Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2024

Trung Quốc làm cách nào để đưa quân vào châu Phi?

china-troops-in-africa

 

Trong một thập niên qua, thế giới chứng kiến những hậu duệ của thương nhân Lã Bất Vi khai thác thế mạnh tiền của để thực hiện giấc mộng mua cả thế gian. Theo số liệu của viện nghiên cứu Heritage Foundation (Mỹ), tính tới cuối năm 2014, Trung Quốc đã đổ tới 870 tỷ USD đầu tư khắp thế giới. Trong đó, chiếm cao nhất (395 tỷ) là đầu tư vào lĩnh vực năng lượng để khai thác nguồn tài nguyên năng lượng của các nước đem về phục vụ cho nhu cầu phát triển Trung Quốc. Năm 2013, Trung Quốc nhập khẩu 60% nhu cầu dầu và 30% nhu cầu khí đốt của mình.

150203-china-invest-africa

Lâu nay, người ta vẫn thường nói là Trung Quốc đã mua được cả châu Phi khi nhìn đâu ở Lục địa Đen cũng thấy bóng dáng những công trình của Trung Quốc. Từ dự án đầu tư đầu tiên ở Angola năm 2004 (đổi đầu tư đường giao thông lấy dầu mỏ), chỉ 5 năm sau, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của cả châu Phi. Năm 2012, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và châu Phi đạt 198,5 tỷ USD (trong khi của Mỹ với châu Phi chỉ có 99,8 tỷ USD). Năm 2011, trong 93,2 tỷ USD trị giá hàng hóa mà Trung Quốc nhập từ châu Phi, có hơn 80% là dầu thô, nguyên liệu thô và những loại tài nguyên khác. Có lẽ để xoa dịu làn sóng phản đối ngày càng lan rộng ở chính châu Phi chỉ đích danh Trung Quốc đang bòn rút tài nguyên của châu Phi, năm 2014, Bắc Kinh đã hứa đầu tư 20 tỷ USD cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng ở châu lực này.

Mặc dù hiện chỉ chiếm 4,3% trong tổng vốn đầu tư nước ngoài của Trung Quốc, (thua xa tỷ lệ 60,9% ở châu Á), nhưng nguồn lực đầu tư của Trung Quốc ở châu Phi đã chi phối cả châu lục này.

Và không chỉ có tiền. Tạp chí Anh The Week (19-3-2015) cho biết: Trung Quốc đang sẵn sàng đưa quân vào châu Phi dưới nhiều danh nghĩa. Trước tiên là với lý do bảo vệ các công dân của mình.

Trong 10 năm đầu tư vừa qua ở châu Phi, số lượng lao động Trung Quốc được đưa sang các nước ở đây ngày càng đông. Các nhà đầu tư và các công trình đâu tư của Trung Quốc có mặt ở châu Phi cũng ngày thêm nhiều, vốn liếng ngày càng lớn. Và giờ đây, Bắc Kinh nói rằng họ không thể chỉ dựa vào sự bảo vệ của các chính quyền sở tại. Châu Phi lại là một châu lục đầy bất ổn.

Khi cuộc nội chiến ở Libya bùng nổ cách đây 4 năm, Trung Quốc đã phải sơ tán 36.000 công dân nước mình đang sống ở đây.

David Shinn, cựu đại sứ Mỹ ở Ethiopia và Burkina Faso, hiện là một chuyên gia về quan hệ Trung Quốc – châu Phi, nói rằng: Trong thời gian tới, quân đội Trung Quốc sẽ đóng vai trò ngày càng lớn hơn ở châu Phi. Thực tế là từ năm 2008, Trung Quốc đã đưa tàu chiến tới tham gia các hoạt động phòng chống hải tặc ở châu Phi. Tàu chiến Trung Quốc ngày càng ghé thăm châu Phi nhiều hơn. Khi hải tặc Somali bắt đầu lộng hành, Trung Quốc tăng cường hợp tác hàng hải với châu Phi, tập trận trên biển với Tanzania, cung cấp tàu chiến cho hải quân Nigeria,…

Năm 2013, Nam Sudan, nước Đông Phi cung cấp cho Trung Quốc 5% lượng dầu lửa nhập khẩu, rơi vào nội chiến. Trung Quốc đã nhanh chóng đưa quân lần đầu tiên tới châu Phi với 700 quân trong lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc ở Nam Sudan. Đây là số quân đông nhất so với 4 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ khác. Trung Quốc cũng trang bị cho quân đội Nam Sudan tên lửa bắn máy bay.

Trong đợt bùng phát dịch bệnh Ebola, Trung Quốc cũng đã gửi hàng trăm binh lính tới Tây Phi tham gia các hoạt động phòng chống dịch.

Bắc Kinh đã ký thỏa thuận hợp tác an ninh với Ai Cập.

Cũng giống như Mỹ hay Nga, Trung Quốc sẽ sử dụng lý do bảo vệ công dân, quyền lợi kinh tế và vốn liếng đầu tư của mình để đưa quân tới những nước nào đó khi xảy ra sự cố.

 

PHẠM HỒNG PHƯỚC

(Saigon 28-3-2015)

+ Ảnh: Binh lính Trung Quốc làm nhiệm vụ ở châu Phi. (Nguồn ảnh: Internet, Thanks.)