Thứ Sáu ngày 19 tháng 4 năm 2024

Pháo Tết xưa

 

Từ bốn ngàn năm xưa, Tết của ta bao giờ cũng có đốt pháo. Ca dao đã ghi rõ những nét đặc trưng của Tết Việt theo truyền thống:

Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, pháo nổ, bánh chưng xanh.

image001

Tranh mộc bản dân gian, trích trong cuốn Technique du peuple Annamite (Kỹ thuật của người An Nam) của Henri Oger.

 

Tết xưa tiếng pháo không thể thiếu. Tuy nhiên từ năm 1994, tục lệ đốt pháo đã bị “xì” bởi chính quyền cấm đốt pháo vì lý do an toàn. Dân nhớ pháo chẳng biết làm gì hơn ngoài buông lời cảm thán:

Tết xưa pháo nổ trước hè

Tết nay pháo nổ lên xe vô tù

image002

Khi đòi cái gì không được thì nói nẩy là “không thèm”, đó là khẩu khí của người sĩ diện hão, chẳng hạn như chàng ca sĩ Quang Lê. Anh ta hát ví von “Tết này anh không thèm đốt pháo, vì tiếng cười em, rộn rã lòng anh rồi”. (Bài ca tết cho em). Nói gì thì nói, ngày tháng qua đi, lòng mọi người vẫn ấm ức không dễ quên tiếng pháo. Ngay vào đầu năm cấm đốt pháo, có bác vẫn mừng Tết bằng những tràng pháo nổ vang xóm. Công an phường hoảng hốt chạy tới rồi cũng đành nhập bọn với đám người đứng trước cửa nhà cười hô hố. Tưởng gì, hóa ra bác cho phát thanh băng cassette tiếng pháo nổ. Mới đây có “Hội những người mê đốt pháo ngày tết”. Hội này đang hoạt động náo nhiệt trên Facebook. Hội viên thu tiếng pháo nổ vào thẻ USB, với âm thanh mp3, rồi cho nổ ở bất cứ chỗ nào họ muốn nghe cho đỡ ghiền. Có anh dùng tiếng pháo nổ làm nhạc hiệu cho cell phone. Dân ta vốn thích lập hội, bất cứ ai có một sáng kiến gì đó, dù vớ vẩn chăng nữa, cũng có thể lập ra một cái hội. Nhưng hội mê đốt pháo thì quá chí lý. Phải nói, từ trẻ nít đến cụ già, cả trai lẫn gái, ai chả mê đốt pháo ngày tết.

 

Thú vui đốt pháo

Tôi nhớ thủa tôi còn nhỏ ở Cầu Kè, Trà Vinh. Vào ngày Tết, nhóm “nít ranh” chúng tôi tụ năm tụ ba ở ngoài đường. Hễ nghe thấy tiếng pháo nổ ở nơi nào là chúng tôi chạy thục mạng tới chỗ đó, rồi đợi vừa lúc tràng pháo nổ hết là à-lát-sô nhào vô lượm pháo thối và pháo tịt ngòi. Ấy thế mà có tên vớ được quả pháo đại chưa nổ. Cả bọn vừa dành nhau, vừa la hét om sòm. Sau đó chúng tôi kéo nhau đến một góc phố, moi chiến lợi phẩm trong túi ra, sửa lại ngòi pháo, rồi đốt. Tôi nhớ có anh lớn biểu diễn cầm cái pháo bằng hai ngón tay cho nó nổ. Tiếng nổ vang trời, khói bay xanh lè, nhưng tay anh vẫn không sao. Tôi dại dột bắt chước làm như vậy cả mà bị sưng bàn tay. Sau này tôi tự khám phá ra cái mánh là phải cầm ở tận đít quả pháo thì pháo nổ trăm lần cũng chả hề hấn chi. Lại có mấy anh lớn ở xóm đạo tụ nhau ngồi rình bên vỉa hè. Khi mấy cô từ nhà thờ ra về, đi ngang qua, mấy ảnh ném pháo ra đường khiến các cô vừa nhảy tưng tửng, vừa kêu Chúa oai oái. Các anh được dịp ôm bụng cười lăn lộn.

