đầu cuộc chiến với Ebola. Obama khảng định, “Ebola phải chấm dứt ở Tây Phi”. Để kêu gọi quốc tế nhập cuộc, Mỹ dự định mang tất cả các bác sĩ và nhân viên y tế bị nhiễm bệnh Ebola ở Tây Phi về Mỹ chữa trị. Mỹ cho rằng khi có sự bảo đảm hỗ trợ sau lưng, các nước khác sẽ chịu gửi nhân viên tới Tây Phi. Tuy nhiên Mỹ phải hy sinh rất nhiều. Quốc hội Mỹ đang bối rối vì dự án này quá tốn kém. Tiền chuyên chở một bệnh nhân từ Tây Phi về Mỹ đã là 200.000 USD cộng thêm tiền chữa trị là 300.000 USD. Anh Thomas ở bệnh viện chỉ có 9 ngày mà y phí lên tới 500.000 USD. Chỉ riêng tiền phòng đã tốn 25.000 USD một ngày, trả cho hệ thống ngăn ngừa lây nhiễm và bảo vệ môi trường. Bảo hiểm y tế không trả cho loại phí tổn này.

Hiện nay Mỹ đã gửi 3.000 lính tới Liberia và dự trù con số sẽ lên tới 3.900 người. Họ là những người giữ nhiệm vụ di chuyển bệnh nhân. Anh quốc gửi 750 người đến Sierra Leone. Hội Bác sĩ Không biên giới (Doctors Without Borders) đã gửi đi 700 nhân viên y tế tới những vùng có dịch Ebola. Trong số này có 3 bác sĩ đã bị lậy bệnh. Nhân viên phụ tá y tế thiếu hụt trầm trọng. Từ tháng 6 có 500 nhân viên tiếp xúc với bệnh nhân Ebola. Tính đến tháng 11 vừa qua đã có 310 người tử vong. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nạn nhân bị lây nhiễm Ebola trong tháng 10 lên tới 10.000 người mỗi tuần. Khoảng 58% bị chết vì không được săn sóc đúng cách. WHO cho biết xác chết vì Ebola nằm rải rác ngoài đường dễ truyền bệnh hơn là bệnh nhân nằm trong nhà thương, vì vậy số tử vong cao hơn con số báo cáo. Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (Centers for Disease Control and Prevention – CDC) tiên đoán rằng nếu không kịp chặn đứng, trường hợp xấu nhất, số người nhiễm Ebola sẽ là 1.367.000 người vào tháng Giêng 2015.

Tháng 10-2014, ngoại trưởng của 28 quốc gia thành viên Liên minh Âu châu (EU) đã ký kết nhất quyết chận đứng dịch Ebola ở Tây Phi và bảo đảm có đầy đủ nhân viên chăm sóc cho người bệnh. Tất cả đều khảng định, “Ebola là cơn khủng hoảng nghiêm trọng phải chận đứng ngay.” EU tháo khoán 500 triệu euro để giúp 3 quốc gia Libéria, Sierra Leone, và Guinéa. Thủ tướng Anh đề nghị ngân quĩ này tăng lên 1 tỷ euro. LHQ cho biết nhu cầu ở Tây Phi cần 10,000 giường bệnh. Hiện nay Tây Phi gồm cả 3 nước Liberia, Sierra Leone and Guinea chỉ có 15 trung tâm y tế với tổng cộng 1.047 giường công thêm 41 giường của WHO.

Tình trạng săn sóc không đúng cách của nhân viên y tế đã khiến nhiều người chết oan. Một nhân viên Mỹ giúp việc ở Liberia kể rằng có em bé 7 tuổi đến bệnh viện xin chữa bệnh tiêu chảy. Kết quả cuộc giảo nghiệm phải đến vài ngày sau mới biết. Bởi vì bệnh Ebola cũng gây triệu chứng tiêu chảy nên nhà thương cho em vào ở trong lều của những người đang chờ kết quả thử nghiệm Ebola. Em bé bị nhốt 8 ngày trong căn lều chật chội mà số người mắc bệnh nhiều hơn giường bệnh. Sau đó kết quả thử nghiệm cho biết em chỉ bị tiêu chảy xoàng. Nhưng tự nhiên bệnh em trở nặng, người ta bèn làm cuộc thử nghiệm kế. Kết quả thử nghiệm lần này cho biết em đã bị nhiễm Ebola.

