Thứ Tư ngày 22 tháng 1 năm 2025

Khi châu Phi phải trả giá cho Trung Quốc

china-in-africa1

 

Có lẽ không có minh chứng nào cho cái câu nói “Trung Quốc đang dùng tiền mua cả thế giới” rõ nét hơn châu Phi, châu lục đang phải hứng chịu những nỗi đoạn trường sau những thập niên nhắm mắt nhắm mũi ồ ạt nhận những dòng viện trợ và đầu tư như thác lũ từ đất nước châu Á có số dân đông nhất hành tinh.

Tạp chí kinh tế Mỹ The Economist hồi trung tuần tháng 1-2015 thuật rằng: Trên khắp châu Phi, những chương trình tâm tình trên sóng radio đang tràn ngập những câu chuyện của những người châu Phi, thường là đàn ông, than khóc vì bị mất những người vợ hay người tình vào tay những người đàn ông Trung Quốc giàu có. Một người đàn ông ở Kenya gần đây chia sẻ nỗi uất ức về “tình địch” từ Trung Quốc tới: “Hắn lùn và xấu như người lùn Pygmy, nhưng có nhiều tiền.” Điều đáng nói, đó là bộ mặt chung của nhiều nhà kinh doanh Trung Quốc tới châu Phi làm ăn.

Cho tới nay, Trung Quốc là đối tác thương mại nước ngoài lớn nhất của châu Phi, với kim ngạch hàng hóa khoảng 160 tỷ USD một năm. Trong thập niên qua, có hơn 1 triệu người Trung Quốc, hầu hết là người lao động hay thương buôn, đã tới làm ăn ở Lục địa Đen. Cùng với mối giao hảo giữa các chính phủ châu Phi và Bắc Kinh ngày càng gia tăng, ngày càng có thêm nhiều con đường và mỏ khoáng sản ở đây được Trung Quốc xây dựng. Nếu nói châu Phi đang bị Trung Quốc hóa hay là “lục địa thứ hai của Trung Quốc” – như tựa một cuốn sách của Mỹ – thì có phần quá đáng. Nhưng gọi châu Phi là “sân sau” hay “sân nhà” của Trung Quốc thì chẳng phải là suy diễn đâu.

Thật ra, sự bùng nổ phát triển của châu Phi đang thu hút nhiều nhà đầu tư trên khắp thế giới. Trung Quốc có lợi thế là nước “thập diện mai phục” từ trước. Cuối năm 2009, Trung Quốc bắt đầu cuộc “trường chinh” mới ở châu Phi trong bối cảnh châu Âu mỏi mệt và kiệt sức vì khủng hoảng kinh tế kéo dài. Nhưng cuộc cạnh tranh rất khốc liệt. Đối thủ đáng gờm của Trung Quốc chính là Ấn Độ, nước châu Á đông dân thứ hai của thế giới. Kim ngạch thương mại của Ấn Độ và châu Phi trong năm 2014 đã tới 100 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng thậm chí còn nhanh hơn cả Trung Quốc, và trở thành đối tác thương mại lớn thứ 2 của châu Phi, đẩy Mỹ xuống hàng thứ 3.

Trong những năm đầu, châu Phi choáng ngợp khi được Trung Quốc giúp xây dựng hàng loạt sân vận động, bệnh viện, đập nước, đường cao tốc,… Nhưng họ cũng nhanh chóng thức tỉnh khi thấy gánh nặng nợ quốc gia ngày càng phình to ra và nảy sinh đủ thứ vấn đề từ môi trường tới lao động.

china-in-africa2

Người dân châu Phi đang phải chịu những gánh nặng nợ công từ những công trình do Trung Quốc ồ ạt xây dựng.

 

Thật sự, trong chiến lược phát triển của mình, Trung Quốc coi châu Phi là một thị trường tiêu thụ dễ tính cho hàng hóa “Made in China” và là nguồn cung cấp nguyên liệu, khoáng sản khổng lồ. Trung Quốc đổ hàng qua bán, lấy tiền mua tài nguyên thiên nhiên của châu Phi chở về. Trong khi dẫn đầu bảng về buôn bán hàng hóa với châu Phi (năm 2013 đạt 156 tỷ USD), Trung Quốc lẹt đẹt đứng sau cả Anh, Mỹ, Ý,.. về vốn đầu tư cho châu Phi (năm 2012 chỉ có 2,5 tỷ USD so với 7,5 tỷ USD của Anh).

africa-trade-investment-01

Suy cho cùng, ngay cả người châu Phi – châu lục nghèo và kém phát triển nhất thế giới – cũng chịu đời không thấu với cách làm ăn của Trung Quốc. Làn sóng phản đối Trung Quốc đang lan rộng khắp châu Phi. Người châu Phi ngày càng thêm ngờ vực các hãng Trung Quốc. Các nước phát triển kinh tế nhanh nhất ở châu Phi lại có khuynh hướng nghiêng về các ý tưởng thị trường tự do của phương Tây.

Coi mòi làm ăn hết thời, hay đã bòn rút được quá nhiều tài nguyên rồi, Trung Quốc đang lảng dần châu Phi. Thay vào đó, Chú tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa hứa hẹn sẽ đầu tư 250 tỷ USD vào châu Mỹ Latinh – sân sau của Mỹ.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 23-1-2015)

+ Nguồn ảnh: Internet. Thanks

+ Có thể đọc bản in trên báo CA TP.HCM ngày 22-1-2015

.