Đừng tưởng dân đứng đắn không vui với pháo. Ở miền quê xưa có trò “bịt mắt đốt pháo”. Người ta treo một tràng pháo vào cái giá. Người dự thi đứng sau một lằn vạch. Người này được trao cho cây que trên đầu có cột cây nhang. Người này được vài phút nhìn kỹ địa thế để định vị trí tràng pháo rồi bị bịt mắt lại. Sau đó thí sinh nhớ lại vị trí tràng pháo để châm ngòi. Mỗi lần châm lửa hụt là dịp thiên hạ xung quanh phá lên cười và buông lời chọc quê. Trai thanh nữ tú, ông già bà cả, ai cũng có thể dự thi. Đôi khi hội Tết đã tàn mà cả làng không ai đốt được tràng pháo đố.

 

Các loại pháo

Chẳng phải cứ nói “pháo” là xong chuyện, chúng có nhiều loại. Để cho dễ kể, tôi xin phân chúng làm hai hạng: hạng bình dân dành cho người nhát như thỏ đế và hang cao cấp dành cho dân chơi.

Tôi xin mở đầu bản liệt kê pháo dành cho dân nhát gan bằng câu thơ của cụ Tú Xương:

Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột
Loẹt lòe trên vách bức tranh gà.

Pháo chuột là pháo gì vậy? Nó là loại pháo thân nhỏ xíu, rẻ tiền. Khi đốt lên nó khẽ nổ cái “đẹt” rồi xì khói ra ở “đít” đẩy pháo lủi đi như con chuột chí. Nó chạy tới đâu thì con nít né đường cho nó chạy rồi cười rú lên.

Pháo tép: nhỏ như con tép, rẻ tiền, tiếng nổ tí tách như tiếng con tép nhảy trong rổ. Nếu pháo to gấp hai thì gọi là pháo tôm. Các bà các cô khi canh nồi bánh chưng thường thảy vô bếp vài cái pháo tép hay pháo tôm cho nó nổ tí tách tung lửa hoa cho vui mắt, rồi cười sung sướng.

Pháo xiết: là cục diêm to như thỏi đường phèn. Xiết pháo trên sân gạch nó phát ra tiếng nổ lách tách.

Sau đây là những pháo dành cho dân chơi, thường là đám thanh niên bạo gan, và cũng có chút rắn mắt.

Pháo lợn: cũng giống như pháo chuột nhưng to hơn. Khi đốt nó ré lên như tiếng heo đói đòi ăn, rồi phóng chạy. Các tay chơi thường để nó sát vánh tường rồi châm ngòi, phản lực của nó đủ mạnh khiến nó bò lên tường.

Pháo đùng: ngay cái tên cũng biết nó là quả pháo to. Pháo đùng, văn hoa gọi là pháo đại, thường là pháo lẻ. Nó nổ đùng một cái kinh thiên động địa rồi… hết. Cụ Nguyễn Khuyến có câu thơ:

Dăm ba ngày nữa tin xuân tới
Pháo nổ nhà ai một tiếng đùng.

Pháo cối: pháo to, dĩ nhiên không to bằng cái cối, nhưng có thể to bằng cổ tay. Gọi là pháo cối vì nó được đặt ở trung tâm cuộn pháo khiến bánh pháo trông như cái cối xay. Cũng cần nói thêm, nếu dây pháo cuộn tròn thì gọi là bánh pháo. Nếu gỡ dài ra thì gọi là tràng pháo. Nếu gấp lại từng khúc thì gọi là băng pháo. Nếu pháo còn để nguyên trong bao gói thì gọi là phong pháo. Khi pháo cối nổ, âm thanh như tiếng sấm, đồng thời nó tung lên cao hằng trăm mẩu giấy đỏ như hoa đào bay trong gió, hình ảnh rất sống động.

image003

Pháo đất: đây là loại pháo cổ, làm bằng đất, vốn là di tích truyền lại từ đời hai bà Trưng. Nguyên tắc của pháo là lấy đất nặn thành một cái nồi trống miệng. Pháo nâng lên cao rồi thảy xuống đất. Hơi nén trong nồi phá vỡ đáy nồi phát ra tiếng nổ. Hiện nay vùng Hải Dương vẫn còn duy trì tục lệ chơi pháo đất.

image004

Trong cuộc thi pháo đất ở Hải Dương, một thí sinh đang xuống tấn gắng sức bê quả pháo đất lên cao rồi thả nó xuống cho nổ.