Một diễn tiến không ngờ xảy ra là nạn đói. Dịch Ebola đã gây ra tình trạng nhiều vùng bị cô lập, nội bất xuất ngoại bất nhập. Biên giới nước Liberia đóng cửa hoàn toàn. Dân chúng sống trong những nơi đó rơi vào nạn đói. Cơ quan Chương trình Lương thực Thế giới (World Food Program – WFP) cho biết, tại Tây Phi, hiện đang có 200.000 người bị thiếu hụt lương thực. Vào đầu năm 2015 số người này sẽ tăng lên đến 750,000 người. Hiện nay WFP đã tuyên bố tình trạng báo động lương thực ở Tây Phi. Nếu tình trạng cô lập này kéo dài sẽ dẫn tới nạn chết đói trong năm 2015.

Cô y tá Nina Phạm là biểu tượng cho những người hy sinh, chấp nhận những nguy hiểm để săn sóc bệnh nhân. Thế giới cần hiểu rõ công trạng của họ. Cũng nhờ họ mà thế giới thấy rõ hơn: sợ hãi không trả lời được vấn đề. Báo Time, vol. 184 Dec. 2014, đã chọn nhân vật trong năm 2014 là những người chống lại tử thần Ebola ở Tây Phi. Time bình luận rằng “Ebola là cuộc chiến tranh… Nếu phần còn lại của thế giới có thể ngủ yên là vì đã có nhóm người, nam và nữ, tự nguyện đứng lên chiến đấu.”

Tin vui là cô Nina đã được bác sĩ Bs Kent Brantly, một bệnh nhân Ebola thoát chết, tới Dallas hôm 12-10 để hiến máu cho cô. Huyết thanh của người thoát bệnh Ebola có khả năng tiêu diệt virus Ebola. Vào tháng 12, cô Nina được cơ quan y tế xác nhận là hoàn toàn bình phục. Cô được Tổng thống Obama mời tới Nhà Trắng. Ông Obama đã ôm cô chúc mừng. Ông muốn gửi cho dân Mỹ một thông điệp ngầm: thấy chưa, đừng sợ hãi, tôi ôm người mắc bệnh Ebola mà có sao đâu. Có thể y khoa Mỹ đã chiến thắng Ebola, nhưng thế giới bên ngoài nước Mỹ thì sao/ Câu trả lời nằm trong năm 2015.

Barack_Obama_hugs_Nina_Pham_Oct_24_2014

 

Chuyện quantum computer

Nếu hỏi nơi nào lạnh nhất trong vũ trụ, ai học về thiên văn ắt sẽ nói đó là đám mây bụi (tinh vân) Boomerang nằm cách trái đất 5.000 năm ánh sáng. Độ lạnh nơi đó là -457.87oF (−272.15 °C). Xin thưa sai rồi. Nơi lạnh nhất vũ trụ là bên trong cái thùng đen cao 10ft, hình kim tự tháp, trong phòng thí nghiệm của hãng D-Wave, tỉnh Burnaby, xứ Vancouver, Canada. Độ lạnh trong thùng là -459,6 ° F. Nhiệt độ này là điều kiện để bảo vệ con chip điện toán, làm bằng chất niobium, đặt trong thùng. Biobium là chất bán dẫn điện tiêu thụ điện thấp hơn những con chíp hiện tại đến 300 lần, nhưng tốc độ truyền tín hiệu nhanh tới mức không tưởng. Đặc tính kỳ lạ của biobium đã dẫn tới ý định tạo dựng một máy quantum computer (điện toán lượng tử). Nếu thành công, sản phẩm này sẽ là một bước tiến hóa của nhân loại vào tương lai.