Xin mời xem video clip ngày hội pháo đất Hải Dương:


Pháo điện tử: đây là tràng pháo giả không giống ai. Nó có hình dáng giống như pháo thật. Ngòi pháo cũng tóe lửa và cũng có tiếng nổ kèm theo, nhưng là lửa của bóng đèn chớp và âm thanh thu sẵn trong con chíp điện tử. Pháo điện tử có thể xài tới xài lui cho tới khi nào nhà bi cúp điện thì mới thôi.

Tôi xin tạm chấm dứt bản liệt kê với một thứ pháo mà dân Kiến Tường không ai thích, đó là “pháo kích”.

 

Sự tích pháo

Tất cả các tục lệ bắt đầu từ thuở sơ khai bao giờ cũng gắn liền với một huyền thoại. Tục lệ đốt pháo cũng không ngoại lệ. Trong số những huyền thoại hơi khác nhau, sự tích Na-Á thường được nhắc đến nhiều hơn cả. Ngày xưa có cặp vợ chồng quỉ dữ, chồng là Na và vợ là Á. Hai quỉ này ẩn mình trong bóng tối vì chúng sợ ánh sáng và tiếng động. Vào dịp Tết khi các thiện thần bảo vệ dân gian về trời chầu ngọc hoàng, vợ chồng Na Á thừa dịp tung hoành gây tai họa cho mọi người. Vì vậy người ta bày ra cách đốt pháo để tạo lửa sáng và tạo tiếng nổ nhằm xua đuổi chúng đi.

Tuy nhiên pháo ngày xưa không giống như bây giờ. Thuở ấy người ta chưa biết làm pháo bằng giấy. Người ta nhồi thuốc súng vào đốt tre để làm pháo, gọi là “bộc trúc” (pháo trúc). Sách “Kinh Sở tuế thời ký”, viết trong khoảng thế kỷ VI, ghi chép phong tục đất Lạc Việt có nói về pháo trúc và tục lệ treo bùa gỗ đào (đào phù) trên cây nêu, trong ngày tết. Di tích của tục lệ này còn lưu lại qua câu đối được truyền tụng đến ngày nay:

Bộc trúc nhất thanh trừ cựu tuế  
Đào phù vạn họ nhạ tân xuân 

Nghĩa là: pháo trúc nổ một tiếng xóa tan năm cũ. Có bùa đào vạn nhà đón xuân mới. (Người xưa tin gỗ đào có thể trừ quỉ. Họ lấy một cành đào làm bùa cột vào cây nêu. Sau này “bùa đào” thay đổi ý nghĩa để trở thành 2 câu đối Tết viết trên giấy màu đào dán ở cánh cửa).

Theo dòng thời gian chuyện ma quỉ không còn ai tin nữa, nên việc đốt pháo trừ tà cũng mất ý nghĩa. Trái ngược lại, đốt pháo thời nay lại mang ý nghĩa vui mừng. Tiếng pháo Tết là âm thanh rộn rã của niềm hân hoan, và xác pháo màu đỏ là hình ảnh hồng phúc của năm mới. Tục đốt pháo đi xa hơn, trong các dịp vui như lễ cưới, lễ vinh qui bái tổ, tiệc thăng quan tiến chức, khai trương cửa hàng… người ta đều đốt pháo.

Nhưng pháo cũng có mặt trái của nó chứ chẳng phải chỉ đơn thuần là niềm “vui như pháo nổ”. Cuộc đời thường có một số chàng nghe tiếng pháo thì lại rầu thúi ruột, vì đó là tiếng pháo ngày cưới của “con sáo sang sông, con sáo xổ lồng, con sáo bay xa”.

Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn tâm sự: “Rồi chiều nao, xác pháo bên thềm tản mác bay. Em đi trong xác pháo, anh đi không ngước mắt, thôi đành em” (Tà áo xanh). Ý ông muốn nói “em ra đi, anh gục đầu không dám nhìn theo nhưng tim anh vỡ từng mảnh như xác pháo”. Buồn!

image005

Còn cô dâu Việt Nam nghe tiếng pháo nổ đón dâu thì bật khóc thành tiếng. Theo truyền thống Việt, cô càng khóc to bao nhiêu càng được thiên hạ khen là có hiếu bấy nhiêu.

image006

Trong văn chương, người ta cũng dùng hình ảnh của pháo để diễn tả tư tưởng. Nếu ai chẳng may gặp lúc thân tàn ma dại thì phải gọi là “tan như xác pháo”. Khi bị ai chơi xấu, mình trả đũa lại thì gọi là “phản pháo”. Trong quân đội có một ngành đặc biệt gọi là “pháo binh”. Đừng tưởng binh chủng này chuyên trị đốt pháo Tết, chạy tới coi, mà toi… (chữ này kiêng nói trong ngày Tết). Nếu nó chẳng nguy hiểm, thi sĩ Yên Thao đã chả phải có lời nhắn:

Này người bạn pháo binh ơi

Anh rót cho khéo nhé

Kẻo lại nhầm nhà tôi…

Bên Tàu có bộ pháo quyền, tên chữ là “Tam hoàng pháo chùy”, nghĩa là bộ quyền đời Tam Hoàng Ngũ Đế. Tương truyền bộ quyền này do phái Nga My sáng tạo. Quyền gồm những cú đấm nặng như quả chùy và phóng ra ào ào như pháo nổ. Quả là lối chơi chữ vì “pháo” ở đây không còn nghĩa là cái pháo.

image007

Nói đúng ra, pháo tết là nét đẹp của nền văn hóa Việt. Pháo đẹp từ tiếng pháo đến xác pháo. Pháo vừa mang ý nghĩa linh thiêng, vừa là một nối kết xã hội, vừa là một truyền thống dân tộc. Ở trong nước cấm đốt pháo, nhưng ở đất Mỹ, bất cứ nơi nào có cộng đồng người Việt, nơi đó đều có đốt pháo Tết. Chính quyền địa phương dành một khu riêng, thường là khu khố buôn bán, để mọi người tự do đốt pháo. Con tôi lớn lên ở Mỹ. Từ khi cháu còn nhỏ không có năm nào cháu không đi đốt pháo mừng Tết, cho tới khi cháu tốt nghiệp trung học mới thôi. Thế là pháo Tết của văn hóa Việt vẫn còn được bảo toàn nơi hải ngoại.

Tuy nhiên đốt pháo tại một địa điểm tập trung như vậy chỉ là một hình ảnh tượng trưng. Xác pháo không rải trên sân của từng nhà trong tận cùng thôn xóm. Tôi nhớ ngày xưa khi tôi còn rất nhỏ, vào ngày mùng một Tết, ông nội tôi trân trọng treo một tràng pháo ngoài sân. Mẹ tôi núp trong hiên nhà. Pháo chưa đốt mà mẹ đã bịt kín hai tai. Trong ánh bình minh của ngày đầu năm, khói pháo và mùi thuốc pháo quyện vào ánh nắng mơ hồ trên không. Trông mới đẹp làm sao. Hình ảnh pháo Tết xưa đã xa rồi, xa đến nỗi tôi không còn thể nào đến đó được nữa.

Những người muôn năm cũ 
Hồn ở đâu bây giờ ? (Vũ Đình Liên).

 

ĐỖ NGỌC TRANG

(California, Tết Ất Mùi 2015)

—–

Hình minh họa: Internet. Thanks.