Quantum computer hiện nay vẫn còn là một lý thuyết rất cấp tiến nhưng cũng đầy tính chất kỳ lạ. Mọi người vẫn đang cố gắng tìm hiểu nó là gì và làm thế nào để sử dụng nó. Nó sẽ có những thành quả mang tính cách mạng cho các lĩnh vực khác nhau, từ kỹ thuật mật mã, kỹ thuật của thế giới cực nhỏ như hạt nguyên tử, dược phẩm cải thiện nhân sinh, đến sự tạo tác một bộ phận trí thông minh nhân tạo… Trên lý thuyết nó sẽ dẫn tới những chân trời mới hầu như bất tận.

image008

Ô vuông màu đen nằm giữa tấm bảng là con chíp biobium.

image009

Bìa báo Time nêu ra giá một quantum computer là 10 triệu US Dollars với danh xưng “Bộ máy có khả năng vô tận” (The infinity machine).

Vào thế kỷ 20, các khoa học gia nhận ra môn vật lý học cổ điển không thể giải thích được các đặc tính của các đối tượng cực lớn (như các hành tinh trong vũ trụ) và các hiện tượng cực nhỏ (như hạt quantum). Ngõ bí này đã phát sinh ra cuộc cách mạng về một lý thuyết mới là thuyết cơ học lượng tử (quantum mechanic). Chẳng hạn vật lý cổ điển thấy ánh sáng là làn sóng, nhưng cơ học lượng tử thấy nó vừa là sóng vừa là một hạt (photon). Nghĩa là nó tồn tại trong 2 trạng thái khác nhau cùng một lúc — gọi là hiện tượng chồng chất (superposition). Như vậy một electron có thể tồn tại trong tất cả các trạng thái có thể của nó cùng một lúc. Thứ nữa, trong thế giới quantum các hạt, mặc dù ở cách xa nhau, vẫn liên kết chặt chẽ theo lối bất khả tiên đoán — gọi là hiện tượng vướng víu. Mỗi hạt quantum hiện diện như một thực thể tự do, nó thay đổi bản thể hay di chuyển tùy ý không ai có thể tính toán trước. Nó cũng có thể xuất hiện ở 2 hay nhiều nơi cùng một lúc như thể nó có khả năng vượt không gian và thời gian.

Máy điện toán hiện tại dùng kỹ thuật số (digital) với 2 trị giá nhất định, hoặc 0 hoặc 1, của hệ thống nhị phân. Vì vậy tất cả các dữ kiện đều phải mã hóa thành số nhị phân thì máy tính mới hiểu được. Mỗi đơn vị này gọi là “bit”. Trái lại đơn vị trong quantum computer, gọi là “qubit”, có thể đồng thời vừa là 0 vừa là 1. Nghĩa là qubit mang tính chồng chất và vướng víu, có thể ở trong nhiều trạng thái khác nhau không thể xác định được.

Tại sao quantum computer đáng đề cao. Bởi vì trên thực tế quantum computer có thể giải những vấn đề trong tích tắc mà máy tính hiện tại phải mất nhiều triện năm mới giải xong. Không những thế nó sẽ tiến tới khả năng có cảm ứng suy tư như con người. Hiện tại Đại Học University of California, Santa Barbara hợp tác Google đang cố gắng tạo ra những cơ phận qubit, bước đầu tiên để tạo quantum computer. Ngoài ra chỉ có hãng D-Wave là đã bắt đầu chế tạo quantum computer. Tuy máy chưa biết lúc nào sẽ hoàn tất, nhưng đã có nhiều cơ quan đặt hàng như NASA, CIA, bộ quốc phòng Mỹ, Google, và một số khách hàng bí mật D-Wave dấu tên.

Chúng ta không thể nói ai là cha đẻ của quantum computer, bởi vì nó không phải là tác phẩm của một cá nhân. Chúng ta chỉ có thể nói nó đã được lên kế hoặch trong năm 2014. Thế hệ quantum computer sẽ là một cuộc cách mạng của nền văn minh nhân loại, hay chỉ là một giấc mơ? Hy vọng con người có thể trả lời được câu hỏi này trong năm 2015.

 

ĐỖ NGỌC TRANG

(Cựu thầy giáo trường Trung học Kiến Tường, Elk Grove, CA 12-2014)

+ Nguồn minh họa: Internet. Thanks.